Sạc chỉ 1 giờ nhưng xếp hàng mất 4 tiếng, đây là lý do vì sao xe điện vẫn khó đi đường dài

Tram Ho

Trung Quốc hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất và lớn nhất về xe điện trên toàn thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các loại phương tiện năng lượng mới cũng được quốc gia này đầu tư phát triển đồng bộ và rộng khắp các khu vực.

Tuy nhiên, trong đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua ở nước này, rất nhiều các chủ xe điện đã phải trải nghiệm cảm giác “tụt hậu” và vất vả bởi nhược điểm cố hữu của loại phương tiện này khi di chuyển trên quãng đường dài. Đó chính là sự ám ảnh về việc sạc pin.

Vào ngày bắt đầu kỳ nghỉ lễ 1/10, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, nhiều chủ xe điện đi từ Thâm Quyến đến Hồ Nam, trong quá trình sạc pin ở trạm nghỉ Leiyang trên đường cao tốc, đã tốn tới 5 tiếng đồng hồ. Trong đó, 1 tiếng để sạc và 4 tiếng chỉ để xếp hàng. Toàn bộ hành trình ban đầu dự kiến chỉ hơn 8 tiếng, cuối cùng đã biến thành… 16 tiếng.

Sạc chỉ 1 giờ nhưng xếp hàng mất 4 tiếng, đây là lý do vì sao xe điện vẫn khó đi đường dài - Ảnh 1.

Xe điện chen nhau sạc pin tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc ở Trung Quốc.

Thậm chí tại nhiều nơi, do quá đông phương tiện, nhiều chủ xe điện đã giành giật tranh cướp nhau các cọc sạc cho riêng mình. Một chủ xe điện tại trạm Leiyang cho biết, trong suốt thời gian chờ 4 tiếng, người này thậm chí không dám đi vệ sinh vì sợ bị chen hàng.

“Lúc đó có hơn 20 chiếc xe đang xếp hàng, nhưng tôi không quan tâm, vì tôi đã xếp hàng đợi ít nhất ba tiếng đồng hồ. Nhiều chủ xe đến sau mới thấy cũng đã nản lòng quay xe đi”, người này cho biết.

Một chủ xe điện khác khác cho biết người đi cùng mình không chờ được lâu nên đã lên nhờ xe một người bạn để về nhà. Và khi người này đã về tới nhà, anh vẫn còn đang xếp hàng để chờ tới lượt vào sạc điện.

Sự việc này đã gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.

“Bạn có thể đi làm trong các khu đô thị bằng mấy cái xe điện đồ chơi đó, nhưng không nên sử dụng chúng để đi lại cho quãng đường dài”.

“Đây mới chỉ là một vài chiếc xe. Nếu tất cả mọi người đều lái xe điện, toàn bộ hành trình trên cao tốc sẽ vô cùng ám ảnh. Tất cả sẽ xếp hàng dài để sạc điện”.

“Nên sử dụng máy phát điện quay tay, vừa tập thể dục vừa tiết kiệm tiền”

Sạc chỉ 1 giờ nhưng xếp hàng mất 4 tiếng, đây là lý do vì sao xe điện vẫn khó đi đường dài - Ảnh 2.

Xe chen chúc nhau tại một trạm nghỉ trên cao tốc ở Trung Quốc trong dịp lễ vừa qua.

 Vấn đề nằm ở chỗ các cọc sạc tại khu vực nghỉ trên cao tốc vốn đã khó tìm, mà khi tìm được thì lại có quá đông phương tiện chờ sử dụng.

Trên thực tế, tính trên số liệu thống kê thì tính đến cuối tháng 9 năm nay, số lượng phương tiện năng lượng mới của Trung Quốc vào khoảng 6,78 triệu chiếc, chỉ gấp 1,7 lần so với năm 2020. Cùng với sự gia tăng của loại phương tiện này, số cọc sạc cũng tăng lên nhanh chóng. Hiện tại, số lượng cọc sạc của Trung Quốc vào khoảng 2,1 triệu chiếc, tăng 52,3% so với 2020. Tỷ lệ xe trên số cọc là 3:1.

Nghe có vẻ tương xứng, nhưng vấn đề là khi người dùng cần lái xe đường dài qua các tỉnh và thành phố, số lượng cọc sạc tại các khu vực nhất định trên cao tốc là không đủ. Bởi rủi ro không chỉ là việc xếp hàng khi sạc mà còn là không tìm thấy cọc sạc trên đường, cuối cùng dẫn đến tình trạng hết điện và không thể lái xe. Đây cũng là lý do dù rất phổ biến, xe điện vẫn không phải là phương tiện được nhiều người lựa chọn để di chuyển đường dài.

Theo thống kê trong dịp nghỉ lễ vừa qua, công suất sạc hàng ngày trên các tuyến đường cao tốc của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, gần gấp 4 lần ngày thường. Và ở một mức độ nào đó, kiểu tính tiền của các cọc cạch cho những chuyến đi đường dài cũng tương tự như vé tàu vào các dịp cao điểm. Chúng sẽ có giá cao hơn bình thường.

Sạc chỉ 1 giờ nhưng xếp hàng mất 4 tiếng, đây là lý do vì sao xe điện vẫn khó đi đường dài - Ảnh 3.

Các chủ xe điện xếp hàng tranh nhau cọc sạc trên cao tốc ở Trung Quốc.

Mọi chuyện tưởng chừng có thể giải quyết bằng việc xây dựng thêm nhiều cọc sạc cho xe điện tại các khu vực dừng nghỉ. Nhưng không, không thể thiết kế công suất tiếp nhận của bất kỳ ngành dịch vụ nào dựa trên lượng khách trong thời kỳ cao điểm. Bởi để đáp ứng được nhu cầu cao điểm thì hoạt động trung bình hàng năm, bao gồm cả phí bảo trì và sửa chữa, chắc chắn sẽ gây ra thua lỗ. Giống như các ngành dịch vụ khác, cọc sạc xe điện không thể được xây dựng nhiều chỉ để đáp ứng nhu cầu ở thời điểm cao nhất.

Kể cả các trạm xăng, tình trạng xếp hàng tắc nghẽn cũng xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đổ xăng cho một chiếc xe chỉ mất vài phút, nên tình trạng ùn tắc tại cây xăng thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Còn với xe điện, chúng cần ít nhất 1-1,5 tiếng đồng hồ tại trạm để sạc pin. Vấn đề của xe điện và cọc sạc gần như chỉ có thể xử lý bằng công nghệ, khi các loại pin mới hoặc công nghệ sạc nhanh hơn ra đời.

Một số người dùng cũng đề xuất giải quyết bằng cách thay pin rời, nhưng giải pháp này cũng vấp phải nhiều khó khăn. Đầu tiên là thuyết phục tất cả các nhà sản xuất xe điện tuân theo một vài thông số kỹ thuật thống nhất cho pin, như hình dạng kích thước cho đầu nối, giống như tiêu chuẩn cắm sạc của smartphone. Thứ hai, bản thân những viên pin thay ra tại các trạm cũng cần được sạc nhanh chóng, nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu của chiếc xe tiếp theo, trong khi các trạm không thể dự phòng quá nhiều nhiều pin sạc. Ngoài ra, còn liên quan tới vấn đề lưới điện để tránh trường hợp quá tải.

Sạc chỉ 1 giờ nhưng xếp hàng mất 4 tiếng, đây là lý do vì sao xe điện vẫn khó đi đường dài - Ảnh 4.

Có thể nói, cho tới thời điểm hiện tại, rủi ro không thể kiểm soát của việc chạy xe điện cho những quãng đường dài vẫn là quá lớn, nhất là qua các khu vực thường xuyên bị kẹt xe. Với xe điện, khi lượng năng lượng xuống thấp, nhiều chủ xe thậm chí còn không dám bật điều hòa và sử dụng các phương tiện giải trí trên xe. Trong dịp nghỉ lễ ở Trung Quốc vừa qua, tại các khu vực kẹt xe kéo dài, cảnh nhiều gia đình đi xe điện phải xuống ngồi bên lề đường hóng mát đã trở nên vô cùng phổ biến và trở thành câu chuyện châm chọc của nhiều người đi xe dùng nhiên liệu truyền thống.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, ở một mức độ nào đó, tình trạng xếp hàng chen chúc chờ sạc xe điện ở các khu vực trạm nghỉ tại Trung Quốc sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhưng nhìn theo cách lạc quan, thì dưới tiền đề phát triển bùng nổ của các phương tiện năng lượng mới, vẫn còn nhiều không gian để tiếp tục cải tiến và phát triển công nghệ sạc cho tương lai.

Tham khảo NetEase

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk