“Nhà máy” sản xuất tỷ phú của thế giới rung chuyển vì những chính sách mới của Bắc Kinh

Tram Ho

Tuy nhiên người đóng vai chính lần này không phải là vị tỷ phú Trung Quốc đã gần như không xuất hiện trước công chúng được khoảng 8 tháng. Đó là Mark Zuckerberg, xuất hiện trên tấm ván lướt sóng thủy lực, cầm lá cờ Mỹ trên tay và toát ra vẻ tự tin của người đàn ông đang nắm trong tay 130 tỷ USD.

Có 1 sự tương phản khắc nghiệt giữa hình ảnh ông trùm mạng xã hội trong video đăng lên Instagram hôm 4/7 và những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Chỉ vài giờ trước khi Mark đăng lên video, Bắc Kinh vừa ra lệnh cấm cửa ứng dụng gọi xe của Didi Chuxing trên các chợ ứng dụng. Đây là sóng gió mới nhất ập đến với nhóm doanh nhân từng được tôn thờ là những người sẽ thách thức các tỷ phú công nghệ Mỹ trên các bảng xếp hạng siêu giàu toàn cầu.

Nhà máy sản xuất tỷ phú của thế giới rung chuyển vì những chính sách mới của Bắc Kinh - Ảnh 1.

Đó là kiểu PR gây nhiều ồn ào mà có lẽ Jack Ma vẫn từng ao ước.

Dường như thời đại của họ đang chấm dứt một cách đột ngột.

Trong khi 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã có thêm tổng cộng 209 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index đã phải chứng kiến tổng tài sản sụt giảm 16 tỷ USD trong cùng kỳ. Cổ phiếu của những công ty “lá cờ đầu” đã giảm trung bình 13%, lần đầu tiên trong ít nhất 6 năm gần đây nhóm này bết bát bất chấp TTCK Trung Quốc đang tăng điểm.

Kể từ khi lên sàn NYSE hôm 30/6, cổ phiếu Didi đã giảm 14%, khiến tài sản của các nhà đồng sáng lập bốc hơi gần 800 triệu USD.

Nhà máy sản xuất tỷ phú của thế giới rung chuyển vì những chính sách mới của Bắc Kinh - Ảnh 2.

Hầu hết các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đều mất tiền từ đầu năm đến nay.

Ngọn nguồn câu chuyện bắt đầu từ chiến dịch trừng trị các ông lớn công nghệ của Bắc Kinh mà mới chỉ trở nên căng thẳng từ tháng 11 năm ngoái, khi Ant Group của Jack Ma buộc phải hủy bỏ vụ IPO khủng trên TTCK vào ngay phút chót. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang siết chặt quy định quản lý trên nhiều lĩnh vực quan trọng nhất, từ dịch vụ tài chính cho đến các nền tảng Intnernet và mạng lưới dữ liệu là nền móng của hầu hết các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế Trung Quốc hiện đại.

Trong động thái mới nhất, hôm qua giới chức Trung Quốc công bố dự luật mới yêu cầu phải thanh tra kỹ càng gần như tất cả các công ty nội địa về vấn đề an ninh mạng trước khi các công ty này niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.

Trung Quốc có nhiều động cơ đằng sau chiến dịch này. Đó là nỗi lo về hành vi phản cạnh tranh trong ngành công nghệ, những rủi ro đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính mà những nền tảng cho vay vốn không được kiểm soát chặt chẽ mang lại và cả mối lo các tập đoàn lớn thâu tóm hết các dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng lộ rõ tham vọng kiểm soát chặt hơn các ông trùm, mà không ít trong số đó đã có được tầm ảnh hưởng quá lớn lên nền kinh tế quy mô 14 nghìn tỷ USD. Như 1 quan chức chính phủ đã miêu tả, Bắc Kinh muốn ngăn các tỷ phú trở thành lực lượng hùng mạnh thâu tóm nền kinh tế và nhiều khía cạnh chính trị như các chaebol ở Hàn Quốc.

Ngoài ra còn là những lo ngại ngày càng lớn về tình trạng bất bình đẳng. Trong bài phát biểu quan trọng về các kế hoạch kinh tế hồi tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thừa nhận rằng quá trình phát triển của đất nước là “mất cân bằng” và “thịnh vượng chung” phải là mục tiêu hàng đầu.

Hình mẫu mới cho các tỷ phú

Những sự thay đổi này mở ra 1 thời kỳ mới cho các tỷ phú Trung Quốc và cả những nhà đầu tư hậu thuẫn họ. Đã qua rồi cái thời mà những tỷ phú như Jack Ma có thể bẻ cong luật lệ để công ty do mình sáng lập tăng trưởng vượt trội và thách thức cả những ngân hàng quốc doanh. Sự nổi tiếng và thương hiệu cá nhân mạnh – vốn được coi là 1 tài sản quý báu của những tỷ phú công nghệ Trung Quốc – giờ đây lại giống như 1 món nợ. Bí quyết mới cho giới siêu giàu Trung Quốc là sự khiêm tốn, hoạt động từ thiện nhiều hơn, chú trọng đến đời sống nhân viên.

Đã có rất nhiều ví dụ chứng minh cho chân lý mới. Ma, người đã công khai chỉ trích cơ quan quản lý hệ thống tài chính Trung Quốc ngay trước thềm vụ IPO của Ant, kể từ đó đến nay chỉ xuất hiện vài lần và tỏ ra rất cẩn trọng. Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo là công ty mới đây đã bị điều tra vì cáo buộc bóc lột sức lao động của nhân viên, đã rời ghế Chủ tịch kiêm CEO và hiến tặng số cổ phiếu giá trị hàng tỷ USD làm từ thiện. Nhà sáng lập ByteDance – Zhang Yiming – hồi tháng 5 cũng cho biết dự định từ chức CEO và dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện trong ngành giáo dục.

Eric Schiffer, CEO của Patriarch Organization, 1 công ty tư nhân ở Los Angeles, nhận xét: “Môi trường mới sẽ khiến lĩnh vực công nghệ Trung Quốc thay đổi hoàn toàn, một phần bởi vì nhà đầu tư sẽ e ngại không muốn rót vốn cho các doanh nhân có thể lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng đang nhắm vào tầng lớp tỷ phú, kêu gọi tăng thuế đánh vào giới nhà giàu và cách đây 2 ngày vừa ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm sự thống trị của các Big Tech. Tuy nhiên sự khác biệt lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn nhiều và bối cảnh có thể thay đổi chóng mặt bất cứ lúc nào.

Bắc Kinh có rất nhiều công cụ để nhằm vào các tỷ phú, mà bắt giữ sẽ là mức độ cao nhất. Các cuộc điều tra về chống độc quyền, an ninh mạng và các vấn đề khác là những cách phổ biến hơn để “uốn nắn” các ông lớn công nghệ. Chính phủ Trung Quốc cũng sử dụng những biện pháp “mềm” như các chiến dịch truyền thông trên kênh truyền hình quốc gia.

Ví dụ, vài ngày sau khi vụ IPO của Ant bị hoãn, ông Tập đã tới thăm 1 bảo tàng ở thành phố Nantong. Đây là bảo tàng được xây dựng bởi Zhang Jian, nhà tư bản từ thế kỷ 19.  Ông miêu tả Zhang là 1 người kiến thiết đất nước và 1 nhà từ thiện rất yêu nước. Thay vì làm náo loạn hệ thống tài chính với những khoản cho vay không được kiểm soát, Zhang đã xây dựng nhà máy và hàng tram ngôi trường.

Không chỉ công nghệ, các tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong vài năm gần đây. Giới chức đã siết chặt nguồn vốn đổ vào bất động sản trong nỗ lực kiềm chế đà tăng giá nhà và giảm rủi ro hệ thống. Tỷ phú Hui Ka Yan, chủ tịch China Evergrande Group, đã mất 6,7 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay, tương đương 30% tài sản sau khi cổ phiếu Evergrande lao dốc.

Điều này là xấu hay tốt?

Câu hỏi lớn hiện nay là liệu tất cả những điều này có tốt cho Trung Quốc trong dài hạn hay không. Có 1 rủi ro là môi trường chính sách liên tục thay đổi và bất ổn sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Do đó các doanh nhân khởi nghiệp không được tiếp cận với các nguồn lực cần thiết để biến ý tưởng của họ thành hiện thực. Các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ suy nghĩ lại về việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc nếu như Bắc Kinh ngăn cản họ niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.

Tất nhiên không thể phủ nhận những chính sách mới mang lại nhiều lợi ích, ví dụ tăng cạnh tranh trong ngành công nghệ vốn đang bị thống trị bởi những ông lớn, mở đường cho thế hệ tỷ phú mới xuất hiện. Các quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty fintech giúp giảm rủi ro hệ thống dù có phần ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần sáng tạo.

Nhưng dù sao đi chăng nữa thì các doanh nhân Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài phải tìm cách thích nghi với “tình trạng bình thường mới”, Chen Long – chuyên gia của công ty tư vấn Plenum nói. “Những ngày huy hoàng năm xưa đã là câu chuyện của quá khứ xa xôi”.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk