Nguy cơ cao về lây nhiễm phần mềm độc hại qua thẻ nhớ ở Việt Nam

Ngoc Huynh

Theo báo cáo của Kaspersky Lab về bảo mật toàn cầu trong quý II, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có nguy cơ bị phần mềm độc hại tấn công cao nhất trên các máy tính cá nhân thông qua ổ USB, CD và DVD.

Trong khi đó, khả năng bị tấn công thông qua kết nối internet/lướt web lại ở mức độ đe doạ thấp hơn đối với người dùng máy tính tại quốc gia Đông Nam Á này.

Các chuyên gia bảo mật Kaspersky Lab cho biết, số liệu thống kê về lây nhiễm cục bộ cho máy tính người dùng là một chỉ số quan trọng. Dữ liệu này cho thấy tần suất người dùng bị tấn công bởi phần mềm độc hại lây lan qua USB, đĩa CD, DVD và các phương pháp kết nối với máy tính khác (không qua internet). Việc bảo vệ hệ thống máy tính chống lại các cuộc tấn công như vậy không chỉ đòi hỏi một giải pháp chống virút có khả năng xử lý các đối tượng bị nhiễm mà còn đòi hỏi sự phối hợp của giải pháp bảo mật tường lửa, chống rootkit (một dạng mã độc) và kiểm soát các thiết bị di động kết nối với hệ thống.

Từ tháng 4 đến tháng 6-2017, các sản phẩm bảo mật của Kaspersky Lab đã phát hiện ra 575.746 trường hợp trong Top 20 sự cố phần mềm độc hại cục bộ trên máy tính của những người tham gia mạng lưới bảo mật Kaspersky (Kaspersky Security Network-KSN) tại Việt Nam. Trung bình có 19,75% người dùng ở Việt Nam đã bị tấn công bởi các mối đe dọa cục bộ (local threat) trong giai đoạn này. Và tính đến cuối tháng 6-2017, Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên thế giới.

Trong khi đó, đối với mối đe dọa liên quan đến lướt web thì Việt Nam xếp ở vị trí thứ 25 trên thế giới. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2017, Kaspersky Lab đã phát hiện 222.340 trường hợp sự cố về phần mềm độc hại do kết nối internet gây ra trên máy tính của những người tham gia KSN tại Việt Nam. Trung bình có 13% người dùng bị tấn công bởi các mối đe dọa từ web trong giai đoạn này.

Theo các chuyên gia bảo mật, những cuộc tấn công qua trình duyệt web (browser) là phương pháp chủ yếu để lây lan phần mềm độc hại qua môi trường internet và các hacker thường khai thác lỗ hổng bảo mật trên các trình duyệt web hoặc các công cụ hỗ trợ, cài đặt trên trình duyệt (plug-in). Hình thức tấn công này xảy ra khi truy cập vào một trang web bị lây nhiễm mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ người dùng cũng như thiếu sự hiểu biết của người dùng về nguyên tắc bảo mật.

Ngoài ra, tội phạm mạng còn dùng kỹ thuật tấn công mang tên gọi Social Engineering – đánh lừa người dùng thông qua các mối quan hệ trên mạng xã hội. Những cuộc tấn công này có sự tham gia của người dùng khi đồng ý tải các tập tin có chứa mã độc hại vào máy tính của họ. Thường thì các tội phạm mạng cố gắng “dụ dỗ”, làm cho các nạn nhân tin rằng họ đang tải xuống một chương trình hợp pháp. Để ngăn các cuộc tấn công như vậy cũng đòi hỏi một giải pháp phòng chống virus có khả năng phát hiện các mối đe dọa ngay khi chúng được tải xuống qua kết nối internet.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://english.vietnamnet.vn