WHO: COVID-19 có thể “không bao giờ biến mất”, nếu các nhóm chống vắc-xin còn hoạt động mạnh như hiện nay

Tram Ho

Vào tháng 11 năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ ở Trung Quốc, 14 đứa trẻ sống trên đảo Samoa ở giữa Thái Bình Dương đã phải nằm thở máy. Tất cả đều mắc cùng một căn bệnh truyền nhiễm được cho là ít nguy hiểm hơn nhiều so với COVID-19: bệnh sởi.

Dịch sởi bùng phát trên đảo Samoa năm ngoái đã giết chết 81 người, và tất cả họ lẽ ra đã sống sót nếu được tiêm ngừa vắc-xin. Trong những năm gần đây, bệnh sởi cũng đã bùng phát mạnh trở lại ở Châu Âu và Châu Mỹ, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bây giờ có một lo lắng mới.

Họ nghĩ rằng nhân loại sẽ không bao giờ diệt trừ được COVID-19, ngay cả khi có vắc-xin. Bởi phong trào anti-vax, hay chống vắc-xin hiện vẫn đang nở rộ trên các mạng xã hội.

WHO: COVID-19 có thể không bao giờ biến mất, nếu các nhóm chống vắc-xin còn hoạt động mạnh như hiện nay - Ảnh 1.

Tôi không nghĩ có ai đó có thể dự đoán khi nào hoặc liệu căn bệnh này có biến mất hay không”, Mike Ryan, người chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động khẩn cấp về sức khỏe của WHO nói trong cuộc họp báo đêm hôm qua. “Chúng ta có một hy vọng lớn, nếu chúng ta tìm ra một loại vắc-xin hiệu quả cao, rồi chúng ta có thể phân phối cho tất cả những người cần nó trên thế giới”.

Nhưng mối lo ngại của Ryan là có một nhóm người, những người antin-vax sẽ không chịu dùng nó và không cho con cái mình tiêm chủng. Một khảo sát mới nhất ở Mỹ cho thấy chỉ có 53% người được hỏi sẵn sàng tiêm vắc-xin COVID-19. Miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh đó sẽ là một mục tiêu rất khó có thể đạt được.

Hãy tha thứ cho tôi nếu tôi hồ nghi, nhưng nếu chúng ta có một số loại vắc-xin hiệu quả hoàn hảo trên hành tinh này mà chúng ta lại không sử dụng nó hiệu quả, thì cuối cùng chúng ta cũng không thể loại bỏ được những căn bệnh lẽ ra chúng ta có thể loại bỏ”, Ryan nói. “[Tôi lo ngại rằng] virus này có thể sẽ không bao giờ biến mất”.

Phong trào chống vắc-xin trên mạng xã hội ngày càng chuyên nghiệp

Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng chạy đua với thời gian để tạo ra được một loại vắc-xin chống lại virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19, những người chống vắc-xin lại đang hô hào chống lại nó. Những nhóm anti-vax đang gieo mầm, bịa đặt ra những câu chuyện kỳ lạ.

Họ nói thử nghiệm vắc-xin COVID-19 ở Anh đã giết chết một tình nguyện viên, trong khi đó không phải sự thật. Một số người còn cho rằng tiêm vắc-xin COVID-19 chỉ là một cái cớ, thực ra các chính phủ dự định dùng các mũi tiêm này để cấy vi mạch vào người họ mà thôi.

Vào tháng tư, trong khi nước Mỹ đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội, một số người mang biểu ngữ chống vắc-xin đã ra đường tuần hành. 

Tuần trước, một video phát hành trên Youtube đã diễn giải một thuyết âm mưu về đại dịch và nói rằng, vắc-xin COVID-19 có thể giết chết hàng triệu người, nhiều hơn cả số ca tử vong do căn bệnh gây ra. Video đã nhận được hơn 8 triệu lượt xem trước khi nó bị xóa.

WHO: COVID-19 có thể không bao giờ biến mất, nếu các nhóm chống vắc-xin còn hoạt động mạnh như hiện nay - Ảnh 2.

Các nhóm anti-vax thông thường có quân số rất nhỏ, nhưng chiến lược truyền thông của họ lại rất hiệu quả và sâu rộng, một báo cáo mới của Đại học George Washington cho biết. Nghiên cứu được thực hiện dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học dữ liệu Neil Johnson đã phân tích tổng cộng hơn 1.300 trang Facebook với hơn 100 triệu người theo dõi.

Ông chia các trang này thành 3 nhóm: 317 trang chống vắc-xin ví dụ như RAGE Against the Vaccines hiện có 4,2 triệu người theo dõi, 124 trang ủng hộ vắc-xin ví dụ như Bill & Melinda Gates Foundation với 6,9 lượt theo dõi, và 885 trang trung lập nhận các luồng thông tin từ hai phía ví dụ như Breastfeeding Moms với 74,1 triệu lượt theo dõi.

Mục đích của họ là đếm các liên kết của các trang Facebook này với nhau, một phương pháp được gọi là “lấy mẫu quả cầu tuyết“. Sau đó, Johnson sẽ chạy một thuật toán để đồ thị hóa các liên kết này, với các chấm tròn màu đỏ (thể hiện cho trang chống vắc-xin), màu xanh dương (thể hiện cho trang ủng hộ vắc-xin) và màu xanh lá (thể hiện cho các trang trung lập).

Kích thước các vòng tròn thể hiện số lượt theo dõi của mỗi trang Facebook và các nét nối thể hiện liên kết giữa chúng với nhau. Kết quả:

WHO: COVID-19 có thể không bao giờ biến mất, nếu các nhóm chống vắc-xin còn hoạt động mạnh như hiện nay - Ảnh 3.

Biểu đồ cho thấy rõ ràng các trang Facebook chống vắc-xin đang lôi kéo được nhiều sự quan tâm hơn từ các trang trung lập. Những trang này thâm nhập được vào một cộng đồng trung lập đông hơn trang ủng hộ vắc-xin.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 2 cho tới tháng 10 năm 2019 trùng với thời gian bùng phát dịch sởi trên toàn cầu. Các tác giả cho biết trong khoảng thời gian này, các trang chống vắc-xin đã tăng trưởng nhanh hơn các trang ủng hộ.

Những trang màu đỏ và xanh dương cũng đang thu hút những người theo dõi khác nhau. Điều này cho thấy rằng những trang xanh dương đang chiến đấu không đúng chỗ với phong trào anti-vax, Johnson nói. Họ thu hút được một cộng đồng ủng hộ và tin tưởng vắc-xin nhưng không cảm hóa được cộng đồng còn lại, chứa nhiều người đang phân vân và lưỡng lự.

Ngược lại, các trang chống vắc-xin đã thâm nhập được vào các nhóm đối tượng quan trọng, chẳng hạn như những người mẹ mang thai hoặc nhóm đang có con nhỏ học tiểu học. Nội dung của họ bàn luận cũng rất đa dạng, “bắt trend” và đánh vào cảm xúc: bao gồm những câu chuyện, thuyết âm mưu, đánh vào sự lo lắng và quan tâm của phụ huynh tới sức khỏe trẻ em, reo rắc nỗi sợ hãi.

Thông điệp của nhóm trang ủng hộ vắc-xin thì thường rất đơn giản, loanh quanh hai ý chính là vắc-xin có tác dụng phòng bệnh và cứu sống mọi người. Các thông điệp khoa học này thường rất khô khan và khó đi vào lòng người.

Ngược lại, các nhóm chống vắc-xin tuy nhỏ nhưng sử dụng truyền thông rất thành thạo. Họ có thể sáng tác ra những câu chuyện không chỉ đánh vào nỗi sợ hãi, mà còn cả các cảm xúc thiêng liêng như tình mẫu tử.

Những nhóm chống vắc-xin cũng chăm sóc độc giả của họ tốt hơn, với những bài viết không chỉ về vắc-xin mà còn nhiều vấn đề sức khỏe khác, tạo cho người theo dõi họ có cảm giác được cập nhật thông tin hữu ích kịp thời và quan trọng là được lắng nghe.

WHO: COVID-19 có thể không bao giờ biến mất, nếu các nhóm chống vắc-xin còn hoạt động mạnh như hiện nay - Ảnh 4.

Đó là những lý do ban đầu cho thấy tại sao phong trào chống vắc-xin lại phát triển mạnh được đến vậy trong kỷ nguyên truyền thông xã hội. Và nó đang đe dọa cơ hội chiến thắng COVID-19 của tất cả chúng ta.

Các nhà khoa học cho biết để có thể chiến thắng đại dịch, ít nhất 60-70% dân số toàn cầu- tương đương 5,6 tỷ người – cần phải được tiêm chủng để có thể tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một khảo sát của CivicScience mới đây cho thấy chỉ có 53% người Mỹ ở độ tuổi 35-44 nói dứt khoát rằng “Có, tôi sẽ tiêm vắc-xin COVID-19”.

Tương tự như vậy, tỷ lệ người trưởng thành ở Hoa Kỳ cảm thấy “rất thoải mái” khi tiêm chủng đang giảm và tỷ lệ những người nói rằng họ “không thoải mái” với vắc-xin đang gia tăng kể từ tháng 1. Ryan cho biết đó là một hệ quả của việc “thiếu ý chí, quyết tâm đầu tư vào các hệ thống y tế để cung cấp vắc-xin đến cho người dân”.

Bây giờmặt trận chăm sóc sức khỏe không còn chỉ diễn ra tại các bệnh viện hay khu dân cư, mà còn trên cả các cuộc thảo luận Facebook. Và những nhóm chống vắc-xin thì dường như đang giành được lợi thế trên không gian mạng này.

Tham khảo Businessinsider, Science, Scientificamerican

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk