Nhà sản xuất chip Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có thể thắng đậm trong cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu

Tram Ho

Cuộc khủng hoảng chip bắt đầu khi nhu cầu từ các nhà sản xuất đồ điện tử tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh các quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Ngay lập tức, nó gây ra phản ứng dây truyền và dẫn tới tình trạng thiếu hụt trong các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như ô tô.

Chip được sản xuất bởi các công ty đặc biệt. Hai tên tuổi hàng đầu là TSMC của đảo Đài Loan và gã khổng lồ công nghệ Samsung của Hàn Quốc. Thực tế, những yêu cầu kỹ thuật cao khiến rất ít công ty có thể tạo ra những con chip tối tân. Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực đều đòi hỏi những con chip tiên tiến nhất.

Ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ. Trên thực tế, các nhà sản xuất ô tô chỉ cần những con chip được sản xuất bằng công nghệ cũ hơn thay vì những công nghệ tiên phong. Đây chính xác là nơi mà những công ty như SMIC của Trung Quốc có thể tiến vào trong bối cảnh họ gặp khó trong việc theo đuổi công nghệ chip tối tân do các lệnh trừng phạt của Mỹ do Chính quyền của ông Donald Trump đưa ra.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có thể thắng đậm trong cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu - Ảnh 1.

SMIC là gì?

Đây là công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Họ tạo ra những con chip do các công ty khác thiết kế. Thực tế, những công nghệ của SMIC kém xa các đối thủ dẫn đầu như TSMC hay Samsung. Tuy nhiên, đây vẫn là một phần trong tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước của Trung Quốc cũng như mang đến cơ hội tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tháng 12/2020, Chính phủ Mỹ đã thêm SMIC vào danh sách đen xuất khẩu. Điều này khiến SMIC không thể tiếp cận các công nghệ của Mỹ hay có yếu tố Mỹ, một động thái sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng sản xuất các loại chip tối tân của doanh nghiệp Trung Quốc.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có thể thắng đậm trong cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu - Ảnh 2.

Quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng chất bán dẫn rất phức tạp. Trong khi TSMC, Samsung và SMIC sản xuất chip, họ vẫn phải dựa vào phần mềm và máy móc của các công ty Mỹ và châu Âu để làm điều này. Nếu SMIC không thể tiếp cận các công cụ đó, việc bắt kịp các đối thủ trong ngành công nghiệp này sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Lợi thế từ công nghệ cũ

Ở thời điểm hiện tại, SMIC vẫn có thể sản xuất chất bán dẫn dựa vào những công nghệ cũ hơn. Điều này bỗng chốc trở nên lý tưởng bởi tình trạng khan hiếm chip toàn cầu. Những sản phẩm gia dụng hay xe hơi… không cần đến những con chip tiên tiến nhất để xử lý các tác vụ đơn giản.

“Ô tô không đòi hỏi những con chip tối tân nhất. Rất nhiều trong số đó sử dụng những con chip đời cũ đã có thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động”, Sze Ho Ng, nhà phân tích tại China Renaissance, cho biết. Chẳng hạn như những con chip được sử dụng để quản lý năng lượng nhằm điều chỉnh việc sử dụng pin của một thiết bị rõ ràng không cần phải quá tối tân.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có thể thắng đậm trong cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu - Ảnh 3.

Những quy trình tiên tiến nhất có tên gọi 5 nanomet. Thiếu công nghệ khiến SMIC không thể sản xuất loại chip này. Thay vào đó, họ chỉ có thể sản xuất loại 28 nanomet trở nên. Dù là công nghệ đã cũ nhưng những con chip này vẫn đủ tốt cho nhiều ngành không phải điện tử tiêu dùng.

Sze Ho Ng nói rằng SMIC cũng đã tăng giá bán cho các khác hàng để tối đa hóa lợi nhuận. Tháng trước, công ty này cho biết mục tiêu doanh thu của họ trong năm 2021 là khoảng từ 5-9%. Tuy nhiên, Ng nghĩ rằng con số thực tế có thể cao hơn.

Tại Hồng Kông, các nhà phân tích đã khuyến nghị mua cổ phiếu SMIC với mức giá 43 đô la Hồng Kông. Nếu dự báo này chính xác, nó sẽ tăng 60% so với mức đóng cửa ngày 1/3 là 26,75 đô la Hồng Kông.

Việc vẫn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đang phải đương đầu với các lệnh trừng phạt của Mỹ cho phép SMIC có thêm thời gian để đối phó. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh tay cho ngành công nghiệp bán dẫn với hy vọng có thể làm chủ được lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ khó đạt được mục tiêu này trong thời gian ngắn.

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang loay hoay trong tình trạng thiếu chip, khiến khoảng 670.000 phương tiện bị giảm trong quý đầu tiên của năm 2021. Từ những nhà sản xuất xe hơi cao cấp như Porsche, Mercedes hay các nhà sản xuất phương tiện phổ thông như Volkswagen, General Motors, Nissan và Honda vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán này.

Một vấn đề khiến tình trạng thiếu chip trở nên trầm trọng hơn và việc doanh số ô tô tăng vọt so với dự tính của các nhà sản xuất, bất chấp dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng của ngành ô tô cũng không đề cao việc lưu trữ hàng tồn kho, điều khiến họ mắc kẹt khi nguồn cung chip toàn cầu bị gián đoạn.

Không chỉ nỗ lực thúc đẩy các nhà sản xuất chip gia tăng sản lượng, các nhà sản xuất ô tô cũng đang nghiêm túc cân nhắc lại chuỗi cung ứng của mình nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra trong tương lai.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk