Nga tuyên bố vắc-xin COVID-19 của họ cho hiệu lực cao hơn Mỹ, tới 92%

Tram Ho

Chưa đầy 3 ngày sau khi hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ tuyên bố loại vắc-xin COVID-19 mà họ đang phát triển có hiệu lực hơn 90%, các nhà khoa học Nga cho biết vắc-xin Sputnik V của họ có hiệu lực tới 92% trong giai đoạn III của thử nghiệm lâm sàng.

Thông tin vừa được Viện Nghiên cứu Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh vật thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga ở Moscow công bố sau phân tích dữ liệu từ 16.000 tình nguyện viên tham gia. Các tình nguyện viên được chia làm hai nhóm: một nhóm tiêm 2 liều Sputnik V cách nhau 3 tuần, nhóm còn lại chỉ được tiêm giả dược là nước muối.

Tất cả các tình nguyện viên không được cho biết mình thuộc nhóm nào. Sau khi tiêm vắc-xin, họ trở lại nhà và sinh hoạt như bình thường. Trong quá trình theo dõi từ tháng 8 cho tới nay, chỉ có 20 tình nguyện viên bị nhiễm COVID-19.

Theo kết quả phân tích thống kê của 20 trường hợp nhiễm virus corona được xác nhận, sự phân chia các ca nhiễm giữa những người được tiêm chủng và những người dùng giả dược cho thấy vắc-xin Sputnik V có tỷ lệ hiệu quả là 92% sau liều thứ hai”, thông cáo báo chí của Viện Gamaleya cho biết.

Nga tuyên bố vắc-xin COVID-19 của họ cho hiệu lực cao hơn Mỹ, tới 92% - Ảnh 1.

Một tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin COVID-19 Sputnik V của Nga.

Ngoài ra, một thử nghiệm khác được thực hiện trên 10.000 nhân viên y tế trong các bệnh viện ở Nga, nơi được coi là tuyến đầu của đại dịch, cũng xác nhận hiệu lực của vắc-xin Sputnik V đối với các tình nguyện viên “bên trong vùng đỏ” là trên 90%.

Các nhà khoa học Nga cũng cho biết vắc-xin của mình rất an toàn. “Không có một tác dụng phụ ngoài mong đợi nào được ghi nhận trong giai đoạn thử nghiệm này“, thông cáo báo chí viết.

Các tác dụng phụ nhẹ mà tình nguyện viên có thể gặp phải sau khi tiêm Sputnik V chỉ dừng lại ở phản ứng đau ở chỗ tiêm, có triệu chứng giống cảm cúm như mệt mỏi và đau đầu nhẹ. Nhưng đó đều là các phản ứng ngắn hạn không đáng lo ngại, các nhà nghiên cứu Nga nhận định.

Nga cho biết vắc-xin của họ ưu việt hơn các vắc-xin của Trung Quốc và Phương Tây

Vắc-xin Sputnik V được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya với hợp tác của Bộ Quốc phòng Nga dựa trên công nghệ vec-tơ virus. Đó là cùng một công nghệ mà họ đã sử dụng để phát triển vắc-xin cho Ebola và MERS trước đây.

Về cơ bản, vắc-xin dựa trên vec-tơ nghĩa là các nhà khoa học sẽ chọn một virus vô hại, trong trường hợp này là Adenovirus, một loại virus gây cảm lạnh thông thường. Họ loại bỏ gen lây nhiễm của nó để khiến virus này không thể gây bệnh.

Sau đó, Adenovirus được cấy một chuỗi gen của virus SARS-CoV-2 đang gây ra đại dịch COVID-19. Đây là các gen sản sinh ra protein gai của SARS-CoV-2 hay lớp vỏ ngoài cùng mà nó dùng để tấn công tế bào.

Các véc-tơ Adenovirus lúc này mang theo protein gai của SARS-CoV-2 được tiêm vào cơ thể người. Hệ miễn dịch của chúng ta sẽ nhận diện được các protein này, từ đó sinh ra các kháng thể chống lại chúng – trong khi bản thân Adenovirus không thể khiến chúng ta mắc bệnh.

Và bởi cơ thể đã được đào tạo trước và có sẵn một “đội quân kháng thể” chống lại protein gai của SARS-CoV-2, khi chúng ta thực sự phơi nhiễm với virus này, cơ thể lúc này đã có thể tiêu diệt chúng và người tiêm vắc-xin sẽ miễn nhiễm với COVID-19.

Nga tuyên bố vắc-xin COVID-19 của họ cho hiệu lực cao hơn Mỹ, tới 92% - Ảnh 2.

Hướng phát triển vắc-xin COVID-19 sử dụng adenovirus đang được nhiều hãng dược phẩm ở nhiều nước trên thế giới theo đuổi. Có thể kể đến các hãng dược lớn như CanSino Biologics của Trung Quốc, AstraZeneca của Anh dưới sự hợp tác với Đại học Oxford, Johnson & Johnson của Mỹ hợp tác cùng Trường Y Harvard.

Ngoài ra còn một số công ty công nghệ sinh học nhỏ hơn cũng đang theo đuổi hướng phát triển vắc-xin này cho COVID-19 bao gồm ReiThera của Ý, Stabilitech BioPharma của Anh, ImmunityBio, Altimmune Intranasal và Vaxart của Mỹ.

Nhưng điểm chung của tất cả các vắc-xin dựa trên vec-tơ của Phương Tây, đó là họ chỉ sử dụng một adenovirus duy nhất để mang gen sinh protein gai virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học Nga ở Viện Nghiên cứu Gamaleya sử dụng tới hai.

Sputnik V của Nga thực chất là hai loại vắc-xin khác nhau, được tiêm cách nhau 21 ngày. Liều thứ nhất sử dụng vec-tơ là virus AD26 (cùng loại với vắc-xin đang được phát triển bởi Johnson & Johnson và Trường Y Harvard). Liều thứ hai là các vec-tơ Ad5 (cùng loại với vắc-xin đang được CanSino Biology phát triển ở Trung Quốc).

Các nhà khoa học Nga gọi đó là một sự kết hợp đột phá, độc đáo và duy nhất trên toàn cầu. Theo họ, việc tiêm một vắc-xin thứ hai khác ở mũi nhắc lại sau 21 ngày sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2. Đồng thời, điều này được hi vọng là sẽ kéo dài khả năng miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều một loại vắc-xin hoặc 2 liều cùng một loại vắc-xin.

Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu lực của Sputnik V

Vào thời điểm Viện Nghiên cứu Gamaleya tuyên bố Sputnik V có hiệu lực tới 92%, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của họ vẫn đang được tiếp tục tiến hành. Tính đến hôm nay, 12/11, đã có khoảng 20.000 tình nguyện viên tham gia được tiêm vắc-xin hoặc giả dược.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của Sputnik V dự kiến sẽ được thực hiện trên 20.000 tình nguyện viên nữa. Trong so sánh, vắc-xin Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức đã gần hoàn thành giai đoạn thử nghiệm này với 38.955/43.538 tình nguyện viên tham gia đã nhận vắc-xin hoặc giả dược.

Theo thông tin từ tờ Washington Post, Pfizer phát hiện 94 tình nguyện viên nhiễm COVID-19 sau thử nghiệm. Trong đó, chỉ có dưới 9 trường hợp thuộc nhóm đã được tiêm vắc-xin, phần lớn (hơn 90%) những ca bệnh còn lại là những người chỉ được tiêm giả dược. Pfizer dựa vào đây để tuyên bố vắc-xin của họ cho hiệu quả hơn 90%.

Stephen Evans, một nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London nhận định số lượng trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo từ thử nghiệm vắc-xin Sputnik V chỉ dừng lại ở con số 20, thấp hơn nhiều thử nghiệm của Mỹ.

Giao thức thử nghiệm Sputnik V hiện chưa được công khai, trái ngược với giao thức của Pfizer và một số ứng cử viên hàng đầu khác trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, vì vậy không rõ liệu một phân tích tạm thời sau khi xác định được 20 trường hợp nhiễm COVID-19 của Nga có đáng tin hay không.

Theo Evans, dựa trên các dữ liệu từ thử nghiệm Sputnik V, ông tin vắc-xin của Nga chỉ cho hiệu lực khoảng 60%. “Chúng ta cần phải theo dõi thêm vì kết quả tương thích với hiệu quả thấp hơn nhiều”, Evans nói.

Nga tuyên bố vắc-xin COVID-19 của họ cho hiệu lực cao hơn Mỹ, tới 92% - Ảnh 3.

Shane Crotty, nhà miễn dịch học vắc-xin tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở California đồng ý. Ông cho biết sẽ rất khó để giải thích kết quả thử nghiệm lâm sàng nếu không có thêm thông tin. “Nếu là tôi, tôi sẽ không kết luận bất cứ điều gì từ 20 trường hợp nhiễm COVID-19“, Crotty nói.

Pfizer ban đầu cũng dự định thực hiện phân tích tạm thời sau khi họ phát hiện 32 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm nhiễm COVID-19. Tuy nhiên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nói rằng họ cần phải tích lũy nhiều ca nhiễm hơn để làm điều đó. Và Pfizer đã đợi con số lên tới 94 để tuyên bố. Họ có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm cho đến khi tìm thấy 164 tình nguyện viên nhiễm COVID-19.

Eleanor Riley, nhà miễn dịch học tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh nghi ngờ các nhà khoa học Nga chỉ đang cố lấy thành tích trước Mỹ và các quốc gia khác trong cuộc đua phát triển vắc-xin COVID-19. 

Tôi lo lắng rằng những dữ liệu này đã được đưa ra (một cách vội vàng) sau thông báo của Pfizer/BioNTech“, Riley nói. “Nhưng đây không phải là một cuộc thi. Chúng ta cần thực hiện tất cả các thử nghiệm theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể”.

Tham khảo Technologynetworks, Nature

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk