Nhóm hacker bí ẩn ‘tập tành’ làm Robin Hood, tống tiền tập đoàn lớn để chia cho dân nghèo 540 triệu đồng

Tram Ho

Một nhóm tin tặc mũ đen có tên Darkside vừa gửi một khoản quyên góp trị giá gần 540 triệu đồng cho 2 tổ chức từ thiện. Đáng nói, khoản tiền dùng để từ thiện này được các tin tặc ‘tống tiền’ từ các doanh nghiệp lớn.

Trong bài đăng trên blog vào ngày 13 tháng 10, nhóm tin tặc có tên Darkside tuyên bố nhóm này chỉ nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp có lợi nhuận ‘khủng’. Cụ thể, nhóm tin tặc này thường tìm cách xâm nhập vào hệ thống IT của từng công ty, sau đó tiến hành mã hóa toàn bộ dữ liệu một mã độc tống tiền (Ransomware). Điều này có nghĩa, nếu muốn lấy lại dữ liệu, những công ty nói trên phải trả tiền chuộc (thường là tiền điện tử) cho nhóm tin tặc.

Nhóm hacker bí ẩn tập tành làm Robinhood, tống tiền tập đoàn lớn để chia cho dân nghèo 540 triệu đồng - Ảnh 1.

Hóa đơn được nhóm hacker Darkside đăng tải cho thấy nhóm này đã quyên góp số tiền điện tử trị giá 280 triệu đồng cho tổ chức từ thiện Children International

“Chúng tôi nghĩ rằng điều này khá công bằng, khi số tiền chuộc mà các công ty phải trả (cho chúng tôi) sẽ được dùng để làm từ thiện”.

“Mặc kệ bạn nghĩ hành động của chúng tôi xấu xa đến mức nào, bản thân chúng tôi cảm thấy rất vui khi biết được mình đã giúp thay đổi cuộc sống của một ai đó. Hôm nay, chúng tôi đã gửi những khoản tiền quyên góp đầu tiên”, nhóm hacker Darkside cho biết trên trang blog của mình.

Được biết, nhóm hacker mũ đen này đã quyên góp tiền điện tử (khoảng 1,76 Bitcoin, tương đương 23308 USD) cho hai tổ chức từ thiện The Water Project và Children International.

Với Children International, đây là tổ chức được thành lập với mục đích cứu trợ trẻ em tại Ấn Độ, Philippines, Colombia, Ecuador, Zambia, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Honduras, Mexico và Hoa Kỳ. Trong khi đó, The Water Project đạt mục tiêu cung cấp khả năng tiếp cận nước sạch cho toàn khu vực tiểu Sahara ở Châu Phi.

Trao đổi với BBC, người phát ngôn của tổ chức Children International đã từ chối khoản tiền quyên góp được gửi bởi tin tặc.

“Nếu khoản quyên góp có liên quan đến tin tặc, chúng tôi không có ý định giữ lại số tiền này”, đại diện của Children International cho biết. Về phía The Water Project, tổ chức từ thiện này đã từ chối đưa ra bình luận.

Lần đầu tiên một nhóm tin tặc góp tiền làm từ thiện

Ngay sau khi thông tin về vụ việc được phản ánh, nhiều chuyên gia bảo mật đã bày tỏ sự nghi ngờ về hành động gửi tiền làm từ thiện của nhóm tin tặc Darkside.

Mặc dù mới được thành lập không lâu, nhóm tin tặc Darkside là một cái tên ‘khét tiếng’ trong lĩnh vực ‘tống tiền’ doanh nghiệp bằng ransomware. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy nhóm Darkside đã hợp tác với các nhóm tội phạm mạng khác đứng sau cuộc tấn công vào Sàn giao dịch ngoại tệ lớn nhất thế giới Travelex vào tháng Giêng năm nay.

“Động cơ đằng sau hành động quyên góp từ thiện của những tên tội phạm này không hoàn toàn rõ ràng. Có lẽ việc này sẽ giúp xoa dịu tội lỗi của chúng? Hoặc có lẽ chúng muốn được coi là Robin Hood, hơn là những kẻ tống tiền vô lương tâm”, Brett Callow, chuyên gia bảo mật tại công ty an ninh mạng Emsisoft chia sẻ với BBC.

“Dù động cơ của chúng là gì, đây chắc chắn là một hành động rất bất thường. Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên một nhóm tin tặc chuyên sử dụng mã độc tống tiền quyên góp một phần lợi nhuận của chúng cho tổ chức từ thiện.”

Được biết, nhóm Darkside đã sử dụng một dịch vụ có tên The Giving Block, vốn cho phép cá nhân và tổ chức có thể quyên góp tiền điện tử cho 67 tổ chức phi lợi nhuận trên khắp thế giới.

Nhóm hacker bí ẩn tập tành làm Robinhood, tống tiền tập đoàn lớn để chia cho dân nghèo 540 triệu đồng - Ảnh 2.

Lần đầu tiên, một nhóm tin tặc chuyên sử dụng mã độc tống tiền quyên góp một phần lợi nhuận của chúng cho tổ chức từ thiện

Được thành lập vào năm 2018, The Giving Block cung cấp cho các ‘triệu phú’ tiền điện tử khả năng tận dụng “ưu đãi thuế khổng lồ để tặng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác trực tiếp cho các tổ chức phi lợi nhuận”.

Trao đổi với BBC, người điều hành The Giving Block khẳng định đơn vị này không hề hay biết việc nhóm tội phạm mạng Darkside đừng sau các khoản quyên góp được gửi đến The Water Project và Children International.

“Chúng tôi vẫn đang làm việc để xác định xem liệu những khoản tiền này có thực sự bị đánh cắp hay không. Nếu những khoản quyên góp này được thực hiện bằng tiền bị đánh cắp, tất nhiên chúng tôi sẽ tiến hành hoàn trả lại tiền cho chủ sở hữu hợp pháp”, đại diện The Giving Block cho biết.

Tuy nhiên, bản thân đơn vị này lại không nêu rõ cách thức tìm ra ‘chủ sở hữu hợp pháp’ của số tiền quyên góp nói trên.

Về cơ bản, hầu hết sàn mua và bán tiền kỹ thuật số như Bitcoin đều yêu cầu người dùng xác minh danh tính của mình trước khi tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, với riêng The Giving Block, các cá nhân và tổ chức hoàn toàn có thể quyên góp ẩn danh mà không xác minh danh tính, theo thử nghiệm của phóng viên BBC. Các cơ quan thực thi pháp luật lo ngại, việc quyên góp ẩn danh bằng tiền điện tử sẽ tạo ra kẽ hở để các đối tượng xấu tiến hành rửa tiền, theo BBC.

“Bằng cách cho phép các khoản quyên góp ẩn danh từ các nguồn có khả năng bất hợp pháp, nó mở ra nguy cơ rửa tiền”, Philip Gradwell, chuyên gia chuyên ‘truy tìm’ dấu vết tội phạm mạng qua tiền ảo cho biết.

Tham khảo BBC

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk