Nguy cơ bốc hơi hàng trăm tỷ USD trên thị trường tiền điện tử

Tram Ho

Sau khi bị phá vỡ đà tăng vào ngày 17/8, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử đã nhanh chóng giảm xuống còn 1.000 tỷ USD. Các thị trường khác cũng đầy biến động, trong đó giá dầu thế giới (WTI) giảm 3,6% vào ngày 22/8 và giảm 28% so với mức đỉnh 122 USD/thùng vào ngày 8/6.

 

Nguy cơ bốc hơi hàng trăm tỷ USD trên thị trường tiền điện tử - Ảnh 1.

Gần đây, chiến lược gia cổ phiếu Mỹ David Kostin của Goldman Sachs đã tuyên bố, phần thưởng cho S&P 500 đang có xu hướng giảm sau đợt tăng 17% kể từ giữa tháng 6. Theo đó, lạm phát gia tăng bất ngờ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thắt chặt nền kinh tế mạnh mẽ hơn, tác động tiêu cực đến việc định giá. Ngoài ra, các đợt đóng cửa kéo dài được cho là nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở Trung Quốc, cũng như các vấn đề về nợ tài sản đã khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải cắt giảm lãi suất.

Giới phân tích nhận định, thái độ chấp nhận rủi ro do lạm phát gia tăng đã làm giảm sự kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu tăng trưởng, hàng hóa và tiền điện tử, dẫn đến các nhà giao dịch có thể tìm kiếm nơi trú ẩn bằng đô la Mỹ.

Đối với Bitcoin (BTC) , đồng tiền điện tử lớn nhất giao dịch quanh ngưỡng 21.400 USD/BTC tính đến 19 giờ ngày 24/8, sau khi xoá sạch lợi nhuận của một tháng tăng trưởng đầy hy vọng vài ngày trước đó.

Trang Coinnounce phân tích, có 80 altcoin hàng đầu đã tăng – giảm nhiều nhất trong 7 ngày qua, khi tổng vốn hóa tiền điện tử giảm 12,6% xuống 1.004 tỷ USD. Còn Bitcoin giảm 12% và một số altcoin vốn hóa trung bình đã giảm 23% trở lên trong khoảng thời gian này. Theo các chỉ số giao dịch và chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư có sự lo lắng nhất định về sự điều chỉnh của thị trường toàn cầu. Tâm lý e ngại thể hiện rõ qua việc đồng stablecoin Tether (USDT) giảm nhẹ.

Các chỉ báo thị trường từ trung tính đến giảm này là đáng lo ngại, vì tổng vốn hóa tiền điện tử hiện đang kiểm tra mức hỗ trợ quan trọng 1.000 tỷ USD. Nếu FED tiếp tục thắt chặt nền kinh tế một cách cứng rắn trong tháng 9 tới để ngăn chặn lạm phát, thì khả năng thị trường tiền điện tử sẽ kiểm tra lại mức thấp hàng năm ở mức 800 tỷ USD là rất cao.

Trong lúc thị trường chìm trong sắc đỏ, một trong những người dùng của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đã đệ đơn kiện công ty, vì không thể duy trì quyền truy cập vào tài khoản của khách hàng trong thời gian thị trường biến động.

Nguy cơ bốc hơi hàng trăm tỷ USD trên thị trường tiền điện tử - Ảnh 2.

Uỷ ban Chứng khoán và Đầu tư của Úc (ASIC) đã thông báo rằng, họ sẽ tập trung hoàn toàn vào không gian tài sản kỹ thuật số trong vài năm tới

Cụ thể, nguyên đơn George Kattula khẳng định: “Sàn giao dịch không sử dụng đúng các kỹ thuật tiêu chuẩn để giữ an toàn cho tài khoản của người dùng. Coinbase khóa không cho người dùng được phép truy cập vào tài khoản của họ một cách bất hợp lý. Điều này vi phạm tuyên bố của doanh nghiệp là cung cấp cho khách hàng công nghệ hỗ trợ điều hướng theo thời gian thực trên toàn cầu và 24/7/365 của thị trường tài sản tiền điện tử”.

Ngoài ra, người khiếu nại cáo buộc Coinbase không giải quyết kịp thời các kiến nghị của khách hàng hoặc bảo vệ tài sản của khách hàng.

Một chuyên gia Blockchain bình luận, trong thị trường tài sản kỹ thuật số nhiều biến động, việc truy cập tài khoản không nhất quán có thể gây ra những thiệt hại về tài chính. Người dùng có thể bị mất tiền do bị khóa tài khoản trong thời gian dài, điều này khiến họ không thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào.

Dường như, Coinbase đang gặp sự cố sau khi có tin công ty là mục tiêu điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), dân đến cổ phiếu của công ty sụt giảm vào tháng trước. SEC cũng tin rằng, sàn giao dịch có lỗi khi đã niêm yết 9 chứng khoán được mã hóa.

Với những bất ổn trên thị trường dễ bị tổn thương như vậy, vấn đề về quản lý vẫn gây tranh cãi tại nhiều quốc gia, đòi hỏi một khung khổ quy định pháp luật cụ thể, an toàn cho nhà đầu tư. Đối phó với vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư của Úc (ASIC) đã thông báo rằng, họ sẽ tập trung hoàn toàn vào không gian tài sản kỹ thuật số trong vài năm tới.

Theo kế hoạch 4 năm do cơ quan đưa ra, ASIC dự định loại bỏ những hành vi xấu trên thị trường và tạo điều kiện cho một môi trường an toàn, có thể thay đổi nền kinh tế theo hướng tốt đẹp. Cơ quan quản lý cũng lưu ý, những công nghệ mới đang dần thay đổi cách mọi người nhìn nhận về hệ thống tài chính. Vì vậy, Úc dự định đưa nó vào kế hoạch chiến lược trong 4 năm tới.

Chủ tịch ASIC Joe Longo cho biết, cơ quan này sẽ đặc biệt tập trung vào các trò gian lận tiền điện tử. Ông đề cập rằng khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính đang thay đổi hàng ngày do tác động của rất nhiều yếu tố. Một trong số đó bao gồm sự biến động thị trường, độ tuổi của dân số và cách mọi người nhìn nhận lĩnh vực tài chính.

ASIC tin rằng những sáng kiến như vậy sẽ giúp nền kinh tế thoát khỏi nhiều trò gian lận đang được thực hiện trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, cơ quan muốn thiết lập một khuôn khổ sẽ kiểm tra các hoạt động của cả nền tảng tiền điện tử và người dùng. Ngoài ra, có kế hoạch thiết lập khuôn khổ cảnh báo người dùng về những rủi ro khi tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk