9 quy tắc lãnh đạo mới trong ngành Công nghệ thông tin

Linh Le

Nhờ vào các giải pháp và chiến lược công nghệ liên tục thay đổi nhanh chóng, các quy tắc cũ trong ngành CNTT không còn phù hợp. Dưới đây sẽ là những quy tắc mới thay thế.

The 9 new rules of IT leadership

Trong 10 năm qua, trên thế giới, có vài lĩnh vực đã thay đổi đáng kể hơn rất nhiều so với công nghệ. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo công nghệ vẫn đang áp dụng các quy tắc cũ kỹ và lỗi thời.

Đã qua rồi cái thời bộ phận CNTT đưa ra mệnh lệnh và mọi người trong doanh nghiệp buộc phải tuân theo. Nhưng cũng xa rồi thời đại mà chính bộ phận CNTT hoàn toàn là bên nhận lệnh, chỉ đơn thuần cố gắng thực hiện các yêu cầu của các nhà quản trị doanh nghiệp.

Tốc độ thay đổi ngày càng tăng có nghĩa là các doanh nghiệp không còn phải mất nhiều tháng (hoặc nhiều năm) để triển khai các dự án CNTT lớn, đắt tiền; cung ứng liên tục và lặp đi lặp lại không ngừng là quy tắc mới trong ngành này. Các tổ chức cũng không thể lựa chọn giữa đổi mới hay bảo mật — họ cần cả hai. Điều đó gây thêm áp lực cho các Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) để đưa ra các sáng kiến mới theo phương thức an toàn và tuân thủ.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo CNTT đang giúp người dùng doanh nghiệp có những lựa chọn tốt nhất từ rất nhiều các công cụ và dịch vụ ngày càng phát triển, đồng thời hướng dẫn tổ chức vượt qua quá trình chuyển đổi công nghệ. Khi các doanh nghiệp trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào dữ liệu để đưa ra quyết định thì các nhà lãnh đạo công nghệ có thêm nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn bao giờ hết.

Các quy tắc cũ trong ngành CNTT không còn phù hợp. Sau đây sẽ là những quy tắc mới thay thế.

Quy tắc cũ: CNTT tạo ra quy tắc (và cố gắng thực thi chúng)
Quy tắc mới: Người dùng tạo ra quy tắc (và CNTT cố gắng tránh để người dùng không gặp rắc rối)

Thiết lập các chính sách, thực thi các tiêu chuẩn, lập danh sách trắng các ứng dụng và đảm bảo mọi thứ có đèn LED nhấp nháy đều được khóa chặt.

Bạn nhớ đến những ngày xưa tươi đẹp?

Ngày nay người dùng tạo ra quy tắc. Công việc của bạn là nhẹ nhàng hướng dẫn họ đi đúng hướng, đảm bảo họ không lấy nĩa chọc vào hốc đèn hoặc trét kẹo cao su lên tóc.

“CIO đã chuyển đổi vai trò từ người thực hiện sang người quản lý”, ông Jonathan Stone, Giám đốc Công nghệ (CTO)/Giám đốc Điều hành (COO) tại Kelser, chuyên gia tư vấn công nghệ cho biết.

Năm năm trước, các nhà lãnh đạo công nghệ quyết định doanh nghiệp sẽ hỗ trợ những ứng dụng nào và ai có quyền truy cập vào các ứng dụng đó. Bây giờ họ liên tục đánh giá việc các công nghệ mới có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp như thế nào và hướng dẫn người dùng hướng tới các giải pháp tốt nhất.

“Cả đội ngũ vấn phải thống nhất với nhau và CIO vẫn là người đưa quyết định. Tuy nhiên, bạn sẽ không còn thấy họ đưa ra những quyết định chung chung như, ‘Chúng tôi không làm bất cứ điều gì dựa trên đám mây.”‘

Quy tắc cũ: Duy trì hoạt động thông thường
Quy tắc mới: Duy trì lưu lượng dữ liệu

Mark Sellow, CIO của công ty cung cấp dịch vụ định danh cho doanh nghiệp Okta cho biết trước đây các công việc hàng ngày của CNTT như quản lý quyền truy cập, quản lý chất lượng dữ liệu và tạo báo cáo giờ đây được xử lý bởi các nhóm nghiệp vụ mà không có sự giám sát của bộ phận CNTT. Trọng tâm ngày nay là dữ liệu.

“Trách nhiệm chính của CNTT ngày càng tập trung vào việc tích hợp dữ liệu trên nhiều ứng dụng, quản lý dữ liệu chủ ở cấp doanh nghiệp và thực thi các biện pháp bảo vệ an ninh mạng. CNTT làm cho các doanh nghiệp cạnh tranh hơn bằng cách tự động hóa các quy trình, dân chủ hóa dữ liệu và giảm căng thẳng giữa nhiều người dùng.”

Tất nhiên là mọi người đều có dữ liệu; chính cách bạn sử dụng dữ liệu đó có thể tạo ra hoặc phá đổ một công ty. Và các CIO có nhiệm vụ tìm hiểu dữ liệu và tìm cách tận dụng lợi thế của các dữ liệu đó, theo ý kiến của ông Ari Lightman, giáo sư chuyên về truyền thông và marketing kỹ thuật số cho Viện Đại học Heinz thuộc Đại học Carnegie Mellon.

“Dữ liệu bạn sử dụng để tạo ra dịch vụ mới hay dịch vụ sản phẩm đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nhiều người trong một tổ chức. CIO phải có hiểu biết chặt chẽ về việc tổ chức thu thập dữ liệu nào, họ lưu trữ dữ liệu bằng cách nào và họ cung cấp dữ liệu đó cho các nhóm khác nhau như thế nào. Điều tạo nên thú vị là cách bạn truyền đạt các hành động mà tổ chức cần thực hiện dựa trên những gì mà dữ liệu đang nói với bạn.”

Quy tắc cũ: Không tiết lộ cho đến khi sẵn sàng
Quy tắc mới: Lặp đi lặp lại cho đến khi bạn hiểu đúng

Trong quá khứ, các dự án công nghệ thường được biết đến là kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi được đưa vào sản xuất. Thế giới mới linh hoạt là cung ứng và lặp lại liên tục.

Heather A. Smith, nhân viên nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội Quản lý Thông tin và đồng tác giả của cuốn sách Định hướng Đổi mới CNTT: Lộ trình cho các CIO Tái tạo Tương lai, cho biết: “CNTT đã từng là “Ồ, nó phải được thực hiện một cách hoàn hảo”. Bây giờ họ nói rằng ‘Chúng tôi sẽ hợp tác với bạn cho đến khi chúng tôi làm đúng.’ Tôi không thể nhớ tôi đã nghe những người kinh doanh nói bao nhiêu lần rằng ‘CNTT đưa hệ thống này vào hoạt động và rồi không đoái hoài đến, và chỉ đạt được khoảng 50% những gì chúng tôi cần.’ Bây giờ CNTT phải đạt được mức mà họ sẽ phải khai thác để cung cấp giá trị này.”

Khi các CIO hợp tác với các CEO để thúc đẩy văn hóa đổi mới và chuyển đổi, CNTT phải thay đổi cách thức hoạt động, theo lưu ý của David Rosen, chuyên gia công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số cho Tibco Software.

“Các CIO phải thúc đẩy nền văn hóa nơi thay thế sự chú trọng vào sự hoàn hảo bằng cách nhấn mạnh hơn vào tốc độ và tính sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại nhanh chóng”, ông nói.

Quy tắc cũ: Bảo vệ vành đai ngoài
Quy tắc mới: Không tin tưởng ai

Sự bùng nổ của các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, BYOD được chấp nhận rộng rãi và truy cập từ xa, và sự xuất hiện của các thiết bị IoT đã thay đổi hoàn toàn mô hình bảo mật cho các doanh nghiệp, ông Hed Kovetz, CEO của công ty xác thực đa yếu tố Silverfort cho biết.

“Chúng ta không thể dựa vào các biện pháp kiểm soát an ninh vành đai để ngăn chặn những kẻ xấu ra khỏi môi trường của chúng ta. Chúng ta không còn có thể cho rằng  có thể tin tưởng được những người trong nội bộ. Chúng ta không thể tin bất cứ ai.”

Ông Kovetz nêu quan điểm, với các mối đe dọa ngày càng gia tăng theo cấp số nhân và các trường hợp vi phạm dữ liệu lớn xảy ra gần như hàng ngày, các doanh nghiệp không còn có thể coi nhân viên và những người khác trong nội bộ là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Trong mạng lưới không tín nhiệm, bất kỳ ai cố gắng giành quyền truy cập vào tài nguyên mạng đều phải được xác thực và cho phép, bất kể vị trí của họ trong tổ chức là gì.

Ông Kovetz cho biết “Trước đây, khi các mạng có các vành đai rõ ràng mà có thể được ngăn chặn và kiểm soát, an ninh mạng thuộc trách nhiệm của Giám đốc an toàn thông tin (CISO). Nhưng nhờ những thay đổi được tạo ra bởi các xu hướng như dịch chuyển trên đám mây, BYOD và IoT, các CIO cần tham gia nhiều hơn vào công tác bảo mật mạng hơn bao giờ hết.”

Quy tắc cũ: Khóa mọi thiết bị
Quy tắc mới: Giúp cho người dùng của bạn vui vẻ

Công việc không còn chỉ diễn ra tại văn phòng trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhân viên hiện nay làm việc trong thời gian riêng, không gian riêng của họ và thường trên các thiết bị của riêng họ. Điều đó có nghĩa là CNTT không còn thực sự mong đợi có thể kiểm soát những gì xuất hiện trên máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh của mọi người, theo ý kiến của Avani Desai, chủ tịch của Schellman & Co., chuyên gia đánh giá tuân thủ bảo mật và quyền riêng tư.

Đến năm 2020, một nửa số nhân viên của Hoa Kỳ sẽ làm việc từ xa. Ngay cả trong các ngành được kiểm soát chặt chẽ như tài chính hoặc chăm sóc sức khỏe, việc khóa các phương tiện truyền thông xã hội hoặc giới hạn các ứng dụng có thể áp dụng trên thiết bị người dùng sẽ không hoạt động nữa. Và nếu bạn cố gắng làm như vậy thì bạn có nguy cơ mất đi những nhân viên tài năng nhất của mình vào tay một tổ chức có các chính sách linh hoạt hơn, Desai cho biết.

Hơn bao giờ hết, CNTT phải cân bằng giữa nhu cầu tuân thủ và bảo mật của tổ chức với mong muốn và nguyện vọng của người dùng cuối. Nói cách khác, các CIO hiện đại cần phải giỏi về quản lý nhân sự khi họ triển khai bảo mật thông tin.

“Điều đầu tiên mà CIO cần làm là ngồi xuống cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đặt ra câu hỏi, ‘Chúng ta đang làm gì để đáp ứng nhu cầu của người dùng? Chúng ta có đang sử dụng thứ gì đó mà họ không thể sử dụng ở nhà không?’. Điều đó sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc trò chuyện mà CIO có thể đã không tham gia trong quá khứ. Sau đó, họ có thể đề xuất các cách thức để giảm thiểu rủi ro của dữ liệu đầu ra hoặc đầu vào.”

Quy tắc cũ: Chọn một đối tác, gắn bó với họ suốt đời
Quy tắc mới: Tham gia cuộc chơi, cởi mở với nhiều lựa chọn

Ngày trước, các CIO đã đơn giản hóa danh mục đầu tư của họ bằng cách gắn kết với một nhà cung cấp lớn cung cấp hầu hết công nghệ cho họ. Nhưng những thất bại trong cung ứng, phí cấp phép khó khăn, tính không linh hoạt và thỏa thuận độc quyền nhà cung cấp đã làm hỏng nhiều mối quan hệ.

Ngày nay, các doanh nghiệp có thể làm tốt hơn nhiều bằng cách tham gia cuộc chơi, tìm kiếm các đối tác công nghệ linh hoạt hơn, những người có thể thỏa mãn nhu cầu của họ mà không cần đàm phán lại hợp đồng hay hình phạt, Mike Meikle, CEO của secureHIM, chuyên gia tư vấn bảo mật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho biết.

“Vấn đề là hướng đến tiết kiệm chi phí và tính linh hoạt. Các doanh nghiệp hiện nay đều muốn chọn ra ‘đối tác cung cấp’ tốt nhất mà có SLA linh hoạt hơn, cho phép họ phản ứng nhanh hơn với thị trường luôn biến đổi nhanh chóng.”

Tuy nhiên, tính linh hoạt và sự tự do đều có giá.

“Nhiều nhà cung cấp hơn và nhiều giải pháp hơn đồng nghĩa với phức tạp hơn. Và nhiều doanh nghiệp đã sai lầm khi nghĩ rằng bằng cách sử dụng các nhà cung cấp bên thứ ba hoặc SaaS sẽ cho phép họ giảm số lượng nhân viên, vì vậy cuối cùng họ mất đi kiến thức tổ chức có giá trị.”

Để có thể làm việc một cách khéo léo với nhiều nhà cung cấp dịch vụ, đòi hỏi phải có chương trình quản lý nhà cung cấp để đảm bảo SLA được đáp ứng và duy trì hợp đồng.

“Nếu có một chương trình quản trị hoàn thiện thì sẽ đi được một chặng đường dài hướng tới việc duy trì kỳ vọng của C-suite phù hợp với thực tế”, Mike Meikle cho biết thêm.

Quy tắc cũ: Cố gắng tránh thỏa thuận độc quyền với nhà cung cấp phần mềm
Quy tắc mới: Cố gắng tránh thỏa thuận độc quyền với nhà cung cấp dịch vụ đám mây

Đôi khi, có càng nhiều thứ thay đổi trong lĩnh vực CNTT thì chúng càng không thay đổi gì.

Nhiều doanh nghiệp, sau khi đã bị kẹt giữa các đối tác công nghệ khiến việc di chuyển sang nền tảng mới trở nên khó khăn, đã chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khiến họ khó rời đi.

Dave Friend, CEO của công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây Wasabi cho biết “Amazon, Google và Microsoft đang cố gắng hết sức để giữ chặt bạn 100% trong môi trường của họ. Họ tính phí tải xuống khá khó chịu, do đó, bất cứ khi nào bạn muốn lấy dữ liệu của mình ra khỏi môi trường của họ, bạn phải trả tiền. Họ giữ chặt bạn bằng các giao thức độc quyền và các kế hoạch định giá phạt bạn vì đã cố gắng trao đổi ra bên ngoài khu vườn có tường bao quanh của họ.”

Nhưng cũng giống như nhiều ông lớn cung cấp phần mềm khác có các đối thủ cạnh tranh vượt mặt buộc phải trở nên linh hoạt hơn, những ông lớn trên nền tảng đám mây đang chịu thách thức từ các công ty mới khởi nghiệp mà cuối cùng sẽ buộc họ phải phá bỏ những bức tường đó.

Friend cho biết “Có hàng tá công ty đổi mới trong tất cả các lĩnh vực chính mà Amazon đang phục vụ. Nếu tôi là nhà phát triển đang xây dựng một ứng dụng nào đó trên bản chạy thử chi phí ít thì sẽ ổn khi sử dụng một trong những sản phẩm trong tường kín như Amazon vì bạn có mọi thứ dưới một mái nhà. Nhưng nếu tôi sẽ sản xuất và chi hàng triệu đô la mỗi năm, tôi sẽ xem xét, cân nhắc kỹ việc xây dựng ứng dụng này chủ yếu bên ngoài Amazon, vì không khó để thực hiện điều đó trong thời điểm hiện nay và có rất nhiều người đang làm như vậy.”

Quy tắc cũ: Nếu chưa hỏng thì không sửa
Quy tắc mới: Nếu chưa hỏng, hãy phá bỏ

Một thập kỷ trước, công việc của CNTT là duy trì tính khả dụng cao và chi phí thấp, để giảm thiểu sự cố ngừng hoạt động và tránh vi phạm. Ngày nay, CIO đúng thực là từ viết tắt của Giám đốc Đổi mới. Chuyển đổi nhanh và phá bỏ cái cũ là nhiệm vụ mới trong thời đại ngày nay.

Bhanu Singh, phó chủ tịch phát triển sản phẩm và hoạt động đám mây tại OpsRamp, nền tảng quản lý hoạt động dựa trên AI cho biết: “Các CIO ngày nay chịu trách nhiệm đổi mới sản phẩm và dịch vụ nhằm tăng doanh thu, tăng lòng trung thành của khách hàng và loại bỏ sự cạnh tranh. Trên tất cả, họ phải khuyến khích chấp nhận rủi ro có tính toán, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và các hệ sinh thái đột phá, để giúp cho doanh nghiệp và tổ chức đi trước các đối thủ một bước.”

Tất cả các công ty cần liên tục xem xét lại quy trình của mình, theo ý kiến của Lightman thuộc CMU. Các tập đoàn lớn, không thích rủi ro cần nhờ bộ phận CNTT đánh giá các thách thức của đổi mới và cách quản lý chúng.

“Có thể có rất nhiều gián đoạn trong thị trường cho các công ty biết rằng họ cần phải chịu rủi ro nhiều hơn việc họ có thể cảm thấy thoải mái. Lãnh đạo CNTT có thể giúp đỡ bằng cách đánh giá và tìm hiểu tất cả các rủi ro và cách giảm thiểu rủi ro. CIO và nhóm CNTT được trang bị cực kỳ tốt để thực hiện đổi mới và tạo thành tư tưởng, vì họ liên tục nhìn vào dữ liệu.”

Quy tắc cũ: Vị trí của CIO nằm ở trung tâm dữ liệu
Quy tắc mới: Vị trí của CIO là trong phòng họp

Trong nhiều năm, vai trò của các CIO đã bị đẩy xuống các khu vực bụi bặm của phòng máy chủ, và họ có nhiệm vụ duy trì hoạt động thường ngày và đảm bảo các máy chủ hoạt động tốt. Thời đại chuyển đổi kỹ thuật số đã làm thay đổi điều đó.

Oli Thordarson, CEO của nhà cung cấp dịch vụ CNTT Alvaka Networks cho biết: “Trong thời đại mà công ty quy mô trung bình dành ngân sách vốn cho CNTT nhiều hơn bất kỳ danh mục nào khác và công ty sẽ ngừng hoạt động nếu công nghệ không hoạt động, bộ phận CNTT cần phải thuộc nhóm điều hành. Một CIO thực sự cần phải được tham gia các cuộc họp quản lý điều hành và báo cáo cho CEO.”

Đối với nhiều doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi diễn ra chậm và ổn định. Theo báo cáo năm 2017 của Windstream và Forrester Research, 36% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp coi CNTT là đối tác chiến lược trong C-suite. Khoảng một phần ba các doanh nghiệp nói rằng CNTT đang trong quá trình chuyển đổi thành một nhà lãnh đạo đổi mới quan trọng, trong khi số còn lại vẫn coi nhân viên công nghệ là người nhận lệnh.

Nhưng nếu các nhà lãnh đạo công nghệ muốn được coi trọng ở cấp độ chiến lược, họ cần sử dụng ngôn ngữ kinh doanh, Thordarson nói thêm. Các CIO sẽ không thể thuyết phục bất cứ ai đầu tư vốn vào công nghệ mới chỉ bằng cách nói về tốc độ và nguồn cấp dữ liệu; họ cần chứng minh rằng công nghệ đó sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian hoặc tiền bạc, hoặc công nghệ đó sẽ cho phép doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ bổ sung và mở rộng sang các thị trường mới như thế nào.

“Khi các CIO giao tiếp theo cách đó với ban quản lý điều hành thì họ sẽ trở thành tài sản có giá trị, chứ không phải là một khoản chi phí không đáng tin cậy”.

 
Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : https://www.cio.com