Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng các điểm đến BPO của Cushman & Wakefield

Ngoc Huynh

Theo báo cáo mới công bố của Cushman & Wakefield (C&W), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong số các điểm đến về BPO (dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp).

Báo cáo của Cushman & Wakefield

Báo cáo “Where in the World? Business Process Outsourcing (BPO) & Shared Service Location Index” mà Cushman & Wakefield (C&W) vừa công bố cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong số các điểm đến về BPO (ủy thác quy trình doanh nghiệp), tiếp theo sau là các nước như Philippines, Bulgaria, Romania, Peru và Malaysia. Năm ngoái, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 5.

Theo báo cáo này, với mức lương thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thiết lập được vị trí là một trong những điểm đến off-shore hấp dẫn trên toàn cầu (điểm gia công dịch vụ tại nước ngoài) với chất lượng tốt nhất so với chi phí cho các công ty nước ngoài.

Với khoảng 1.000 công ty phần mềm với trên 80.000 nhân viên, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới và là thị trường ủy thác dịch vụ phần mềm lớn thứ 2 của các đối tác Nhật Bản.

Theo Cushman & Wakefield, mặc dù Việt Nam không phải là điểm đến gia công phần mềm với giá rẻ nhất, nhưng Việt Nam vẫn còn rất cạnh tranh so với các địa điểm khác trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chi phí tại Ấn Độ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế là có tỷ lệ dân số trẻ và 1-1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động hàng năm, Việt Nam đang có một nguồn cung nhân lực khá dồi dào.

Trước đó, trên tờ TechCrunch, ông Josh Lieberman, Chủ tịch KMS Technology – hãng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có văn phòng tại Atlanta (Mỹ) và TP.HCM đã đưa ra nhận định rằng, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam được coi là điểm thay thế Trung Quốc và Ấn Độ trong lĩnh vực dịch vụ thuê ngoài, trong bối cảnh chi phí gia tăng và tỷ lệ nghỉ việc tại những nước này đều đang ở mức cao.

Theo ông Lieberman, thì Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực thuê ngoài dịch vụ dựa trên 2 yếu tố: nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ thông tin hiện đại và tỷ lệ nhảy việc thấp.

Theo các công ty phần mềm Việt Nam, thì Việt Nam đang có các cơ hội rất lớn trong thị trường thuê ngoài dịch vụ IT toàn cầu. Các công ty của Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch địa điểm ủy thác dịch vụ công nghệ thông tin sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo con số dự báo của hãng nghiên cứu Gartner, tổng mức chi cho công nghệ thông tin thế giới vào năm 2015 ước đạt 980 tỷ USD.

Theo Gartner, 67% nhân lực cho ngành công nghệ thông tin sẽ đến từ khu vực châu Á và Việt Nam là một trong 5 điểm đến mới về Outsourcing trong khu vực châu Á.

Nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã sẵn sàng để khai thác cơ hội lớn từ thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT toàn cầu và FPT là một trong số đó. FPT đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài và đang đào tạo 10,000 kỹ sư cho thị trường Nhật Bản như là một phần của chiến lược nhằm đạt được mục tiêu này.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://english.vietnamnet.vn/