Tội phạm mang lệnh truy nã đỏ sa lưới do Skynet quét

Tram Ho

24 năm trốn chạy, Thịnh chưa một lần liên lạc về gia đình, mẹ mất cũng không biết. Tên này sa lưới ở sân bay khi Skynet quét và phát hiện có nhiều điểm chung với tội phạm truy nã.

Hệ thống camera giám sát Skynet của Trung Quốc được đưa vào sử dụng từ năm 2015 đã giúp cảnh sát bắt được không ít những tên tội phạm nguy hiểm, tội phạm trốn truy nã.

Skynet tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, có thể nhận diện khuôn mặt với tốc độ rất nhanh. Danh sách những tên tội phạm sẽ được ghi chú trên hệ thống, khi được nhận diện bởi các camera này hệ thống sẽ tự động phát đi thông báo về vị trí cũng như nhân dạng hiện tại của tội phạm.

Cuộc “chạy trốn” thử của nam nhà báo

Năm 2017, nhà báo John Sudworth của BBC đã trực tiếp thử nghiệm độ hiệu quả của hệ thống này.

Cảnh sát dùng một chiếc điện thoại thường chụp lại ảnh của anh và đưa lên hệ thống Skynet. Sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu, Sudworth bắt đầu cuộc “trốn chạy”. Anh ra khỏi cơ quan, đi theo hướng ga tàu điện, lên cầu vượt cho người đi bộ. Nam nhà báo nhìn thấy 3 chiếc camera được lắp theo ba góc độ khác nhau.

Khi Sudworth xuống đến cửa soát vé ga tàu cũng là lúc cảnh sát đến nơi để “bắt anh”. Quá trình này chỉ vẻn vẹn 7 phút.

Toi pham mang lenh truy na do sa luoi do Skynet quet hinh anh 1

Người dân có thể bị gắn cờ và chăm sóc đặc biệt hơn. Ảnh: Chinatimes

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng hệ thống kiểm soát nhận dạng khuôn mặt với OpenCV Dlib và Deep Learning

Bạn đang là kiểu lập trình viên nào?

Tên tội phạm sa lưới sau 19 năm lẩn trốn

Năm 2018, tại ga tàu điện Tần Hoàng Đảo (tỉnh Hà Bắc), Skynet nhận diện một tên tội phạm truy nã họ Vương. Tên này bị truy nã từ năm 1999 do biển thủ hơn 60.000 USD công quỹ.

Vương sau đó trốn đi nhiều nơi, thay tên đổi họ để làm việc trong một công ty dược phẩm.

Trong lần đi tập huấn của công ty, người này đã bị Skynet phát hiện và nhanh chóng bị cảnh sát vây bắt và kết thúc 19 năm lẩn trốn.

Gã trai đi xem ca nhạc bị bắt

Cũng trong năm 2018, trong nhiều live show ca nhạc của ca sĩ nổi tiếng Hong Kong – Trương Học Hữu – cảnh sát đã bắt được rất nhiều tội phạm truy nã qua các camera đặt tại cửa ra vào. Những tên tội phạm mê ca nhạc sau khi thưởng thức xong buổi biểu diễn đã bị bắt khi ra khỏi cửa.

Trong 3 buổi hát tại Tô Châu, cảnh sát đã bắt 22 tên tội phạm. Một người nói vui: “Tội phạm thì vẫn có quyền đi xem ca nhạc chứ”. Còn cảnh sát hy vọng Trương Học Hữu đi hát nhiều hơn nữa để góp phần truy bắt tội phạm.

Kẻ mang lệnh truy nã đỏ sa lưới

Cùng với năm ra đời của Skynet, Chính phủ Trung Quốc công khai danh sách tội phạm mang lệnh truy nã đỏ, kể cả những quan chức cao cấp tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước.

Sau khi công khai danh sách 3 ngày, cảnh sát đã truy bắt được Đới Học Dân –  cựu Tổng giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Thượng Hải thuộc Tập đoàn chứng khoán Trung Quốc. Khi còn đương chức, Đới đã lợi dụng chức quyền tham ô số tiền lên đến 33 triệu Nhân dân tệ (gần 5 triệu USD).

Tháng 8/2001, Đới lặng lẽ trốn qua Hàn Quốc, sau đó ông ta tiếp tục trốn đến một quốc gia nhỏ thuộc Trung Mỹ và cuối cùng trốn đến Anh sinh sống ở đây trong nhiều năm. Sau này, vì công việc không thuận lợi nên Đới ấp ủ ý định về lại Trung Quốc.

Năm 2010 Đới dùng hộ chiếu Anh nhập cảnh trót lọt. Trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2014, ông ta nhiều lần đi lại giữa hai nước mà không hề gặp bất cứ trở ngại gì. Tháng 10/2014, Đới trở về định cư tại quê nhà ở An Huy.

Ngày 22/4/2015, ngay sau khi danh sách truy nã đưa lên Skynet, cảnh sát lập tức nắm được đầu mối về Đới. Ngày 25/5, cảnh sát ập vào bắt giữ Đới tại nhà riêng.

Toi pham mang lenh truy na do sa luoi do Skynet quet hinh anh 2

Một tên tội phạm bị nhận diện bằng Skynet. Ảnh: Sina

Đại gia trong ngành thời trang bị bắt tại sân bay

Năm 1994, khi đó người đàn ông họ Thịnh còn là học sinh tiểu học đã tham gia trận đánh nhau vì mâu thuẫn bạn bè. Không may Thịnh lỡ tay giết chết đối phương.

Trong 5 người tham gia án mạng năm đó có 4 người bị bắt và bị tuyên phạt từ 14 năm tù đến chung thân. Riêng Thịnh trốn thoát không dấu vết.

Thịnh tìm cách trốn qua Myanma và ở đây sinh sống một thời gian. Thông qua một số thủ đoạn, hắn lấy được hộ chiếu Trung Quốc giả. Cầm hộ chiếu này Thịnh tiếp tục trốn qua Ba Lan sinh sống. Ở đây ông ta bắt đầu con đường buôn bán quần áo phục trang.

Năm 2002, Thịnh lấy vợ người Ba Lan và có hai con. Ông ta đã dễ dàng lấy được quốc tịch nước này.

Năm 2006, Thịnh dùng thân phận một người Ba Lan gốc Hoa về lại Trung Quốc làm ăn. Ông ta chuyên hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu về các mặt hàng thời trang giữa hai nước, và trở thành một đại gia theo đúng nghĩa.

Tuy nhiên khi ở Trung Quốc, Thịnh ngoại tình sau đó ly hôn với người vợ Ba Lan. Năm 2015, Thịnh dùng hộ chiếu Ba Lan đăng kí kết hôn với nhân tình mới nhưng chung sống 2 năm lại quyết định ly hôn.

Cảnh sát khi tham khảo các tài liệu trên Skynet phát hiện ra điều đáng nghi khi Thịnh có nhiều đặc điểm giống với tên tội phạm giết người từ năm 1994.

Ngày 13/12/2018, khi đến sân bay Thượng Hải, camera của Skynet đã quét ra Thịnh có nhiều điểm chung với tội phạm truy nã trên hệ thống. Ngay sau đó Thịnh bị bắt. Kết hợp với những chứng cứ ban đầu Thịnh cúi đầu nhận tội.

Trong 24 năm trốn chạy Thịnh chưa một lần liên lạc về gia đình, thậm chí mẹ mất hắn cũng không biết.

Toi pham mang lenh truy na do sa luoi do Skynet quet hinh anh 3

Thịnh lúc bị bắt tại sân bay Thượng Hải. Ảnh: Apple daily

Đổi họ thay tên cũng bị bắt

Năm 1999, Vương Kiến khi làm trong một cơ quan Nhà nước đã tham ô hơn 2 triệu đài tệ. Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Vương chọn lấy con đường trốn chạy.

Vương từ Bắc Kinh trốn sang Diên An, Hà Nam, Nam Kinh… sống chui lủi. Sau này nhờ đút lót cho cán bộ hộ tịch, Vương làm được chứng minh thư giả. Anh ta xin được một chân nhân viên bán hàng cho một công ty dược phẩm tại Hà Nam.

Giữa năm 2018, công ty có một đợt tập huấn cho nhân viên bán hàng tại Hà Bắc, Vương cũng có mặt tham gia. Chuyến công tác định mệnh này đã khiến hắn phải trả giá cho lòng tham của mình.

Khi đến nhà ga Tần Hoàng Đảo, Vương đã bị nhận diện bởi Skynet. Cảnh sát ngay lập tức có mặt bắt giữ.

Mặc dù khuôn mặt hiện tại của hắn khá khác với năm 1999 nhưng đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt hắn vẫn có thể nhận ra bởi Skynet. Hơn nữa, khi kiểm tra vân tay, Vương không còn gì để chối cãi.

Toi pham mang lenh truy na do sa luoi do Skynet quet hinh anh 4

Tên tội phạm trốn chạy 19 năm bị bắt nhờ Skynet. Ảnh: Technews

Hệ thống Skynet đến nay được lắp đặt ở 16 tỉnh thành phố lớn của Trung Quốc với hơn 180 triệu camera, tập trung tại các khu vực công cộng, nút giao thông trọng yếu, các nhà ga, trạm xe buýt, trường học… Dự tính đến năm 2020 con số này có thể sẽ lên đến 600 triệu chiếc.

Từ năm 2016 đến năm 2018, hệ thống này giúp cảnh sát bắt giữ hơn 2.000 tội phạm thông qua chức năng nhận diện khuôn mặt. Riêng thành phố Quý Dương, một điểm nóng tỷ lệ về nạn cướp giật đã giảm xuống đáng kể.

Skynet mới hoàn thành được 1/2 chặng đường. Chính phủ Trung Quốc cho hay đến năm 2020 sẽ phủ sóng toàn bộ đất nước và đi vào ổn định giám sát. Hiện tại Skynet vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và có thể sẽ kết hợp nhiều chức năng tiên tiến như nhận diện bằng tia hồng ngoại, nhận diện qua thuật toán tính quá trình lão hóa…. nâng cao hiệu quả giám sát của bộ công an trong vấn đề trị an, trật tự xã hội.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Zing