Microsoft ôm mộng tạo ra loại ổ cứng to như tủ quần áo, làm từ linh kiện của Galaxy S20

Tram Ho

Tại sự kiện Ignite thường niên dành cho các nhà phát triển, Microsoft đã tiết lộ nhiều thông tin hơn về quá trình phát triển hệ thống lưu trữ ảnh ba chiều (holographic storage) của mình.

Cụ thể, bộ phận nghiên cứu của công ty đang cân nhắc lại hệ thống lưu trữ này ở cấp độ siêu lớn, bắt đầu với việc phá vỡ nguyên tắc đầu tiên: ổ cứng phải tồn tại dưới form factor 2.5-inch hoặc 3.5-inch.

Trên thực tế, không có quy định bắt buộc nào nói rằng hệ thống lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu phải sử dụng các loại ổ đĩa cứng dành cho người tiêu dùng – hay thậm chí là các loại SSD dành cho công nghiệp. Những định dạng mới, như form factor SSD dạng thước mang trong mình nhiều cải tiến, nhưng không thực sự đột phá.

Theo các nhà nghiên cứu, bộ phận nhỏ nhất được triển khai trong hệ thống lưu trữ đám mây thực ra là tủ rack, vốn có kích thước bằng một cái chạn và cho phép các nhà thiết kế hình dung ra một loại phần cứng mới với kích thước tương đương.

Theo blog của Microsoft, thiết kế tủ rack cho phép “các linh kiện có thể được chia sẻ một cách hiệu quả trong toàn không gian rack” và có tiềm năng thay đổi cả mô hình web hosting, IaaS và PaaS.

Trong khi Dự án Silica – một dự án lưu trữ tương lai của Microsoft – nghiên cứu về phương pháp lưu trữ dữ liệu trong một thời gian dài thông qua một định dạng lưu trữ ghi bởi một nguồn và đọc bởi nhiều nguồn, thì dự án HSD (Hologram Storage Device – Thiết bị Lưu trữ Ảnh ba chiều) tập trung tìm hiểu cách thức để truy xuất các dữ liệu nóng nhanh hơn và lưu trữ chúng dưới các khối kích thước nhỏ hơn.

Linh kiện quang học từ Samsung Galaxy S20?

Trong bài blog, Microsoft đã chia sẻ một ảnh minh hoạ cho thấy sự phát triển vượt bậc về độ phân giải của các loại cảm biến máy ảnh phổ thông, vốn đã tăng từ 1-megapixel lên hơn 100-megapixel chỉ trong chưa đầy 2 thập kỷ.

Microsoft ôm mộng tạo ra loại ổ cứng to như tủ quần áo, làm từ linh kiện của Galaxy S20 - Ảnh 1.

Dự án HSD tìm cách tận dụng tính ưu việt của công nghệ này, dựa vào độ phân giải để đơn giản hoá phần cứng quang học và chuyển những công đoạn phức tạp sang cho phần mềm.

Cảm biến camera ISOCELL Bright HMX 108-megapixel được giới thiệu hơn một năm về trước bởi Samsung, thông qua hợp tác với Xiaomi. Đây không chỉ là một cảm biến hình ảnh khá lớn, mà còn là cảm biến đầu tiên phá vỡ rào cản 100-megapixel và được sử dụng trên các điện thoại cao cấp bao gồm Samsung Galaxy S20 Ultra và Xiaomi Mi CC9 Pro Premium.

Nhưng Samsung muốn tiến xa hơn nữa, và giám đốc Yongin Park đã xác nhận rằng họ đang hướng tới một cảm biến độ phân giải…600-megapixel.

Microsoft ôm mộng tạo ra loại ổ cứng to như tủ quần áo, làm từ linh kiện của Galaxy S20 - Ảnh 2.

Chắc chắn ai đó tại Microsoft Research sẽ phải lưu ý đến điều này, bởi một khi kết hợp công nghệ quang học tiêu dùng với AI đám mây của Azure, Microsoft sẽ có thể tăng cường đáng kể không chỉ mật độ lưu trữ của HSD và còn cả tốc độ đọc/ghi lẫn thời gian truy xuất nữa.

Tham khảo: TechRadar

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk