Trung Quốc phóng UAV đặc dụng, cung cấp Internet ‘từ trên trời’ cho người dân vùng lũ
- Tram Ho
Không phải một cuộc tập trận, đây là một sự kiện có thật diễn ra trên bầu trời của Mihe, một thị trấn nhỏ thuộc khu vực Củng Nghĩa, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nơi đang gánh chịu thiệt hại do một trận mưa lũ lịch sử gây ra. Tình hình ngập lụt đã gây ảnh hưởng tới việc di chuyển đi lại, cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí khiến nhiều khu vực phải cắt điện trong thời gian ngắn.
Nhưng chính vào lúc đó, gần nửa đêm ngày 22/7, toàn bộ những người dân đang bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở thị trấn này bất ngờ nhận được một tin nhắn có nội dung “rất khoa học viễn tưởng”.
“Cục Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc sẽ điều động một máy bay không người lái để tiếp cận bầu trời phía trên thị trấn của bạn và liên lạc mạng công cộng có thể tạm thời được khôi phục. Do giới hạn thời gian của thiết bị bay không người lái, thời gian khôi phục mạng công cộng chỉ là 5 giờ. Vui lòng báo cáo tình hình và liên hệ với gia đình bạn trong thời gian sớm nhất. Chúc may mắn!”, nội dung tin nhắn cho biết.

UAV Pterosaur-2H.
Đêm đó, máy bay không người lái mang tên Pterosaur-2H đã cất cánh khẩn cấp từ sân bay Quý Châu. Sau hành trình bay 4,5 giờ, nó đến khu vực bị gián đoạn liên lạc ở thị trấn Mihe và đúng như cam kết, liên tục cung cấp cho người dân tín hiệu ổn định trong 5 tiếng trong ngày hôm đó.
Đây là lần đầu tiên UAV Pterosaur-2H xuất hiện trước công chúng và là ứng dụng thực tế đầu tiên của các loại UAV lưỡng dụng, cả cho mục đích dân sự và quân sự, được triển khai khi đối mặt với thiên tai.
Mặc dù thời gian khôi phục thông tin liên lạc chỉ có 5 giờ nhưng cũng đủ để rất nhiều người trong vùng thiên tai truyền đi thông tin liên lạc, báo bình an, gọi cứu hộ… Đây được xem là một phương tiện phi thường, trong một hoàn cảnh phi thường.
Ngay lập tức, sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng nước này, với các bình luận và đánh giá mang theo sự thích thú cùng tự hào. Theo phản hồi của các cư dân mạng trong khu vực được hỗ trợ, tín hiệu từ chiếc UAV này khá ổn định và không bị gián đoạn. Tốc độ liên lạc theo thời gian thực cũng rất tốt và thử nghiệm cho thấy thậm chí người dân có thể thực hiện các cuộc gọi video.

Thử nghiệm gọi video call từ “Internet trên trời”
Phân loại chính xác của Pterosaur là một dòng UAV đa năng, có thời gian hoạt động lâu ở độ cao từ trung bình đến thấp. Phiên bản đầu tiên Pterosaur-1 ra mắt năm 2007 và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2011. So với phiên bản trước, Pterosaur-2 đã tiến hành mở rộng phần thân và tối ưu hóa các bố trí khí động học, hệ thống động lực cũng được bổ sung nhiều cải tiến. Nó cũng đã nhận được các đơn đặt hàng ở Trung Đông và Châu Phi.
Dòng UAV Pterosaur của Trung Quốc này thậm chí được so sánh với MQ-9 Raptor thường được sử dụng ở Mỹ. Bởi chúng đều là máy bay không người lái tích hợp trinh sát và tấn công ở độ cao thấp và trung bình. Về lý thuyết, Pterosaur-2 có thời lượng pin là 20 giờ. Tuy nhiên, thời gian hoạt động có thể thay đổi, tùy thuộc vào cách triển khai và các tải trọng mang theo, tùy từng nhiệm vụ.

Phiên bản Pterodactyl-1 tại lễ duyệt binh năm 2015 ở Trung Quốc.
Cụ thể trong lần triển khai này, Pterosaur-2H UAV có 4 bộ phận quan trọng để thực thi nhiệm vụ liên lạc cứu nạn khẩn cấp, đó là radar khẩu độ tổng hợp, ăng ten vệ tinh, pod quang điện và pod hỗ trợ liên lạc khẩn cấp. Trong đó, quan trọng nhất là radar khẩu độ tổng hợp để chụp ảnh quang học trong điều kiện thời tiết có tầm nhìn cực thấp và pod quang điện tử thực hiện nhiệm vụ phát hiện, tìm kiếm và truy tìm mục tiêu. Cả hai sẽ phối hợp để gửi hình ảnh của khu vực bị thiên tai về trụ sở trong thời gian thực, điều cực kỳ có lợi cho công cuộc cứu hộ bên dưới.
Ăng ten vệ tinh dùng để thu tín hiệu từ vệ tinh còn pod hỗ trợ liên lạc khẩn cấp cho phép nó hoạt động tương đương với một “trạm gốc không dây trên không”, thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin liên lạc, cho phép cư dân trong khu vực xảy ra thảm họa dễ dàng kết nối với mạng hạ tầng lõi của nhà mạng China Mobile.

UAV cũng chuyển hình ảnh khu vực theo thời gian thực về căn cứ để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Trong lần điều động ở Mihe vừa rồi, Pterosaur-2H đã được triển khai từ một sân bay cách đó 4,5 giờ bay, đồng thời mang theo các thiết bị chuyên dung để có thể triển khai Internet, nên thời lượng hoạt động chỉ à 5 tiếng. Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết trong thời gian tới, nếu được triển khai ở khu vực gần hơn, cùng với sự tham gia hỗ trợ của các nhà sản xuất như Huawei hay ZTE, thời gian phát sóng sẽ còn lâu hơn nữa. Ngoài ra, lần triển khai này cũng mang tính thử nghiệm, mức độ phát mạng 5 tiếng đồng hồ cũng được đánh giá là “đủ cho người dân vùng thiên tai”.
Sau khi cung cấp mạng thông tin và Internet ở Mihe, Pterosaur-2H đã quay trở lại căn cứ ở tỉnh Quý Châu, nạp năng lượng và một lần nữa xuất phát để cung cấp mạng Internet cho công tác cứu hộ Bệnh viện Tim mạch ở thành phố Trịnh Châu.

Pterodactyl-2H là UAV lưỡng dụng, dùng trong cả quân sự lẫn dân sự.
Trên thực tế, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã cố gắng phát triển các dự án tương tự, nhưng không thành công.
Để thực hiện kế hoạch kết nối mạng toàn cầu, Facebook từng thiết kế một chiếc drone có tên Aquila vào năm 2016, nhằm mục đích trở thành một “trạm căn cứ trên không” cung cấp mạng không dây ở độ cao lớn. Nhưng trong một chuyến bay thử nghiệm, Aquila bị rơi do hỏng cấu trúc. Mặc dù cuộc hạ cánh sau đó đã thành công, nhưng Facebook đã từ bỏ dự án vào năm 2018.
Google cũng đã mua lại một công ty mới thành lập có tên “Titan Aerospace” vào năm 2014. Dự án cốt lõi của họ là sử dụng máy bay không người lái bay ở độ cao lớn để cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho các khu vực xa xôi trên trái đất, đồng thời sử dụng năng lượng mặt trời để duy trì hoạt động của thiết bị. Nhưng hiện tại, Google cũng đã từ bỏ dự án này, lý do được đưa ra là dự án gặp phải “trở ngại kỹ thuật”.
Tổng hợp
Nguồn bài viết : Genk