Sự bùng nổ công nghệ ở Việt Nam: Cái nhìn cận cảnh về thung lũng Silicon của Đông Nam Á

Ngoc Huynh

Sự đâm chồi về văn hóa start-up (khởi nghiệp), đầu tư quốc tế, và lực lượng lao động trẻ, có chuyên môn sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ ở Việt Nam.

Hơn 40 năm kể từ khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, khu công nghệ cao Đà Nẵng (Da Nang Hi-Tech Park) của Việt Nam đã có nhiều hoạt động sôi nổi. Khu công nghệ cao là một phần trong kế hoạch tổng thể phát triển ngành CNTT đến năm 2020 của Việt Nam, với sự gia tăng số lượng và chất lượng của các công ty quốc tế về phần mềm, sản xuất phần cứng vào Đà Nẵng, làm cho nơi đây trở thành trung tâm của sự bùng nổ công nghệ.

Việt Nam ngày nay – với dân số hơn 93.5 triệu người và độ tuổi trung bình hơn 30 tuổi – trong đó số lượng lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân trẻ, sinh viên ngày càng gia tăng, sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ của đất nước. Đối với họ, cuộc chiến tranh tàn phá đất nước trong quá khứ là một bài học lịch sử, chứ không phải là một ký ức.

Cách đây 15 năm khó có thể tìm thấy được một công ty CNTT tại Việt Nam, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT sản xuất và phát triển phần cứng, phần mềm và kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam xem lĩnh vực công nghệ như là trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, CEO của khu công nghệ phần mềm Quang Trung (QTSC) – một công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam cho biết. Việt Nam đã đầu tư nhiều vào việc xây dựng co sở hạ tầng và thông qua các chính sách kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Từ thủ đô Hà Nội, cho đến thành phố biển Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh (trước đây còn gọi là Sài Gòn), hàng năm có hàng trăm kỹ sư phần mềm và CNTT được đào tạo kỹ lưỡng tốt nghiệp. Nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường đã được tuyển dụng ngay vào các công ty lớn như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony và Toshiba. Và ngày càng có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp tìm kiếm các quỹ đầu tư mạo hiểm để thành lập công ty riêng (các startup).

Ông Hùng Q. Nguyễn, CEO, Chủ tịch, và nhà đồng sáng lập công ty kiểm thử phần mềm LogiGear cho biết các chuyên viên IT trẻ này đại diện cho thế hệ đầu tiên của tầng lớp trung lưu của Việt Nam. “Các bạn trẻ Việt Nam có sự khao khát và niềm đam mê,” ông Nguyễn nói. “Thị trường này ngày càng hấp dẫn và hiện tại thế hệ này có đủ tiền để mua nhà hay căn hộ. Đây là một sự thay đổi khá to lớn ở Việt Nam.”

Ông Hùng lớn lên tại Việt Nam nhưng đã có thời gian sang Mỹ du học. Ông từng sống tại Thung lũng Silicon và sau đó trở thành người đồng sáng lập của LogiGear vào năm 1994. Vào giữa những năm 2000, khi tìm kiếm một nguồn gia công (outsource) ở nước ngoài, ông Hùng đã quyết định quay về quê nhà. LogiGear mở các trung tâm nghiên cứu và cơ sở thiết kế tại thành phố Hồ Chí Minh (Tp HCM). Hơn một thập kỷ sau, công ty này đã có hơn 500 nhân viên tại Tp HCM và tiếp tục mở rộng hoạt động ra Đà Nẵng trong năm 2014.

Cùng với rất nhiều người châu Âu khác trở về Việt Nam, ông Hùng đã trở thành đại sứ thương mại của quốc gia. Phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì những tư tưởng truyền thống cho rằng Việt Nam chỉ là một công xưởng gia công cho nước ngoài, LogiGear là một trong những công ty đầu tiên cử nhân viên tham gia các chương trình đào tạo, mời giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học và hợp tác với nhiều công ty khác để xây dựng Tổ chức gia công CNTT Việt Nam (Vietnam IT Outsourcing Organization VNITO), một cộng đồng nhằm định hình khái niệm về Việt Nam với tư cách là một nguồn lao động gia công mạnh cho toàn bộ ngành CNTT.

Ở Việt Nam, CNTT là một thuật ngữ bao trùm nói về các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến công nghệ Internet và điện toán, bao gồm phần mềm, phần cứng, công ty, mạng, và viễn thông.

Đặc biệt đối với Đà Nẵng, ông Nguyễn đã nhận thấy một nền tảng hiện đại và nguồn kỹ sư có năng lực dồi dào đang chờ đợi cơ hội. Ông Nguyễn cho biết: “Tất cả những yếu tố cải tiến, những người đi đầu và những công nghệ làm thay đổi thế giới, không có điểm nào giống với Thung lũng Silicon. Quốc gia này rất sôi động, có cái nhìn hướng về phía trước. Lực lượng lao động dù chưa biết làm kinh doanh theo cách của phương Tây nhưng từ phương diện công nghệ, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng”.

Đà Nẵng: Trung tâm của cuộc bùng nổ công nghệ

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ Tư của Việt Nam, một địa danh du lịch nổi tiếng với các khu resort và cầu Rồng thổi ra lửa hơn là lĩnh vực công nghệ. Tuy vậy, sau khi được chính phủ đầu tư 60 triệu USD để xây dựng sân bay và 93 triệu USD cho hệ thống đường cao tốc (theo Bloomberg), cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng đã trở nên phù hợp cho sự phát triển kinh tế trên diện rộng hơn so với một Hà Nội cổ kính, và một Tp HCM chật chội.

IBM cũng đồng tình với điều này. Vào năm 2012, Đà Nẵng đã được IBM công nhận là một trong 33 thành phố năng động nhất trên thế giới và được công ty này trao tặng 50 triệu USD theo chương trình hỗ trợ cải tạo cơ sở hạ tầng trong thời gian 3 năm. Các cải cách đã được thực hiện trong năm 2013, chú trọng vào tối ưu hóa chất lượng nước và hệ thống giao thông công cộng thông qua những phân tích dự đoán và quy trình Big Data thời gian thực. Theo ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM tại Việt Nam: “Đà Nẵng là một thành phố phát triển nhanh và được quy hoạch tốt. Tôi cho rằng điều này đã giúp thành phố có được một ví thế hoàn hảo để trải nghiệm những sáng kiến phát triển kinh tế mới”.

IBM đã mở văn phòng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh kể từ năm 1994 và công ty đã tiếp tục mở văn phòng ở Đà Nẵng vào năm 2012. 60% khách hàng của IBM là các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam. Ngoài ra IBM cũng đã hướng dẫn các công ty đẩy mạnh phát triển điện toán đám mây. Theo ông Toon, Đà Nẵng là thành phố phù hợp nhất cho việc mở rộng CNTT quốc tế bởi Hà Nội là nơi phù hợp cho các công ty nhà nước còn Tp HCM thì lại phát triển theo hơi hướng thương mại và là nơi các công ty vừa và nhỏ chiếm ưu thế nhiều hơn.

Ngoài các sáng kiến về cơ sở hạ tầng, IBM cũng đặt cược vào Đà Nẵng và vào tương lai của Việt Nam khi hướng sự quan tâm vào hệ thống giáo dục quốc gia. Cùng với LogiGear và hàng loạt các công ty khác hoạt động tại Đà Nẵng, Hà Nội và Tp HCM, IBM cũng tổ chức nhiều buổi đào tạo nghề, chương trình thực tập dưới danh nghĩa các chương trình hợp tác với các trường đại học CNTT.

Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống các trường đại học của Việt Nam. Ba trường đại học công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng là ba trung tâm đào tạo lực lượng lao động chính cho các khu công nghệ cao, với hàng trăm sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp ra trường mỗi năm. “Chúng tôi đào tạo hầu hết các kỹ sư CNTT cho miền Trung Việt Nam,” tiến sỹ Bình Nguyễn, trưởng khoa CNTT thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết, “Năm ngoái trường chúng tôi có 250 sinh viên tốt nghiệp và hiện tại chúng tôi có 30 sinh viên có bằng tiến sỹ. Hầu hết các sinh viên đều chọn ngành kỹ sư phần mềm. Tất cả các sinh viên đều có quá trình thực tập từ 2-5 tháng ở các công ty, và năm ngoái có 50% sinh viên thực tập đã được các công ty nhận vào làm.”

Tiến sỹ Nguyễn cho biết chương trình giảng dạy của nhà trường luôn chú trọng về lập trình, các bài giảng về các công nghệ hiện đại, và kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh, tiếng Nhật nhằm giúp mang đến một hành trang tốt nhất cho các sinh viên. Hằng năm, trường mời khoảng 10 công ty về trường để thuyết giảng, phỏng vấn và tuyển dụng.

Các trường đại học của Việt Nam luôn có tính cạnh tranh. Khoa CNTT thuộc Trường Đại học Khoa Học Và Công Nghệ Đà Nẵng chỉ tuyển 250 sinh viên mỗi năm – trong số 2,000 hồ sơ dự thi – kết quả thi tuyển được dựa trên kết quả của cuộc thi Đại Học hàng năm. Tiến sỹ Nguyễn cho biết các sinh viên của ông đều xuất phát từ các gia đình nghèo ở miền Trung, nhưng luôn có tinh thần hiếu học. Lực lượng lao động ngành CNTT đang có nhu cầu cao. Ông Nguyễn cho biết “Một số sinh viên đã làm việc cho các công ty lớn. Một số thì mở công ty riêng với khoảng 10-20 nhân viên. Chúng tôi muốn các em phát triển các kỹ năng phù hợp. Vấn đề ở Việt Nam là tất cả mọi người đều muốn bước chân vào đại học.”

Tuy nhiên, một khi những kỹ sư tốt nghiệp đã bước ra thế giới việc làm, việc mở một công ty riêng là cực kỳ đơn giản. Theo những gì ông Hùng của công ty LogiGear mô tả, doanh nghiệp mới thành lập tại Việt Nam được miễn thuế trong vòng 8 năm. Việt Nam cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty.

Tiến sỹ Nguyễn cũng từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp khoa CNTT trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng năm 1997, ông Bình từng học tiến sỹ tại Pháp và trở về Việt Nam để giảng dạy. Hiện nay ông đang giữ vị trí trưởng khoa. Tiến sỹ Nguyễn cho biết: “Tôi trở về vì gia đình của tôi sinh sống tại đây. Với tôi, Đà Nẵng là một thành phố xinh đẹp. Đà Nẵng là một thành phố mới. Thủ đô của miền trung. Nó không đông đúc và ô nhiễm như Hà Nội và Tp HCM, nơi đây còn có những bãi biển đẹp. Điều quan trọng hơn là ở đây mọi người có thể tìm được việc làm”.

Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm công nghệ ở miền Nam

Lĩnh vực công nghệ của Đà Nẵng đang ngày càng phát triển, thì không khí khởi nghiệp ở tp Hồ Chí Minh cũng không kém phần mạnh mẽ. Văn hóa và cộng đồng nơi đây được hình thành từ năm 2010 khi các cuộc thi hackathon (cuộc thi lập trình nhanh) và các trại startup được tổ chức, ông Dương Nguyễn Vũ, giám đốc đầu tiên của Viện John Von Neumann (JVN) thuộc khuôn viên Đại học Tổng hợp, Tp HCM cho biết.

Hiện tại, văn hóa start-up của tp Hồ Chí Minh tập trung vào thị trường trong nước và các ứng dụng thu hút người dùng Việt Nam để giúp chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Các lập trình viên ứng dụng trẻ và các doanh nghiệp của Việt Nam luôn có mong muốn giúp đất nước của mình nhận thấy được tiềm năng văn hóa, kinh tế, và công nghệ.

“Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trung tâm đầu tư và công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương và quốc tế, và TP Hồ Chí Minh là trung tâm của sự biến đổi này,” Jeff Diana, Giám đốc nhân sự (CPO) tại công ty phần mềm doanh nghiệp Atlassian nói. “Ngành công nghiệp vẫn còn khá non trẻ ở đây, nhưng chúng tôi đang bắt đầu thấy sự trưởng thành của thị trường từ phần mềm đóng gói và gia công phần mềm cho một môi trường sản phẩm. Điều này dẫn đến sự gia tăng vào các start-up chú trọng vào thương mại điện tử và phát triển sản phẩm.”

Atlassian mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) cho các phần mềm liên lạc và hợp tác của hãng vào Việt Nam trong năm 2013, bà Diana cho biết điều này đã được thúc đẩy bởi sự biến đổi cấu trúc giáo dục của đất nước đó là đào tạo các lập trình viên có năng lực và tài năng. Trung tâm phát triển Atlassian tại TP.HCM đã bắt đầu với một đội ngũ tập trung xây dựng các tính năng cho Confluence, nền tảng hợp tác nội dung đội ngũ của công ty. Nhưng, trong hai năm qua, công ty đã chú trọng vào Jira Service Desk và phần mềm quản lý sự cố Jira Atlassian.

Công ty đã đầu tư vào một chiến dịch tuyển dụng có tên là chương trình “Gradlassian HackHouse” nhằm vào các trường đại học địa phương, cộng với một trại huấn luyện và phát triển đào tạo hai tuần cho tất cả các nhân viên mới. Trang Tuyển dụng của Atlassian Việt Nam luôn cập nhật các vị trí đang tuyển dụng như phát triển Android/iOS, thiết kế UI/UX, .NET, Java, phát triển front-end, quản lý sản phẩm, và nhiều hơn nữa.

Sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế trong vòng 5 năm trở lại đây đã được thể hiện rõ nhất vào sự kiện gia công phần mềm CNTT Việt Nam (VNITO) vào tháng 10 do công ty Quang Trung Software City và Hiệp hội máy tính Hồ Chí Minh tổ chức. VNITO là cơ hội để ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam thể hiện mình với bạn bè thế giới.

Từ ngày 14-17/10, hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia, hơn 200 công ty IT Việt Nam và các công ty gia công phần mềm, và 20 trường đại học dự kiến sẽ tham gia hội nghị tại khách sạn Reverie Saigon tại TP.HCM. Bài phát biểu sẽ bao gồm các diễn giả từ Gartner, KPMG, HP, LogiGear, Microsoft, Samsung, và nhiều bộ trưởng của chính phủ Việt Nam. “Tôi tin rằng, thông qua VNITO, bạn bè và các đối tác quốc tế sẽ công nhận Việt Nam là một điểm đến mới nổi và hấp dẫn cho các công ty IT trên toàn thế giới,” ông Long – nhà tổ chức chính của VNITO nói.

VNITO còn chỉ ra hằng năm có 40.000 sinh viên tốt nghiệp mới bước vào lực lượng lao động CNTT và hệ sinh thái doanh nghiệp vừa chớm nở. Ông Long dự đoán, năm 2015 “là năm làn sóng start-up tại Việt Nam bắt đầu tăng.”

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://www.pcmag.com/