Công ty Trung Quốc tuyên bố sở hữu chatbot vượt trội hơn ChatGPT ở một số mặt

Tram Ho

Công ty Trung Quốc tuyên bố sở hữu chatbot vượt trội hơn ChatGPT ở một số mặt - Ảnh 1.

Logo công ty công nghệ Baidu hiện trên màn hình quảng cáo. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố ngày 27/6, Baidu cho biết Ernie 3.5, phiên bản mới nhất của mô hình Ernie trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), đã vượt qua ChatGPT về điểm năng lực toàn diện và vượt phần mềm GPT-4 về một số khả năng liên quan đến ngôn ngữ Trung Quốc.

Baidu dẫn một thử nghiệm được báo China Science Daily thực hiện bằng cách sử dụng các bộ dữ liệu bao gồm AGIEval và C-Eval, hai tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá hiệu suất của các mô hình AI.

Thông báo của Baidu được đưa ra trong bối cảnh sự nổi tiếng toàn cầu về AI do ChatGPT khởi xướng đã lan sang Trung Quốc, khiến một loạt công ty tại nước này công bố các sản phẩm cạnh tranh.

Hồi tháng 3, Baidu là công ty công nghệ lớn đầu tiên của Trung Quốc ra mắt sản phẩm chatbot AI để cạnh tranh với ChatGPT. Ernie Bot, được xây dựng trên mô hình Ernie 3.0 AI của Baidu, đã được thử nghiệm trong ba tháng qua.

Bên cạnh Baidu, các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Alibaba và Tencent, đều tiết lộ các mô hình AI tương ứng của họ.

Baidu cho biết công cụ AI mới đạt được hiệu quả suy luận và đào tạo tốt hơn, giúp xử lý các bước lặp lại nhanh hơn và tón ít chi phí hơn trong tương lai. Baidu cũng cho biết mô hình mới sẽ hỗ trợ các “plugin” bên ngoài.

Plugin là các ứng dụng bổ sung cho phép AI của Baidu hoạt động trong các tình huống cụ thể như tóm tắt văn bản dài và tạo ra các câu trả lời chính xác hơn.

Cũng trong tháng 3, ChatGPT đã triển khai hỗ trợ plugin.

Phần mềm hỏi đáp chatbot AI trở thành tiêu điểm của thế giới khi ChatGPT do OpenAI (Mỹ) phát triển ra mắt vào tháng 11/2022. Kể từ đó đến nay, công cụ này đã thu hút được 100 triệu người dùng, lập kỷ lục là ứng dụng phát triển nhanh nhất. Công cụ trang bị AI đủ thông minh để vượt qua các kỳ thi vào trường luật và trường y.

Trong một bài viết bình luận vào tháng 2, chuyên gia an ninh mạng M.H. Homaei lưu ý phần mềm AI này đặt ra “một số rủi ro bảo mật mà các tổ chức phải nhận thức rõ được để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và danh tiếng”. Hiệu quả của chatbot phụ thuộc vào việc khách hàng cung cấp cho nó dữ liệu có giá trị và điều này có thể khiến nó dễ bị rò rỉ thông tin. Ngày 26/3, OpenAI đã tiết lộ một số thông tin cá nhân và thanh toán của người dùng đã bị rò rỉ trong thời gian ngắn do lỗi hệ thống.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk