Thị trường internet của Việt Nam năng động nhất thế giới
- Ngoc Huynh
“Việt Nam là nước có thị trường Internet năng động nhất thế giới, thị trường duy nhất có số người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 52% tổng dân số”, Rajan Anandan, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ đã khẳng định như vậy tại buổi nói chuyện trong khuôn khổ Ngày Công nghệ FPT 2016.
Theo Google, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tăng gấp đôi dân số trong tầng lớp trung lưu. Đây là xu hướng chung khi dòng tiền thế giới đang chảy dần về phương Đông. Năm ngoái, lần đầu tiên châu Á có nhiều tỷ phú hơn nước Mỹ, đây sẽ là động lực biến châu Á thành trung tâm Internet thế giới.
Theo đại diện của Google, Việt Nam cũng đang là nước thu hút nhiều chi phí đầu tư, tỷ lệ công ty startup nhận quỹ đầu tư trong năm 2015 là 67%, tăng vọt so với con số 28% của năm 2014, dẫn số liệu từ Viện Topica Founder.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mang nhiều đặc tính của một thị trường hướng tới tương lai. Theo ông Rajan, trong vòng 10 năm tới, 100% trong số 2 tỷ người dùng mới của Internet đều sẽ tiếp cận thông qua điện thoại di động hoặc thiết bị tương tự.
Hiện tại, 78% người dùng Internet ở Việt Nam lên mạng mỗi ngày, 55% trong số đó online bằng điện thoại thông minh.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng có lợi thế rất lớn về phương thức kết nối, Rajan so sánh, giá cước Internet (cả Wi-Fi lẫn 3G) tại Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất thế giới, và ông ấn tượng nhất với tỷ lệ phủ sóng Wi-Fi.
“Một điều khiến tôi bất ngờ tại Việt Nam là bạn có thể bắt sóng Wi-Fi gần như ở mọi nơi, mỗi quán xá tôi tới đều có Wi-Fi cho khách hàng. Đó là điều thật tuyệt vời”.
Người dùng Việt Nam sử dụng Internet rất nhiều vào mục đích giải trí, theo thống kê của Google, so sánh trong khu vực châu Á, người Việt có thời gian xem dài nhất trên mỗi video.
60% người dùng Việt xem video hằng ngày, phần lớn phục vụ giải trí. Nhưng Google cũng xác định, trên 50% người dùng xem video vì muốn tìm hiểu, học tập một điều mới.
Ông Rajan cho rằng, đây sẽ là lợi thế của thế hệ công dân Internet tương lai, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra những điều kỳ diệu từ xu hướng này.
“Startup ngày càng tốn ít chi phí hơn, khi tôi tốt nghiệp đại học vào những năm 1990, bạn có thể cần đến 5 triệu USD và một đội ngũ nhất định để tạo ra một công ty toàn cầu. Hiện tại, với khả năng lan truyền của Internet, bạn chỉ cần 1 người, 1 máy tính kết nối Internet,” ông nói.
Theo đại diện của Google, Flappy Bird là một ví dụ, “một chàng trai với vài dòng code và bùm, bạn có một sản phẩm mang giá trị toàn cầu”.
“Điều quan trọng là sự đầu tư cho tương lai, Google không mang tầm cỡ quốc tế chỉ sau 1 ngày, điều quan trọng là sự đầu tư và kiên nhẫn”, Rajan nhắn nhủ đến cộng đồng startup Việt Nam trong phần cuối bài phát biểu.
Nguồn bài viết : http://english.vietnamnet.vn/