Jonathan Ive: “Bàn tay vàng” cùng Steve Jobs đưa Apple hồi sinh

Tram Ho

Jony Ive, hay đúng hơn chúng ta nên gọi nhà thiết kế người Anh này bằng đúng danh vị, Ngài Jonathan Ive KBE, sinh ngày 27/02/1967 tại London, Anh. Những ngày tháng làm việc dưới mái nhà Apple đã giúp ông tạo ra một đế chế với những thiết bị không chỉ sở hữu sức mạnh và tốc độ phần cứng, mà còn cả vẻ đẹp mỹ thuật công nghiệp hiếm thấy ở làng công nghệ nữa.

Vài tiếng trước, có thông tin Jony Ive rời khỏi vị trí của mình tại Apple để mở LoveForm, một công ty thiết kế độc lập. Thay thế cho vị trí của Ive sẽ là Evans Hankey và Alan Dye. Khách hàng đầu tiên của LoveForm chính là Apple, khi các nhà thiết kế của LoveForm sẽ làm việc trực tiếp với giám đốc vận hành của Apple, Jeff Williams.

Có lẽ sẽ là không thừa, nếu như chúng ta nhìn lại chặng đường của Jony Ive. Không thiếu những nội dung nói về Jony Ive trên internet, từ những bài phỏng vấn, những bài viết theo lối tự sự, hay thậm chí trích cả cuốn sách “Thiên tài phía sau những sản phẩm Apple” xuất bản năm 2013. Những có lẽ, đáng đọc nhất vẫn là bài viết của tạp chí Smithsonian đăng tháng 12/2017.

Khi Jony Ive vẫn còn là một cậu bé, cha cậu, một giáo sư đại học ngành thiết kế và công nghệ, kiêm luôn thợ kim hoàn đã tặng cho cậu một món quà kỳ dị, một thỏa thuận. Ive nhớ lại: “Thỏa thuận đó nói rằng, nếu tôi bỏ thời gian quyết định làm một thứ và phát triển chúng bằng những hình vẽ, cha sẽ đồng ý đưa tôi đến phòng thực hành của trường đại học và tạo ra nó.” Trong nhiều năm, hai cha con tạo ra những món đồ nội thất, một chiếc xe go-cart và những chi tiết cho nhà trên cây, luyện tập cách làm việc với gỗ và kim loại. “Kể từ ngày đầu, tôi nhớ rằng mình yêu việc vẽ vời và làm ra những món đồ.”

Kể từ đó, Jony Ive tiếp tục công việc của mình, tạo ra những món đồ công nghệ được yêu thích nhất trên thế giới.

Cựu giám đốc mảng thiết kế của Apple có lẽ chính là người thân cận nhất với cố CEO Steve Jobs. Nhiều năm sau sự ra đi của vị giám đốc nổi tiếng, Ive đã trở thành một trong hai người quan trọng nhất của công ty được coi là có giá trị lớn nhất thế giới, người còn lại chính là CEO Tim Cook. Trong số những tập đoàn công nghệ đặt nền móng thay đổi thế kỷ XXI, bên cạnh Google, Facebook và Amazon, chỉ có Apple phụ thuộc vào việc bán thiết bị mà họ tự thiết kế và sản xuất. Và dấu ấn của Ive ở khắp mọi địa điểm, mọi sản phẩm có logo Táo Khuyết, từ những cửa hàng Apple Store với phong cách tối giản đầy ánh sáng, đến iPhone, iPad hay Apple Watch, và cả chiếc loa HomePod nữa.

Có một điều chắc chắn, bộ não của một người nghệ sĩ chưa bao giờ thay đổi đối với Jony Ive. Ông luôn cố gắng tạo ra những thứ không chỉ đẹp mà còn hoạt động tuyệt vời nữa. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học ngành mỹ thuật công nghiệp ở trường đại học Newcastle Polytechnic. Với Ive, những bản vẽ không chỉ là cách một con người thể hiện bản thân, mà còn là cách đối thoại giữa cảm hứng và những khả năng nữa. “Dần dà, những đường nét trên bản vẽ của tôi trở nên thưa thớt. Đôi khi nó chỉ là một phần của một món đồ. Rồi ý tưởng dần chạy qua chạy lại trong tư duy, đem tới một bản vẽ mới để tạo ra ý tưởng. Lâu nay tôi vẫn làm việc như vậy.”

The Ring, tòa nhà đại bản doanh của Apple tại Cupertino, California cũng chính là một tác phẩm của Ive. Một vòng tròn kính khổng lồ bao quanh những rặng cây ở cả bên trong lẫn ngoài trụ sở chính. Ive đã phải bỏ ra 5 năm làm việc với kiến trúc sư người Anh Norman Foster để hình thành gần như mọi chi tiết, từ 900 tấm kính cong làm bức tường bao, đến những nút trong thang máy giống như nút home trên chiếc iPhone cũ và được làm từ nhôm phay xước như chính lớp vỏ chiếc MacBook vậy.

Bên trong tòa nhà một buổi chiều mùa thu vàng ánh nắng, không gian tòa nhà được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, nhất là khu căng tin 4 tầng cho 700 người. Kính được sử dụng đến mức tối đa để xóa nhòa khác biệt giữa bên trong và bên ngoài tòa nhà. Nhưng có lẽ, khu vực có góc nhìn đẹp nhất chính là của bộ phận thiết kế. Studio rất rộng, và Ive tỏ ra phấn khích vì khu vực này, vì tiềm năng của nó không khác gì hồi nhỏ được làm và vẽ những thứ trong phòng thực hành ở trường đại học của cha ông vậy.

Lần đầu tiên, Ive có đủ không gian cho hàng trăm nhà thiết kế của Apple, và ý tưởng rất đơn giản, đó là khiến tất cả những nhà thiết kế phải làm việc trực tiếp với nhau. Từ thiết kế phần cứng, mỹ thuật công nghiệp, các chuyên gia về đồ họa và font, cho tới giao diện máy tính phải chạm mặt nhau để tạo ra cảm hứng và nghĩ ra những hướng đi mới. Vài chiếc máy CNC được đặt ở đó để tạo ra phiên bản thử nghiệm. “Tôi nghĩ bạn sẽ chỉ hiểu về một chất liệu và tiềm năng của nó nếu bạn tự mình làm việc với nó. Và khoảnh khắc quan trọng nhất chính là lúc bạn tạo ra nguyên mẫu đầu tiên. Chúng tôi có thể thích hoặc không thích nó, nhưng đó là khoảnh khắc khiến bạn thay đổi.”

Một trong những chân lý trong ngành thiết kế, đó là phải tốn rất nhiều công sức để tạo ra một món đồ dễ sử dụng, và gần như chưa có công ty nào quyết tâm thực hiện chân lý đó như Apple. Tư duy này đã có từ thời Steve Jobs, người cố gắng giúp những kỹ sư và nhà thiết kế của mình hiểu rằng người dùng không chỉ cần thiết bị, mà còn cả trải nghiệm, thông tin, dịch vụ, ứng dụng, và những khả năng khác của thiết bị đó nữa. Anh em có thể lái chủ đề bằng cách coi smartphone là thứ tiêu tốn thời gian và gây nghiện, nhưng không thể lờ đi một sự thật rằng chính Apple, Steve Jobs và chiếc iPhone đã tạo ra thế giới của chúng ta ngày hôm nay.

Và rồi chiếc iPhone X ra đời, với những chất lượng đúng như Apple mong muốn. Từ phần cứng, cho đến mặt kính ở trước vào sau lưng máy, tạo ra đường cong ôm hoàn hảo phần khung thép của chiếc điện thoại. Apple không phải lúc nào cũng là công ty ứng dụng một công nghệ mới đầu tiên trước mọi đối thủ, nhưng họ luôn biết cách hoàn thiện công nghệ đó để có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. “Đó chính là thứ tạo cảm hứng cho chúng tôi nhiều năm qua”.

Không phải sản phẩm nào của Apple cũng được đón nhận nhiệt liệt. Cái thời Apple Watch phiên bản đầu tiên ra mắt, đó chính là sản phẩm đầu tiên Ive tự mình thiết kế mà không có sự trợ giúp của Steve Jobs. Và nó trở thành chủ đề của những cuộc tranh luận không hồi kết. Wall Street Journal nói “smartwatch cuối cùng cũng trở nên hợp lý”, nhưng Gizmodo thì lại cho rằng “có lẽ không nên mua”. Khi ấy giao diện của Apple Watch thực sự rối rắm. Nhưng rồi Series 3 và 4 ra mắt, hoàn thiện trải nghiệm của người sử dụng.

Apple và Ive đều đã biết cách thích nghi. Họ nhận ra rằng họ quên mất chiếc smartwatch là công cụ theo dõi sức khỏe và vận động tuyệt vời. Họ mời Nike làm đối tác, và giờ này Apple Watch trở thành chiếc đồng hồ có doanh số cao nhất trên thế giới. Ive cho rằng: “Chúng tôi không phải cứ làm cái gì là hoàn hảo cái ấy. Là những nhà thiết kế, bạn luôn luôn phải học, học rất nhiều.”

Trong suốt gần 30 năm năm làm việc ở Apple, Jony Ive đã góp công tạo ra những sản phẩm tuyệt vời về mặt thiết kế, thẩm mỹ và tính năng. Từ chiếc iMac năm 1998 với lớp vỏ trong suốt đầy màu sắc, thứ giúp Apple có lợi nhuận kể từ năm 1995 với 2 triệu máy bán ra chỉ trong năm ấy, cho tới những chiếc PowerBook và sau đó là MacBook. Rồi đến iPod vào năm 2011 và iPhone năm 2007. Đến nay Ive đã giành được không ít giải thưởng về thiết kế, nhân tiện được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sỹ vào năm 2012.

Theo Smithsonian
Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : tinhte.vn