Tại sao nhà tuyển dụng không chọn bạn ?

Tram Ho

Trong khoảng thời gian một năm làm Project Manager ở FPT Information System, mình may mắn có cơ hội được tham gia vào quá trình tuyển dụng nhân sự cho team, trong đó chủ yếu là tuyển các bạn developers. Đứng dưới góc độ của một người tuyển dụng, mình muốn chia sẻ với các bạn một số ý kiến và suy nghĩ của cá nhân mình khi đưa ra quyết định tuyển chọn một thành viên mới cho team.

Những sai lầm các bạn thường mắc phải trong quá trình tuyển dụng

1. CV quá dài dòng và chung chung

Mình thấy đây là một lỗi mà nhiều bạn thường mắc phải. Bạn nên xác định rõ mục tiêu chính của CV là thể hiện một cách ngắn gọn với các nhà tuyển dụng rằng bạn có đủ kĩ năng, kinh nghiệm mà vị trí ứng tuyển đòi hỏi. Những thông tin mà bạn nên tập trung vào trong CV có thể là kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, các chứng chỉ đạt được và sơ lược về những dự án đã làm trong quá khứ. Bạn nên nhớ rằng ở bước này, các nhà tuyển dụng mới chỉ “scan” qua hàng loạt CV để xem ai là người “có thể phù hợp” với công việc này nhất.

Việc các bạn trình bày CV một cách ngắn gọn, mạch lạc và nhấn mạnh rằng bạn có đủ những kĩ năng được đề cập trong Job Description sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp khi bạn giúp công việc của nhà tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc chỉ trình bày một số thông tin nhất định có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy tò mò hơn về bạn và sẵn sàng sắp xếp lịch hẹn cho một buổi phỏng vấn.

Nên:

✅ Hãy sử dụng một địa chỉ email chuyên nghiệp và ghi rõ các thông tin liên lạc để nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn.

✅ Tập chung vào con số: nếu bạn viết blog hay làm vlog hãy show off số lượng view; nếu bạn làm opensource project; hãy show off lượng download; nếu bạn làm app cho doanh nghiệp, hãy show off số người dùng hay khoảng thời gian mà bạn tiết kiệm được cho công ty.

✅ Tập chung vào các “keywords”, do nhà tuyển dụng đôi khi sẽ chỉ scan xem bạn có cái mà họ cần hay không. Thay vì kĩ năng React được thể hiện “5 sao” trên CV, mình sẽ muốn nhìn thấy những keywords trong hệ sinh thái của React như “react hooks”, “redux”, “typescript”.

✅ Đính kèm đường dẫn tới dự án bạn đã làm, hoặc tài khoản Github. Cụm từ mình muốn bạn ghi nhớ ở đây là “SHOW, DON’T TELL”.

✅ Nếu thông tin về các dự án bạn đã tham gia quá dài, hoặc quá khó để có thể tóm gọn trong CV. Bạn có thể gửi kèm một file PDF mô tả chi tiết vị trí, vai trò, những đóng góp của bạn trong các dự án này. Trong trường hợp nhà tuyển dụng cảm thấy tò mò hoặc muốn tìm hiểu thêm, họ có thể xem trong file PDF.

Không nên:

❎ Địa chỉ nhà riêng, Instagram, Facebook

❎ Tôn giáo, tình trạng hôn nhân

❎ Các kĩ năng cơ bản như: MS Excel, MS Word; hoặc chung chung như: customer service, teamwork, work hard and fast under pressure

❎ Đừng đề cập đến việc bạn thích đọc sách hay yêu thích công nghệ nếu như bạn không thể trả lời về cuốn sách gần nhất bạn đọc hay hội thảo, video công nghệ gần nhất mà bạn xem

2. Viết email cụt lủn, không có subject, không có header và footer.

Cách đây 5 ngày, mình có phỏng vấn bạn A cho vị trí Fresher React Developer. Do bạn không thể cung cấp các project đã làm trong quá khứ, tuy nhiên kiến thức cơ bản về React bạn cũng nắm khá rõ nên mình quyết định đưa ra một code assignment cho bạn làm sau buổi phỏng vấn để hiểu rõ hơn về trình độ và cách viết code.

Mình gửi email cho bạn về đề bài, các yêu cầu mình đặt ra cũng như thời hạn nộp bài. Có hai điều đáng nhẽ bạn A có thể làm tốt hơn:

1️⃣ Gửi lại email xác nhận rằng bạn đã nhận được email của mình.

2️⃣ Thay thế toàn bộ nội dung email này: “Xin chào anh em là Minh, em xin gửi link github bài kiểm tra của em ạ. https://github.com/*“, bằng:

Dear anh,

Em gửi lại anh kết quả của code assignment theo như yêu cầu được đề cập trong email trước. Anh có thể truy cập vào sourcecode của bài tập thông qua Github.

Nếu có thắc mắc hay yêu cầu liên quan tới phần code assignment, anh vui lòng phản hồi lại email này. Em cảm ơn.

Best regards,

Tên ứng viên

3. Các bạn chẳng biết gì về công ty mà các bạn đang ứng tuyển vào

Thật ra thì đã 2020 rồi các bạn, nếu các bạn thực sự muốn được làm việc những công ty, môi trường chuyên nghiệp thì các bạn cũng phải thể hiện mình là một con người chuyên nghiệp. Nếu các bạn muốn công ty dành thời gian tìm hiểu về bạn, thì các bạn cũng nên chủ động dành thời gian tìm hiểu trước về công ty.

Mình luôn kì vọng rằng bất kì ứng viên nào khi ứng tuyển vào trong team của mình đều có những kiến thức cơ bản như:

  1. Lĩnh vực làm việc của công ty
  2. Sản phẩm chính của công ty
  3. Bạn hiểu sản phẩm đó như thế nào

Sẽ có hai cách để nhà tuyển dụng làm rõ vấn đề này: họ có thể yêu cầu bạn gửi kèm cover letter hoặc trực tiếp hỏi bạn trong quá trình phỏng vấn. Nếu bạn thực sự không biết công ty làm về lĩnh vực hay sản phẩm gì, dưới vai trò một nhà tuyển dụng mình sẽ nghĩ trong đầu: “THEN WHY ARE YOU HERE?”

4. Thiếu chủ động

Điều này thường diễn ra trong buổi phỏng vấn, có thể một phần do tâm lí căng thẳng và lo lắng của các bạn ứng viên – thể hiện ở chỗ khi mình yêu cầu các bạn đặt câu hỏi ngược lại cho interviewer thì thường các bạn không có câu hỏi gì cả. Điều này có thể khiến interviewer cảm thấy rằng bạn không có sự chuẩn bị kĩ hoặc không thực sự quan tâm tới công việc này. Mình nghĩ có hai việc cần làm để giải quyết vấn đề này:

1️⃣ Các bạn nên hiểu rằng công ty cần bạn và bạn cần công ty. Đây là một mối quan hệ win-win có lợi cho cả hai. Khi bạn nhận được công việc không có nghĩa là công ty đang ban ơn cho các bạn. Vì vậy, đừng nghĩ rằng bạn đang ở “cửa dưới” và “begging for the job”. Tin mình đi, các công ty “thèm khát nhân viên” hơn bạn nghĩ đấy. Vì vậy, hãy tự tin, hiểu rằng bạn ở đây để đàm phán cho một công việc mới và điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên.

2️⃣ Không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống cũng vậy, người ta đặt câu hỏi khi họ quan tâm tới một vấn đề gì đó. Trường hợp đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng không nằm trong ngoại lệ, việc bạn đặt đúng câu hỏi sẽ thể hiện rằng bạn có sự chuẩn bị kĩ càng, và bạn đang thực sự quan tâm tới cơ hội này. Có rất nhiều các câu hỏi các bạn có thể đặt cho nhà tuyển dụng:

  • Team hiện tại đang chia ra các vị trí như thế nào? Độ lớn của team?
  • Công ty có các chính sách đào tạo và hỗ trợ nhân viên thi các chứng chỉ quốc tế không?
  • Thời gian làm việc? Công ty có cho phép nhân viên work from home hay không ?
  • Bao giờ thì có kết quả cho buổi phỏng vấn này? Quy trình tuyển dụng tiếp theo sẽ là gì?
  • ….

Việc các bạn thể hiện sự cởi mở, chủ động, tự tin trong buổi phỏng vấn sẽ có giá trị hơn bất cứ kĩ năng mềm nào mà bạn ghi trong CV. Bất cứ đội nhóm nào cũng muốn có những con người như vậy ở trong team của họ.

5. Không biết mức lương mong muốn của mình là bao nhiêu

Đi xin việc cũng như bạn đang đi “bán thân” vậy. Bạn dành thời gian để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và phát triển bản thân cũng như dành thời gian làm những công việc mà công ty yêu cầu, bù lại bạn sẽ nhận được một khoản tiền lương tương ứng với khoảng thời gian đã bỏ ra. Vậy câu hỏi đặt ra là, bạn “bán thân” với giá bao nhiêu?

Việc này tuy có vẻ nghiễm nhiên, nhưng trong khi phỏng vấn nhiều bạn có tâm lý “ngại” khi nhắc tới chuyện tiền nong. Lời khuyên của mình là các bạn hãy nghiên cứu trước mức lương trung bình mà các công ty khác đang trả cho vị trí này. Điều này sẽ giúp bạn có một lợi thế đáng kể khi deal lương, tránh để xảy ra trường hợp sau khi được nhận rồi thì các bạn lại cảm thấy “áy náy” và không hài lòng với mức lương của mình.

Khi hỏi ứng viên về mức lương mà họ kì vọng, câu trả lời quá khiêm tốn sẽ làm mình cảm thấy ứng viên không đủ tự tin vào khả năng của họ. Ngược lại, một mức lương quá cao ra ngoài mức trung bình ngành sẽ làm mình suy nghĩ và có thể đưa ra nhiều yêu cầu cao hơn so với dự định ban đầu. Vì vậy, để cuộc phỏng vấn thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho cả hai bên, hãy biết rõ về “giá của bạn” trước khi đi “bán thân” các bạn nhé.

Dưới đây là một số bài viết, nghiên cứu về mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam để các bạn có thể tham khảo:

Kết luận

Mùa tốt nghiệp đã tới và đây là lúc các bạn fresher bắt đầu công cuộc đi tìm kiếm việc làm. Mình hi vọng một chút chia sẻ từ insider sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về quá trình tuyển dụng, giúp các bạn trở nên chuyên nghiệp hơn và sớm tìm được việc làm mong muốn.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Viblo