Những tên tuổi gốc Việt nổi danh trong làng eSports thế giới

Tram Ho

Cả Minh Lê, Khang Lê hay Andy Dinh đều quyết tâm đi theo niềm đam mê của mình và đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ.

Dù chịu nhiều thành kiến tại Việt Nam, eSports đã phát triển trên thế giới trong khoảng thời gian nhất định. Dưới đây là những tên tuổi gốc Việt từ lâu đã nhẵn mặt trong làng game quốc tế.

Cha đẻ Counter-Strike Lê Minh

Lê Minh (hoặc Gooseman) sinh năm 1977, là nhà sản xuất trò chơi trên máy tính nổi tiếng người Canada gốc Việt. Rời quê hương theo cha mẹ khi mới chỉ 2 tuổi, Lê Minh nhanh chóng nhận ra niềm đam mê của mình với những tựa phim hành động.

“Khi còn nhỏ, tôi đã xem rất nhiều bộ phim hành động như “Heat”, “Rambo”, “Air Force One”. Tôi ôm giấc mộng làm nên những trò chơi hành động từ thuở ấy, đó phải là những tựa game nhanh, chân thực như phim hành động”, Lê Minh trả lời Zing.vn

Lê Minh làm quen với Jess Cliffe, cả hai bắt tay vào thiết kế bản MOD sửa đổi của Half Life là Counter-Strike. Phiên bản ra đời năm 1999 nhanh chóng nổi tiếng hơn cả bản gốc khi trình lành chế độ chơi mới cực kỳ lôi cuốn. Tựa game được Valve mua lại, tách hẳn Half Life, trải qua nhiều phiên bản và còn sức sống đến tận ngày nay.

Để tri ân Minh Le, nickname “Gooseman” của ông có mặt trong một số map Counter-Strike hiện nay. Ảnh: Pearl Abyss, Counter-Strike.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Lê Minh cũng có những nốt trầm. Thất bại lớn nhất của ông là từ 10 năm về trước, khi đặt niềm tin cho một người để làm “Tactical Intervention”. Dẫu vậy, người đàn ông này vẫn cho rằng bản thân may mắn hơn người khi tìm ra được niềm đam mê của mình và biến nó thành sự nghiệp.

Ở tuổi 42, Lê Minh ao ước nói được tiếng Việt. “Tôi muốn được về thăm quê một ngày không xa để trải nghiệm thêm những nét đẹp văn hóa Việt Nam. Tôi hạnh phúc vì khiến người dân Việt tự hào”, ông nói.

Website nổi tiếng IGN xếp hạng Jess Cliffe và Lê Minh vị trí thứ 14 trong danh sách “Top 100 nhà sáng tạo game mọi thời đại”.

Họa sĩ Khang Lê

Hawken – tựa game miễn phí một thời đình đám trên thế giới – có sự đóng góp rất lớn của một cái tên gốc Việt là Khang Lê. Được phát triển bởi Adhesive Games, Hawken lấy bối cảnh một hành tinh thuộc địa của con người bị công nghiệp hóa quá đà dẫn đến sụp đổ. Việc truy lùng các nguồn tài nguyên ở đây đã trở thành cuộc chiến sinh tồn.

Người chơi sẽ điều khiển một cỗ máy 2 chân trang bị nhiều loại đạn pháo lẫn tên lửa. Không giống nhiều game bắn súng góc nhìn thứ nhất khi ấy, lượng đạn người chơi có thể dùng là không giới hạn. Tuy nhiên, nòng súng dễ bị nóng nếu bắn liên tục. Khi ấy, người chơi phải tìm nơi an toàn để hồi phục. Hawken có ba chế độ chơi chính: Team Deathmatch, Deathmatch, Co-op Bot Team Deathmatch.

Một số hình ảnh do họa sĩ Khang Lê thực hiện. Ảnh: Khang Le.

Ra mắt thế giới vào ngày 9/3/2011, Hawken chỉ được phát triển trong 9 tháng bởi 9 con người. Khang Lê khi ấy trong vài trò là đồng sáng lập Adhesive Games kiêm giám đốc nghệ thuật của Hawken.

Sinh ngày 2/6/1981 tại, Khang Lê cùng gia đình TP. HCM, chuyển đến sinh sống tại Los Angeles, Mỹ năm 10 tuổi. Tại đây, anh tìm thấy niềm đam mê yêu thích truyện tranh. Năm 2000, anh theo học trường Art Center College of Design ở California.

Từ đó đến nay, Khang Lê đã đóng góp hình ảnh cho rất nhiều dự án như Black Panther, Star Wars: The last Jedi, Pokémon detective pikachu, The dark tower…

CEO Team SoloMid Andy Dinh

Sinh ra trong gia đình 9 người thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ, cuộc sống của cậu “học sinh hạng C” Andy Dinh đã hoàn toàn thay đổi khi tìm ra niềm đam mê với Liên Minh Huyền Thoại.

Sinh năm 1992, Andy bắt đầu sự nghiệp game thủ với cái tên Reginard, song không được những đội chơi khi ấy thu nhận, Dinh ra mắt luôn đội tuyển riêng “All or Nothing” vào năm 2009.

Đầu 2011, Andy Dinh gia nhập TSM và trở thành đội trưởng. Suốt khoảng thời gian sau đó, TSM liên tục giành chiến thắng ở nhiều giải đấu lớn, cùng với đó là hàng nghìn USD tiền thưởng. Cuối năm 2013, Dinh giã từ sự nghiệp thi đấu để chuyển sang vai trò quản lý khi mới 21 tuổi.

Team SoloMid của Andy Dinh hiện được định giá khoảng 250 triệu USD, xếp thứ 3 thế giới. Ảnh: Forbes.

Tháng 7/2018, anh nhận được khoản đầu tư trị giá 37 triệu USD. Với số tiền này, Dinh lập tức tăng gấp đôi nhân viên lên con số 100, dùng 15 triệu USD để xây dựng cơ sở đào tạo rộng 25.000 mét vuông với trụ sở hoạt động ở Los Angeles.

Năm 2017, TSM đạt danh thu khoảng 21 triệu USD, trên mức cao của một công ty về eSports. Năm 2018, Forbes định giá TSM có giá trị khoảng 250 triệu USD, với thu nhập 25 triệu USD, xếp thứ 2 trong danh sách những công ty eSports lớn nhất thế giới. Ngoài ra, TSM cùng các vận động viên của mình có hơn 60 triệu người theo dõi trên nhiều mạng xã hội khác nhau.

Ở phương diện cá nhân, Andy Dinh kịp giành cho mình 80.000 USD tiền thưởng từ 46 giải đấu quốc tế, một trong 19 tuyển thủ từng đạt 3 danh hiệu vô địch thế giới. Trong vai trò huấn luyện, TSM của anh cũng giành đến 6 chức vô địch Liên Minh Huyền Thoại ở Bắc Mỹ, đứng đầu trong khu vực này. Andy Dinh cũng từng được Forbes vinh danh trong top 30 Under 30 ở mảng game.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Techtalk