Việt Nam thiếu sân chơi dành cho sinh viên lập trình

Ngoc Huynh

Do thiếu sân chơi, thiếu định hướng nên kiến thức về thuật toán của nhiều sinh viên CNTT Việt Nam còn hạn chế để có thể ứng dụng giải quyết được những bài toán thực tế do doanh nghiệp đặt ra.

Mới đây, Công ty Tư vấn Tholons đã xếp TP.HCM và Hà Nội nằm trong top 20 địa chỉ có dịch vụ gia công phần mềm tốt nhất thế giới. Tháng 8/2016, chuyên trang lập trình thuật toán HackerRank xếp hạng lập trình viên Việt Nam thứ 23 toàn cầu, đứng trên nhiều nước mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc đào tạo CNTT ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Thuật toán, vốn được xem là năng lực cốt lõi của ngành lại đang bị xem nhẹ, kiến thức về thuật toán của nhiều sinh viên CNTT còn rất hạn chế.

Sau cuộc thi Thử thách Sáng tạo cùng Samsung 2016 (Samsung Software Challenge 2016) diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Huh Chang Wan, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Di động Samsung Việt Nam, thuộc Samsung Electronics Việt Nam nhận định: Samsung đánh giá sinh viên CNTT Việt Nam rất có tiềm năng, tuy nhiên nhiều sinh viên còn thiếu kiến thức về thuật toán, kinh nghiệm lập trình để ứng dụng vào giải quyết những bài toán thực tế.

Nguyên nhân là do sinh viên chưa có nhiều điều kiện được thực hành.

“Thiếu sân chơi”, trả lời ngắn gọn để giải thích tại sao sinh viên ít quan tâm đến thuật toán, một giảng viên đại học cho biết.

Trong thực tế, tại Việt Nam hàng năm vẫn diễn ra cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên tuy nhiên sân chơi này còn hẹp với nhiều thành viên của các đội tuyển đã từng gặp nhau ở các kỳ thi tin học ở bậc phổ thông, vắng bóng nhiều sinh viên CNTT theo học chuyên ngành trong những năm cuối do họ tập trung vào những kĩ năng khác, như ngoại ngữ, ngôn ngữ lập trình, kĩ năng mềm.

Việt Nam không thể xây dựng nền công nghiệp CNTT chỉ với vài trăm lập trình viên thành thạo thuật toán, bởi riêng một đơn vị như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam cũng đã cần đến cả nghìn sinh viên như vậy, còn toàn bộ Việt Nam nhu cầu lên đến hàng chục nghìn.

Một chuyên gia phân tích rằng: nếu như 20 năm trước đây, sinh viên học lập trình chỉ cần một máy tính, 10 năm sau cần thêm kết nối Internet thì hiện nay đang cần rất nhiều yếu tố khác. Đó là server, các dịch vụ đám mây, các thiết bị cầm tay, các loại điện thoại, thiết bị đeo, Internet vạn vật. Thế nhưng trong khi đó cơ sở vật chất tại nhiều trường đại học vẫn hầu như không thay đổi.

Vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này, các trường cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ về thiết bị công nghệ, chuyển giao công nghệ mới nhất để sinh viên thực hành, đào tạo theo sát nhu cầu thị trường.

Thực tế rằng, hiện không chỉ có Việt Nam đang thiếu các lập trình viên giỏi về thuật toán. Theo Code.org, tại Mỹ, chỉ có 2% sinh viên học lập trình.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://english.vietnamnet.vn/