Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán

Tram Ho

Đúng 1 năm trước, tôi đã có bài đánh giá Jabra Elite 65t và đưa ra kết luận là cặp tai nghe này có đầy đủ những gì người dùng cần, nhưng vẫn cần thêm ‘một chút gì đó’ (đặc biệt ở kiểu thể hiện âm thanh) để có khả năng cạnh tranh với những hãng khác, đều đang đầu tư rất nhiều để hoàn thiện những cặp TWS của mình. Vậy sau 1 năm, hãng đã làm được những gì và còn bỏ sót những gì trong phiên bản nâng cấp Jabra Elite 75t?

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 1.

Hộp của phiên bản năm nay giống y hệt năm ngoái, vẫn với tông xám đậm và vàng quen thuộc của Jabra.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 2.

Đến cả trải nghiệm mở hộp cũng giống hệt luôn, vẫn với câu khẩu hiệu ‘Chào mừng tới chất âm đỉnh cao’ với phần cắt nhỏ để ta nhìn thấy tai nghe.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 3.

Đặt tai nghe qua 1 bên để tìm hiểu về phụ kiện trước, ta có một sách hướng dẫn sử dụng, dây USB Type-C (một nâng cấp với micro USB của phiên bản cũ) và 2 bộ đệm cao su.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 4.

Và không thể thiếu được là hộp sạc dành cho tai. Điểm làm tôi rất bực mình ở hộp Elite 65t đó là phần đế được làm tròn nên không để đặt đứng lên bàn được, nay đã được sửa ở phiên bản 75t. Mặt trong hộp ta vẫn có nam châm để đặt tai nghe vào đúng chỗ.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 5.

Pin là một trong những điểm nâng cấp lớn của cặp tai nghe này. Thời lượng sử dụng độc lập của Elite 75t là 7.5 tiếng, và lên tới 28 tiếng khi sử dụng với hộp; để so sánh thì 2 con số này của Elite 65t là 5 và 15 tiếng. Kèm theo đó ta cũng có thêm khả năng sạc nhanh, với 15 phút sạc có thể chơi được thêm 1 tiếng. Đây là một nâng cấp lớn, đưa Elite 75t vào bảng xếp hạng những cặp TWS có thời lượng chơi nhạc tốt nhất.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 6.

Jabra là một hãng có kinh nghiệm trong việc thiết kế tai nghe đàm thoại 1 bên dành cho doanh nhân, nên kể cả những cặp tai nghe nghe nhạc của hãng sau này cũng sở hữu thiết kế ‘nghiệm túc’, đơn giản với màu trầm chứ không nổi bật như WF-1000xm3 hay AirPods Pro.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 7.

Nói như vậy không có nghĩa đây không phải là một thiết kế tốt! Elite 75t không màu mè nhưng rất tiện dụng, nhỏ hơn phiên bản 65t tới 20%, kèm theo đó là có phần ống âm được vát cong hợp lý nên đeo thoải mái hơn rõ rệt. Tai nghe cũng không ‘lòi’ ra ngoài tai người dùng quá nhiều, trái ngược hoàn toàn với cặp Noble Falcon.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 8.

Mặt ngoài của cặp tai nghe này vẫn là 2 nút bấm điều khiển chứ chưa chuyển sang mặc cảm ứng. Tôi vẫn đánh giá đây là 2 nút bấm tốt, với lực nhấn rất nhẹ nên không gây cảm giác khó chịu, giống đang ‘chọc’ tai nghe sâu gần với màng nhĩ’ như một số cặp tai nghe khác. Bên trong tai cũng có cảm biến tiệm cận để có thể ngắt nhạc tự động mỗi khi người dùng bỏ Elite 75t ra khỏi tai.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 9.

Chỉ với 2 nút bấm nhưng tai nghe tích hợp được khá nhiều tính năng, trong đó bên trái dùng để bật / tắt microphone, giảm âm lượng, chuyển bài tiếp theo, bật tính năng HearThrough (nghe ngóng môi trường bằng microphone tích hợp mặt ngoài); bên phải dùng để nhận / từ chối cuộc gọi, chơi / ngừng bài nhạc, tăng âm lượng và gọi trợ lý ảo. Càng nhiều tính năng thì thao tác càng trở nên phức tạp, gồm cả nhấn giữ, nhấn 2 lần và nhấn 3 lần nên chắc chắn người dùng sẽ phải có thời gian làm quen trước khi thành thạo.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 10.

Nhắc tới những cặp tai nghe của Jabra mà không nói tới trải nghiệm phần mềm thì quả là một thiếu sót lớn. Khi tải về phần mềm Jabra Sound+, ta có thể điều chỉnh HearThrough, điều chỉnh chất âm EQ, thay đổi trợ lý ảo, thay đổi các tính năng cuộc gọi. Những điều chỉnh này còn có thể gắn vào các ‘preset’ như đi trên xe, ngồi làm việc để chuyển nhanh ngay trên thanh thông báo. Đây chắc chắn là một trong những trải nghiệm phần mềm đây đủ nhất trong những cặp TWS hiện nay, ta khó có thể phàn nàn!

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 11.

Giao diện phần mềm Jabra Sound+

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 12.

Phần mềm có khả năng hiện thông báo để xem pin và chuyển giữa các Presets sử dụng

Mặc dù được trang bị khả năng HearThrough để nghe ngóng môi trường nhưng đến Elite 75t Jabra vẫn chưa tìm được cách thêm chống ồn chủ động ANC. Để nói một cách công bằng thì không phải hãng nào cũng có thể làm được điều này, hiện mới chỉ có những hãng lớn như Sony, Apple và Huawei có ANC trên những cặp tai nghe TWS của mình. Trên thực tế, Elite 75t có khả năng chống ồn thụ động cũng khá tốt nếu người dùng chọn đúng loại đệm với tai mình.

Ta sẽ có thể bỏ qua được những cặp tai nghe thế hệ mới không có chống ồn chủ động nếu chúng có thể đem tới chất lượng âm thanh vượt trội như cặp Noble Falcon ta đã tìm hiểu lần trước, Elite 75t thì có thể làm được điều này hay không? Câu trả lời phức tạp hơn là có hoặc không!

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 13.

Đầu tiên ta phải khẳng định, Elite 75t không còn chất âm quá ‘thị trường’ như phiên bản 65t nữa, hãng đã chọn một hướng đi nhất định đó là dày, ngả tối và V-shape mạnh mẽ (nhấn vào dải trầm và cao để tạo sự sôi động).

Phần trầm của cặp tai nghe này có lượng khá nhiều, ‘nhảy’ ra khỏi bài nhạc khiến người dùng phải chú ý ngay từ lần đầu nghe. Phần siêu trầm (sub-bass) cùng mid-bass đều được thể hiện bùng nổ, kéo đuôi nhiều hơn và tràn vào những dải âm khác, có tính rung khá cao. Có nhiều trang đánh giá nước ngoài nói đây là một âm trầm còn bị lùng bùng (muddy), và tôi cũng không phản đối hoàn toàn nhận định này khi ở một số bài nhạc nhẹ Elite 75t không thể hiện được rõ thân (body) của trống, nên dải này mềm và có lấn vào giọng ca sĩ.

Ta có thể điều chỉnh để dải trầm giảm bớt về lượng, cũng như gọn hơn bằng EQ trong phần mềm, nhưng hãng làm ra chất âm mặc định không phải là để nghe nhạc nhẹ mà là các bài Pop, Dance ‘xập xình’, dành cho bass-head nên nếu như đã phải điều chỉnh EQ thì người dùng nên tìm một cặp tai nghe đúng mục đích thì sẽ hay hơn.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 14.

Giống như bất cứ cặp tai nghe nào có chất âm theo kiểu V-shape, phần trung sẽ là phần yếu nhất trong toàn bộ chất âm của Jabra Elite 75t. Nhưng cách làm của Jabra khác với những hãng khác ở điểm thay vì đặt giọng ca sĩ lùi về phía sau thì phần này vẫn tiến về phía trước, chỉ là thiếu về độ dày mà thôi. Giọng Alexis Cole trong When you wish upon a star khá sạch, đủ độ chi tiết để rõ ràng trên nền piano. Song như đã nói, so với những cặp tai nghe khác thì phần trung của Elite 75t thiếu về độ dày, nên người nghe sẽ có cảm giác ca sĩ hát ở chính giữa đầu mình và không có các âm hơi vọng sang 2 bên tai.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 15.

Chất âm V-shape không thể được hoàn thiện nếu thiếu đi phần âm cao cũng được đẩy mạnh giống như âm trầm. Giống như Elite 65t thì Elite 75t không có dải cao chạm được vào những tần số cao nhất, ngược lại thì có không gian chơi đủ, không bị chìm vào phần trầm cũng đã được làm rất nặng ở nền. Nếu như hãng đặt dải âm này cách xa người dùng hơn thì sẽ tốt hơn, tạo ra được cảm giác âm trường rộng rãi hơn – điểm mà Elite 75t vẫn còn thiếu so với những đối thủ ở tầm giá.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 16.

Đánh giá một cách chủ quan, Elite 75t không phải là một cặp tai nghe hướng đến tính kỹ thuật cao trong tái tạo âm thanh mà tìm đến một kiểu thể hiện ‘vui vẻ’, ‘phủ’ một lớp sôi động lên những bài hát được thể hiện.

Đã có cá tính riêng

Để tóm gọn, Jabra Elite 75t có 3 nâng cấp chính là thời lượng pin, thiết kế vỏ nhỏ nhắn hơn để tạo sự thoải mái và một chất âm nặng và dày, đậm đà và sôi động. Mặc dù vẫn còn thiếu các tính năng cao cấp nhất như chống ồn chủ động, mặt cảm ứng nhưng nhìn chung, đây đã là một cặp tai nghe bớt ‘an toàn’ hơn so với Elite 65t, có một chút cá tính để không cho người dùng cảm giác nhàm chán.

Tôi không phải là ‘fan’ của kiểu âm Jabra Elite 75t, ngược lại nếu như sản phẩm nào trên thị trường cũng hướng về 1 kiểu âm giống hệt như thì sẽ không hay chút nào, ‘mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh’ để người dùng có thêm những lựa chọn cho riêng mình. Nhìn chung, đây vẫn là một cặp tai nghe đáng để tâm trong tầm giá dưới 5 triệu Đồng, nhưng chắc chắn năm sau Jabra sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nếu muốn cạnh tranh được với Sony WF-1000xm3 hiện đang gần như chiếm lĩnh thị trường ở mức giá này.

Trải nghiệm tai nghe true-wireless Jabra Elite 75t: Phá tan sự nhàm chán - Ảnh 17.

Ưu điểm

– Vỏ ngoài nhỏ nhắn, đeo thoải mái hơn rõ rệt

– Chống nước và bụi IP55

– Chuẩn sạc USB Type-C, Bluetooth 5.0

– Thời lượng pin nâng cấp lên 28 tiếng

– Có nhiều tùy chỉnh bằng phần mềm

– Chất âm dày dặn, phần trầm có tính rung cao

Nhược điểm

– Thiếu chống ồn chủ động

– Không có mặt cảm ứng

– Trầm có thể quá nhiều với những ai không quen

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk