Lĩnh vực gia công CNTT đang phát triển mạnh mẽ

Ngoc Huynh

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT Việt Nam, chi phí dịch vụ thấp và lực lượng lao động có tay nghề, và có sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho dịch vụ thuê ngoài là những yếu tố đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn về các dịch vụ gia công CNTT tại nước ngoài.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long – CEO của công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết lĩnh vực gia công phần mềm đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển gia công CNTT Việt Nam 2015 (VNITO 2015) , ông Long cho biết thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt được xếp ở vị trí thứ 18 và 20 trong số 100 thành phố hấp dẫn hàng đầu về Gia công CNTT theo báo cáo trong năm 2015 của hãng Tholons – một công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Công Ái – Phó chủ tịch của KPMG Việt Nam cho biết KPMG và QTSC đã thực hiện một cuộc khảo sát khoảng 80 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động ở Việt Nam và thấy rằng có 98% công ty đã đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp gia công CNTT (ITO) và các công ty sẽ đầu tư mở rộng kinh doanh ở nước ta.

Chi phí lao động tăng ở các trung tâm gia công CNTT lớn trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ đã mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam hơn. Hơn thế nữa, Việt Nam có nguồn lao động được đào tạo dồi dào với hơn 40,000 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm từ 290 trường đại học trên khắp cả nước, ngoài ra còn có 160,000 sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài.

Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư ký của Hiệp hội tin học thành phố Hồ Chí Minh (HCA) cho rằng sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam thông qua các hiệp định ngoại thương bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của nước ta và chất lượng nguồn lao động cũng như nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh dành cho các công ty chuyên về outsourcing.

Tuy nhiên, các đại biểu tham gia hội nghị VNITO 2015 cho rằng mặc dù lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, nhưng kỹ năng ngoại ngữ vẫn còn là một rào cản lớn. Do vậy thật khó để tuyển dụng trên quy mô lớn ở nước ta.

Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu đó là các vấn đề về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Ái đề xuất các doanh nghiệp nên hợp tác nhiều hơn nữa với các trường đại học và cao đẳng, và khuyến khích các trường nên có các chương trình giảng dạy đào tạo dựa trên thực tế hơn nữa để có thể đáp ứng các yêu cầu của các công ty.

Để phát triển lĩnh vực gia công CNTT trong nước, thì Chính phủ và các doanh nghiệp CNTT nên phối hợp cùng với nhau để nâng cao tầm ảnh hưởng của nước ta ở lĩnh vực này chẳng hạn như các chính sách về thuế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chiến lược tiếp thị.

Đại diện của các công ty CNTT tham gia hội nghị này đề nghị nên cải tiến về tính ổn định, tốc độ và băng thông của điện, điện thoại và mạng internet ở nước ta.

Bà Yuko Adachi – Phó chủ tịch của hãng Gartner ở khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết các doanh nghiệp CNTT trong nước cũng nên phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp, các cơ quan nhà nước để bày tỏ mối lo lắng về bảo mật dữ liệu.

Môi trường gia công CNTT đang có sự thay đổi đáng kể do các áp lực tăng chi phí và sự phát triển không ổn định của nền kinh tế toàn cầu, cũng như sự trỗi dậy của các công nghệ số chẳng hạn như công nghệ tự động hóa và các dịch vụ cung cấp các hệ máy thông minh.

Các công ty gia công CNTT phải chuẩn bị cho sự cạnh tranh mới từ các dịch vụ cung cấp các hệ thống thông minh.

Ông Ái cũng đồng ý với bà Adachi, và cho rằng các công ty Việt Nam cần tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực hệ thống thông minh và không phụ thuộc vào chi phí lao động thấp vì như vậy sẽ tạo ra sự kém hiệu quả trong quá trình hoạt động lâu dài.

Ông Tuấn cũng cho rằng các công ty cần phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và quyền sở hữu trí tuệ cũng như tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và tận dụng các cơ hội mà hiệu định TPP mang lại.

 

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://bizhub.vn/