Sau Mỹ, 1 ứng dụng mua sắm Trung Quốc bắt đầu ‘xâm chiếm’ châu Âu, bán mọi thứ với tiêu chí ‘rẻ nhưng không ôi’, dự là đối thủ không đội trời chung với Shopee

Tram Ho

Temu, công ty chị em của nền tảng Trung Quốc Pinduoduo, vừa chính thức mở rộng hoạt động sang Đức, Ý, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Động thái nhanh chóng chinh phục các thị trường phương Tây diễn ra chưa đầy 1 năm sau khi ứng dụng này ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022.

Nền tảng hiện đang tổ chức bán hàng khai trương tại 6 quốc gia trên. Nhiều báo cáo còn dự đoán Temu sẽ sớm tiến vào châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Cần lưu ý rằng cả 2 đối thủ nặng ký tại Đông Nam Á là Shopee và Lazada đều đang ấp ủ tham vọng tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Shopee đã rút khỏi Ba Lan vào tháng 1, trong khi Lazada chưa chính thức ra mắt tại khu vực.

Năm ngoái, giới chuyên gia nhận định Lazada có thể mở rộng sang Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan – những thị trường nơi AliExpress có sự hiện diện mạnh mẽ. Không rõ liệu liệu đợt tái cấu trúc gần đây của Alibaba có đẩy nhanh quá trình này hay không.

Temu, hoạt động dưới sự quản lý của PDD Holdings, đang tập trung vào các quốc gia phương Tây giống Shein. Sự phổ biến của cặp kim tiền này bắt đầu đặt ra những lo ngại về quy định, qua đó khiến Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (USCC) thúc giục Quốc hội thắt chặt kiểm soát đối với cả Shein và Temu.

Sau Mỹ, 1 ứng dụng mua sắm Trung Quốc bắt đầu 'xâm chiếm' châu Âu, bán mọi thứ với tiêu chí 'rẻ nhưng không ôi', dự là đối thủ không đội trời chung với Shopee - Ảnh 1.

Ứng dụng Temu đang bền bỉ theo đuổi tham vọng trở thành sàn TMĐT có mặt trên toàn cầu.

Trước đó, USCC công bố một báo cáo có tiêu đề “Shein, Temu và Thương mại điện tử Trung Quốc: Rủi ro dữ liệu, Vi phạm nguồn cung ứng và lỗ hổng thương mại”. Báo cáo nêu rõ những thách thức mà các nền tảng Trung Quốc đặt ra, trong đó có lỗ hổng thương mại và lo ngại về quy trình sản xuất.

Các nền tảng này chủ yếu dựa vào việc người tiêu dùng Mỹ tải xuống và sử dụng ứng dụng để quản lý và phân phối sản phẩm. Dẫn đầu là Shein, sau đó là Temu – công ty đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường Mỹ trong năm qua”, báo cáo nêu rõ.

Theo Data.ai, Temu đã có 10,8 triệu lượt tải về từ 11/12/2022 đến 4/3/2023, qua đó trở thành ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ, trên cả App Store và Google Play. Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) hàng tháng của nền tảng cũng tăng mạnh từ 3 triệu USD vào tháng 9/2022 lên tới 192 triệu USD vào tháng 1/2023, theo YipitData.

Temu vươn lên dẫn đầu cả 2 bảng xếp hạng cửa hàng ứng dụng tại Mỹ vào tháng 11. Vị trí này cho tới nay vẫn được giữ vững”, ông Abe Yousef nói, đồng thời cho biết Temu đặc biệt thành công trong việc thu hút người dùng mới bằng cách đưa ra mức giá cực thấp và ưu đãi chớp nhoáng, có khi giảm giá tới 89% cho một số mặt hàng”.

Nhờ Pinduoduo, Temu sở hữu một mạng lưới các nhà bán hàng quy mô toàn cầu. “Điều này có thể giúp Temu bán nhiều mặt hàng chất lượng với giá tốt quanh năm”, đại diện Temu chia sẻ với Tech in Asia.

Sau Mỹ, 1 ứng dụng mua sắm Trung Quốc bắt đầu 'xâm chiếm' châu Âu, bán mọi thứ với tiêu chí 'rẻ nhưng không ôi', dự là đối thủ không đội trời chung với Shopee - Ảnh 2.

Temu, công ty chị em của nền tảng Trung Quốc Pinduoduo, vừa chính thức mở rộng hoạt động sang Đức, Ý, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Ngay cả khi Temu chỉ là một ý tưởng của ban lãnh đạo Pinduoduo trong một cuộc họp vào tháng 1 năm ngoái, nó vẫn tăng trưởng rất nhanh vì Pinduoduo biết nhà máy và chủ buôn nào có thể giao hàng với giá ưu đãi”, Ed Sander, một nhà phân tích công nghệ số, nhận định.

Trong một báo cáo phân tích Temu gần đây, Momentum Works nhấn mạnh Pinduoduo đã làm chủ được mô hình C2M (consumer-to-manufacturer), tức mô hình sản xuất hướng tới người tiêu dùng và loạt bỏ phí trung gian, “mang số lượng lớn đơn hàng trực tiếp đến các nhà sản xuất”.

Cách tiếp cận này khiến Pinduoduo hái “trái ngọt”. Sau nhiều năm xếp sau Alibaba, nền tảng ghi nhận 788 triệu người dùng hoạt động hàng năm vào năm 2021, tức vượt qua cả đối thủ nặng ký.

Của rẻ thường là của ôi, song Temu rõ ràng không muốn đi theo vết xe đổ của Wish – công ty Mỹ từng được mệnh danh là “cửa hàng USD trên Internet”. Theo một báo cáo của New York Times, Wish chọn cách tăng trưởng bằng mọi giá, bất chấp cả chất lượng. Điều này khiến số lượng người dùng và giá cổ phiếu của nó nhanh chóng lao dốc, hiện chỉ đang được giao dịch ở mức 0,5 USD/cổ.

Điều này khác hẳn với Temu – nền tảng có “quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm chặt chẽ”. Nó có quyền kết thúc bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với những người bán không tuân thủ theo quy định.

Trước đó hồi tháng 2, Temu chính thức mở rộng sang Canada và chuẩn bị tiếp cận Úc và New Zealand. Theo Allison Malmsten, Giám đốc nghiên cứu tại Daxue Consulting, không loại trừ khả năng Temu sẽ đến Đông Nam Á song mức độ cạnh tranh không cao do thị trường này đã có sẵn nhiều sản phẩm giá thấp.

Trong buổi báo cáo hoạt động kinh doanh hồi tháng 11/2022, ông Chen Lei, CEO và chủ tịch Pinduoduo, nhắc đến Temu như “một sàn TMĐT quốc tế”. Ông nhận thức được quá trình mở rộng ra toàn cầu “sẽ đầy thách thức” song công ty sẽ kiên trì đến cùng với tham vọng này.

Theo: Tech in Asia, CNN

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk