API Testing – ý nghĩa các HTTP Status Code thường gặp

Tram Ho

200 OK: Đây là mã trạng thái thành công nhất và cũng là mã trạng thái được sử dụng phổ biến nhất. 400 – Bad Request: Nếu máy chủ trả về mã trạng thái này, điều đó có nghĩa là yêu cầu của bạn không đúng định dạng và không thể được xử lý bởi máy chủ.

Lời đầu tiên mình xin chào mọi người, chúc mọi người có một ngày học tập và làm việc vui vẻ. Bài viết này mình sẽ giới thiệu về ý nghĩa các HTTP Status Code trong API Testing.

1. HTTP Status Code

HTTP Status Code là mã trạng thái HTTP. HTTP Status code sẽ được máy chủ (server) trả về sau khi nhận và phiên dịch 1 yêu cầu HTTP từ phía máy khách (client). Theo đó HTTP status code là một mã có 3 chữ số. Chữ số đầu tiên từ 1 đến 5 (tương ứng với 5 hạng mục để xác định loại phản hồi), 2 số còn giải thích rõ chi tiết cho phản hồi.

Để test API, chúng ta không nhất thiết phải biết hết tất cả các HTTP Status code. Chúng ta chỉ cần nắm được phản hồi đó nằm ở hạng mục nào, và một vài HTTP status code cụ thể thường gặp.

Các mã HTTP Status Code được phân loại thành 5 loại:

  • 1xx (100 – 199): Information responses / Phản hồi thông tin – Yêu cầu đã được chấp nhận và quá trình xử lý yêu cầu đang được tiếp tục.
  • 2xx (200 – 299): Successful responses / Phản hồi thành công – Yêu cầu đã được máy chủ tiếp nhận, hiểu và xử lý thành công.
  • 3xx (300 – 399): Redirects / Điều hướng – Phía client cần thực hiện hành động bổ sung để hoàn tất yêu cầu.
  • 4xx (400 – 499): Client errors / Lỗi phía client – Yêu cầu không thể hoàn tất hoặc yêu cầu chứa cú pháp không chính xác.Đây là lỗi từ phía client do yêu cầu không hợp lệ.
  • 5xx (500 – 599): Server errors / Lỗi phía máy chủ – Máy chủ không thể hoàn thành yêu cầu được cho là hợp lệ. Khi 5xx xảy ra, bạn chỉ có thể đợi để bên hệ thống máy chủ xử lý xong.

2. Ý nghĩa các HTTP Status Code thường gặp

  • 200 – OK: Đây là mã trạng thái yêu cầu thành công và cũng là mã trạng thái được sử dụng phổ biến nhất. Nếu trang web của bạn trả về mã trạng thái này, có nghĩa là yêu cầu trang web của người dùng đã được xử lý thành công.
  • 400 – Bad Request: Nếu máy chủ trả về mã trạng thái này, điều đó có nghĩa là yêu cầu của bạn không đúng định dạng và không thể được xử lý bởi máy chủ. Nếu bạn gặp mã trạng thái này, hãy kiểm tra lại yêu cầu của bạn để có thể sửa chữa lỗi và thử lại.
  • 401 – Unauthorized: Mã trạng thái này sẽ được trả về nếu yêu cầu của bạn không được xác thực. Để truy cập vào một số tài nguyên trên trang web, bạn cần cung cấp thông tin đăng nhập và được xác thực trước.
  • 403 – Forbidden: Mã trạng thái này được sử dụng khi máy chủ từ chối yêu cầu của bạn vì lý do bảo mật. Điều này có thể đến từ việc cấu hình máy chủ hoặc từ các cài đặt bảo mật khác.
  • 404 – Not Found: Mã trạng thái này được trả về khi máy chủ không thể tìm thấy yêu cầu của bạn. Nếu bạn gặp mã trạng thái này, điều đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra lại đường dẫn yêu cầu của bạn.
  • 500 – Server error: Thông báo lỗi chung về các vấn đề ở phía server, như môi trường không hoạt động (thiếu thư viện, không thể kết nối cơ sở dữ liệu)
  • 503 – Service Unavailable: Mã trạng thái HTTP được sử dụng để chỉ ra rằng máy chủ không thể xử lý yêu cầu của bạn tại thời điểm đó vì nó đang tạm ngưng hoạt động hoặc bảo trì. Đây thường là một thông báo tạm thời, nhưng đôi khi nó cũng có thể chỉ ra rằng máy chủ không thể xử lý yêu cầu vì quá tải hoặc lỗi phần mềm.

3. Các ví dụ minh hoạ HTTP Status Code

  • 200 OK: yêu cầu đã thành công và phản hồi chứa thông tin cần thiết. Ví dụ: trang web hoạt động đúng, dữ liệu trả về chính xác.
  • 201 Created: yêu cầu đã tạo mới thành công tài nguyên yêu cầu. Ví dụ: tạo một bài viết mới trên blog.
  • 400 Bad Request: yêu cầu không hợp lệ hoặc thiếu thông tin cần thiết. Ví dụ: giá trị tham số không hợp lệ, yêu cầu thiếu tham số bắt buộc.
  • 401 Unauthorized: yêu cầu yêu cầu cần xác thực người dùng trước khi xử lý. Ví dụ: khi người dùng nhập sai mật khẩu hoặc chưa đăng nhập.
  • 403 Forbidden: yêu cầu bị từ chối do người dùng không có quyền truy cập vào nội dung yêu cầu. Ví dụ: khi người dùng cố gắng truy cập vào tài khoản người dùng khác.
  • 404 Not Found: tài nguyên được yêu cầu không tồn tại trên máy chủ. Ví dụ: khi người dùng truy cập vào một trang web không tồn tại.
  • 500 Internal Server Error: lỗi xảy ra trên máy chủ khi xử lý yêu cầu. Ví dụ: lỗi kết nối cơ sở dữ liệu, lỗi xử lý lỗi, hay lỗi không xác định được.

4. Tổng kết

Bài viết này mình đã tổng hợp một vài các HTTP Status Code. Hy vọng nó là kiến thức hữu ích với bạn. Các bạn có thể tham khảo các HTTP Status Code khác tại đường link này: https://developer.mozilla.org/en-US/docs/Web/HTTP/Status

Lời cuối mình cảm ơn mọi người đã đọc bài viết !

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Viblo