Vay tiền qua app, chưa kịp nhận tiền đã bị lừa mất gần 700 triệu đồng

Tram Ho

Vay tiền qua app, chưa kịp nhận tiền đã bị lừa mất gần 700 triệu đồng - Ảnh 1.

Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền trực tuyến

Ngày 24/8, Công an quận Thanh Khê ( thành phố Đà Nẵng ) cho biết đang điều tra một vụ việc lừa đảo qua mạng với quy mô và thủ đoạn tinh vi. Một nạn nhân trên địa bàn quận đã tiến hành vay gói tiền 100 triệu đồng qua ứng dụng (app) vay tiền trên điện thoại di động, nhưng bị yêu cầu phải chuyển hàng chục lần với số tiền chục triệu đồng mỗi lần kèm các loại phí khác nhau. Tổng số tiền nạn nhân đã chuyển cho đối tượng là 655 triệu đồng, sau đó số tiền này cùng đối tượng đã “bốc hơi”.

Cụ thể, khoảng 9h30 ngày 23/8, Công an phường An Khê (quận Thanh Khê) nhận tin báo của anh D.A (SN 1983, trú P.An Khê) về vụ việc bị lừa đảo qua mạng.

Theo lời khai, ngày 21/8, anh A. nhận được cuộc gọi từ số 0926.485.516 và 0568.779.101 tự xưng tên Thuận. Người này hỏi anh có cần vay tiền không thì anh đồng ý. Người này kết bạn với anh qua Zalo và hướng dẫn anh A. tải app Mofin để thực hiện các bước vay tiền. Sau khi đồng ý với mức vay 100 triệu đồng, thì anh A. nhập các thông tin cá nhân của mình vào app trên và tiến hành rút tiền về tài khoản thì không được.

Trên ứng dụng yêu cầu phải nộp thêm tiền vào ví trực tuyến để khắc phục lỗi thì mới tiếp tục thao tác nên anh A. đã nộp tiền vào số TK 9704229201796030416 mang tên PHAM THI THANH thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) số tiền 20 triệu đồng, sau đó app Mofin vẫn thông báo lỗi yêu cầu nộp tiền vào ví thêm 2 lần nữa là 20 triệu đồng và 18 triệu đồng. Tiếp đó app Mofin tiếp tục thông báo lỗi với các lý do: “Bảo lãnh rủi ro”, “Nâng điểm tín dụng”; “Bảo hiểm lệnh chuyển”, “Bảo hiểm rủi ro” yêu cầu anh Ân tiếp tục chuyển tiền thêm 7 lần nữa: 52 triệu đồng; 105 triệu đồng; 165 triệu đồng; 50 triệu đồng; 100 triệu đồng; 60 triệu đồng; 65 triệu đồng. Sau đó khi bị yêu cầu phải chuyển thêm 300 triệu đồng thì anh A. mới nghi ngờ bị lừa và đến Cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền anh A. đã chuyển 10 lần là 655 triệu đồng.

Hiện Công an quận Thanh Khê đã thụ lý và đang điều tra mở rộng vụ việc. Những nạn nhân từng gặp phải thủ đoạn lừa đảo tương tự cần nhanh chóng liên hệ đến cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Tình trạng lừa đảo cho vay tiền qua app đã diễn ra suốt thời gian qua, các đối tượng lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm tủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội chạy quảng cáo để tiếp cận các nạn nhân. Tiếp đó, đối tượng sẽ gửi đường liên kết tới CH Play, App Store… để “con mồi” cài đặt app vào điện thoại và đăng ký tài khoản trên app. Khi nạn nhân đăng nhập app, điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu và được đồng ý cho vay số tiền theo đề nghị của họ. Số tiền giải ngân đã được thể hiện trên app, nhưng người vay không thể chuyển, rút được và bị khóa app, vì do lỗi “sai cú pháp”, “quá hạn mức”, “sai số tài khoản ngân hàng”… Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được. Hoặc chúng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân… Đáng lưu ý, nhiều nạn nhân chuyển tiền nhiều lần theo yêu cầu để được vay nhưng khi biết bị lừa thì họ không lấy lại được số tiền đã chuyển.

Người dân cần lưu ý, mọi khoản vay nên liên hệ chi nhánh ngân hàng gần nhất nơi mình cư trú hoặc gọi số điện thoại hotline của ngân hàng để được nhân viên hướng dẫn hoàn tất các thủ tục vay. Người dân tuyệt đối không làm thủ tục vay thông qua làm việc với người tự xưng là nhân viên ngân hàng trên Fanpage Facebook, website, Zalo sử dụng hình ảnh logo, hình ảnh mạo danh ngân hàng.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk