Liệu nghề phát triển phần mềm có thực sự bế tắc sau tuổi 35 – 40?

Lưu ý về giới hạn sau tuổi 35-40. Không có nghi ngờ về quan điểm cho rằng đây là một lĩnh vực tuyệt vời cho những lập trình viên trẻ tuổi, nhưng liệu nó còn phù hợp cho những lập trình viên lớn tuổi hơn?

Tôi vẫn chưa đến tuổi 35, nhưng sẽ rơi vào độ tuổi đó trong một vài năm nữa.

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tôi suy nghĩ về câu hỏi này: liệu phát triển phần mềm có thực sự là một công việc không có tương lai?

Tôi cho rằng tính đến thời điểm này thì tôi cũng đã khá thành công trong sự nghiệp của mình. Tôi bắt đầu sự nghiệp là một lập trình viên và hiện đang làm việc như một Software Architect. Tôi có kinh nghiệm làm lập trình viên, architect, Scrum Master, trưởng nhóm, v.v… Về mặt phi kỹ thuật, tôi đã xây dựng nhiều nhóm từ con số 0, tuyển dụng các ứng viên có chuyên môn, và đào tạo để cải thiện các điểm yếu của họ, v.v…

Tóm lại, tôi có kỹ năng trong nhiều lĩnh vực phát triển phần mềm. Tôi thích tham gia vào nhiều khía cạnh của vòng đời phát triển hệ thống và có thể giúp nhóm tiến về phía trước (cả về mặt kỹ thuật và quản lý nhóm, tạo ra các quy trình phát triển đúng đắn và một môi trường kích thích sự sáng tạo cho các lập trình viên).

Liệu điều đó có giúp tôi trở thành một ứng viên tốt cho bất kỳ công việc nào? Có phải bạn đang nghĩ như thế này không. “Đúng vậy, tại sao không? Vì bạn đã có tất cả các kỹ năng mà.” Tôi cũng nghĩ giống bạn.

Khi tôi đi tìm việc trong thời gian gần đây, tôi đã không nhận được lời mời phỏng vấn nào từ hầu hết các công ty mà mình nộp đơn. Đó là bởi vì các nhà tuyển dụng đã cố gắng tìm những điểm giống nhau giữa yêu cầu công việc của họ và hồ sơ của tôi.

Nhà tuyển dụng: Bạn có thể làm việc với ngôn ngữ Java?
Tôi: Đúng vậy.
Nhả tuyển dụng: Bạn có thể làm việc với Spring, J2EE?
Tôi: Vâng, tôi có thể làm việc với Spring. J2EE thì tôi đã làm vào năm 2004. Trước đây tôi cũng đã làm việc với JavaEE.
Nhà tuyển dụng [hơi bối rối nhưng vẫn tiếp tục hỏi]: Bạn có thể làm gì với Spring?
Tôi: MVC, Data, Security, Spring Boot, và nhiều thứ khác [tôi liệt kê thành một danh sách].
Nhà tuyển dụng: Bạn có biết về XML không?
Tôi [có một chút khó chịu vì tôi nhận ra câu hỏi này sẽ đi đến đâu]: Vâng, có.
Nhà tuyển dụng: Máy chủ ứng dụng Wildfly phiên bản mấy?
Tôi: Tôi đã làm việc từ thời JBoss, và bây giờ tôi sử dụng Wildfly 8.
Nhà tuyển dụng: Oh, vậy là bạn chưa sử dụng Wildfly 9 phải không? Rất tiếc, chúng tôi chỉ tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm sử dụng Wildfly 9. [Cúp máy.]

Với hầu hết các công việc, những kỹ năng của tôi không chính xác giống hệt như các từ khóa mà họ đang tìm kiếm, vì vậy bạn có thể tưởng tượng ra cuộc trao đổi qua điện thoại sẽ tồi như thế nào. Họ không hiểu rằng tôi có giá trị hơn rất nhiều so với những từ khóa được liệt kê trong bản yêu cầu công việc của họ.

Trong số ít các công ty mà tôi nhận được điện thoại từ họ, họ đang tìm kiếm một ai đó để làm việc “chỉ viết code” với một mức lương ít ỏi.

Tham khảo các khóa học lập trình online, onlab, và thực tập lập trình tại TechMaster

Cũng có một vài công ty thử kiểm tra khả năng lập trình của tôi, họ yêu cầu tôi “viết chương trình để in ra một chiếc thang các dấu *” và “tìm những số trùng lặp.” Tôi đã từ chối những bài kiểm tra này không phải vì kiêu ngạo mà vì kỹ năng của tôi vượt xa những gì họ nghĩ là cần thiết cho vị trí đó. Vâng, vai trò ở đây là một Software Architect. Tuy nhiên, thay vì kiểm tra kỹ năng của tôi trong xây dựng kiến trúc và logic, thì họ lại yêu cầu tôi đã phải in một chiếc thang trên màn hình.

Những công ty còn lại thì quá xa để đi làm và tôi phải dành ra 5 giờ di chuyển trên các chuyến tàu mỗi ngày. Tôi đã từ chối các cuộc gọi phỏng vấn từ những công ty này, việc chuyển nhà không phải là một lựa chọn với sự ổn định của gia đình tôi tại thành phố hiện tại.

Tôi đã từ chối khi chưa đi phỏng vấn từ 99% các công ty. Trong số 1% còn lại, tôi tìm thấy nhiều lý do để từ chối hơn.

Giờ đây, khi nhìn lại khoảng thời gian 10-12 năm về trước, khi tôi còn ở tuổi đôi mươi. Lúc đó tôi là một Junior Developer. Tôi còn độc thân và tự do để đi tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi có thể chọn bất cứ công việc nào. Tôi cũng rất hạnh phúc khi làm việc “chỉ viết code” với một mức lương bèo bọt.

Nhưng câu chuyện này sẽ nói cho bạn biết điều gì? Tôi đã là một Software Engineer giỏi hơn ở độ tuổi đôi mươi ư? Không phải vậy!

Giờ đây tôi ở độ tuổi ba mươi, tôi cầu kỳ hơn về công việc của mình. Tôi quan tâm nhiều hơn về những ảnh hưởng mà mình mang lại cho công ty. Tôi cũng quan tâm dành thời gian cho gia đình mình.

Thật không may, các công ty không hiểu điều đó. Họ muốn một người với tập kỹ năng xác định, chứ không phải một người có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Tôi tin rằng lý do cho điều này là bởi vì bạn đang được thuê để thay thế một người nào đó đã rời công ty đó. Bạn chỉ được mong đợi sẽ làm những gì người trước đó đã làm, không có gì hơn. Hầu hết các kỹ năng “khác” của bạn hóa ra là vô nghĩa đối với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Vì vậy, theo một cách nào đó, nghề lập trình này khó khăn cho những người ở độ tuổi ba mươi trở lên, không phải vì chúng ta thiếu các kỹ năng, mà vì chúng ta có nhiều điều cần cân nhắc trước khi chuyển đổi công việc. Dù đó là một công việc không có tương lai hay không thì nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân và cách xử lý linh hoạt của mỗi người.

Sự thú vị này dẫn chúng ta đến một câu hỏi quan trọng tiếp theo: Liệu nghề lập trình có trở thành một công việc dạng hàng hóa? Đó là nội dung của một bài viết khác trong tương lai

ITZone via Techmaster

Chia sẻ bài viết ngay