Lê Hồng Minh: “Tôi Vẫn Đang Sống Trong Giấc Mơ Của Năm 20 Tuổi”

Tram Ho

Anh Lê Hồng Minh, founder và CEO của VNG, rõ ràng là thần tượng của rất nhiều bạn làm game, làm công nghệ cũng như start-up. Nhân 15 năm sinh nhật VNG, anh nói chuyện cởi mở hơn so với bình thường. Và hy vọng bài viết này có thể tạo cảm hứng cho các bạn trẻ đang ôm những hoài bão lớn lao, như mình đã từng được có được trong một tiếng đồng hồ trò chuyện cùng anh.

Anh có nghĩ mỗi người sinh ra trên đời đều có một sứ mệnh nào đó?
Đó là một câu hỏi trừu tượng. Nhưng ngắn gọn thì tôi sẽ trả lời là không.
Vậy nếu như một người sinh ra với một sứ mệnh cao cả nào đó, điều gì sẽ giúp họ… nhận ra điều đó?
Tôi chưa từng nghĩ sinh mệnh của bất kỳ ai phải đi liền với một sứ mệnh nào đó. Mỗi người sẽ lựa chọn làm những việc mà họ muốn làm và cần phải làm vào những thời điểm cụ thể trong đời. Tương tự như thế, họ hoàn toàn có thể lựa chọn… không làm. Nên làm hay không làm, tin hay không tin vào một sứ mệnh cao cả nào đó đều là lựa chọn của mỗi con người. Và lựa chọn ấy là kết quả của rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nên làm sao có một ai vừa sinh ra đã phải gánh vác một trọng trách nào đó. Tôi luôn nghĩ cuộc sống là một hành trình nhiều hơn là một đường đua đến một cái đích nào đó đã được định mệnh vạch sẵn.
Usain Bolt từng bị một tai nạn ô tô nghiêm trọng, nhưng anh không bị một chấn thương nào. Từ sau biến cố ấy, anh lao vào tập luyện như điên để trở thành con người nhanh nhất hành tin. Anh cho đó là sứ mệnh của mình. Hay như Mark Zuckerberg, anh tin sứ mệnh của mình là kết nối mọi người lại với nhau. Vậy làm Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam chả phải là sứ mệnh của Lê Hồng Minh sao?
Tôi nhìn thấy ở đây những câu chuyện khác nhau. Với Usain Bolt, anh ấn định cho tai nạn ấy một ý nghĩa. Anh nghĩ Chúa đã cứu sống để anh hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Người ngoài có thể chả tin vào câu chuyện ấy. Nhưng Bolt tin là được. Và niềm tin ấy giữ cho anh ấy tiến lên.
Còn Mark Zuckerberg nói thế vì anh muốn mọi người tin thế. Nhưng chúng ta cũng đã thấy rõ: Mark đang gặp một cơn khủng hoảng lớn liên quan đến niềm tin. Mọi người còn tin Mark hoàn toàn chỉ có ý tốt là muốn kéo tất cả mọi người trên thế giới lại gần nhau hay không? Liệu Mark còn có động cơ nào khác nữa? Rõ ràng có rất nhiều người từng tin Mark bây giờ chuyển sang hoài nghi, thậm chí là không tin nữa.
Tôi nghĩ ai cũng có những câu chuyện để kể. Với con người cá nhân, làm trong ngành Internet chưa bao giờ là câu chuyện của mỗi mình tôi. Hơn nữa, tôi xem đấy là chuyện mình muốn làm hơn là một sứ mệnh trừu tượng nào đó. Và vì muốn làm, vì luôn trăn trở về nó và vì may mắn, tôi đã có được những kiến thức quý báu.
Tôi vẫn nói với mọi người trong VNG: xuất phát điểm của mỗi người tuy có thể khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phải bền chí, không bao giờ bỏ cuộc. Sự bền chí ấy, theo thời gian, sẽ giúp chúng ta trau dồi những năng lực mà những người đã chọn con đường khác sẽ không thể có được.
Lấy các bạn làm Zalo hay làm Game trong VNG làm ví dụ. Các bạn tất nhiên đều rất giỏi rồi (không giỏi sao… vào được VNG), nhưng năng lực của họ không đến mức ghê gớm hay khác biệt hoàn toàn với những xung người quanh. Tuy nhiên, thông qua con đường mà các bạn đã chọn, cùng sự bền chí trên con đường ấy thì sau một thời gian, các bạn đã tích lũy được những kiến thức lẫn kinh nghiệm mà những người khác thèm muốn.
Làm điều mình muốn tất nhiên là tuyệt vời rồi. Nhưng xác định cái mình muốn cũng không dễ, với những người trẻ…
Ở đây, chúng ta phải phân biệt một chút giữa lựa chọn có ý thức và lựa chọn vô thức . Như Mark Zuckerberg, làm Facebook vì tin mình có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, xóa nhòa khoảng cách địa lý và kéo mọi người gần với nhau hơn. Đấy là lựa chọn có ý thức, nhưng liệu có một lựa chọn vô thức nào ẩn phía sau đó không? Biết đâu Mark lại có một tham vọng khác là làm bá chủ thế giới, hoặc Mark có ham muốn ấy mà chính anh ta cũng không biết? Có rất nhiều tầng nhiều lớp phía sau một con người, nên chúng ta không ở đây mà đoán được.
Như chính tôi đây, luôn tự hỏi mình: Ủa sao 15 năm qua mình vẫn làm mãi việc này? Vì nó đã trở thành thói quen ư? Vì vị trí rất tốt mình đang ngồi? Vì những lợi ích hữu hình lẫn vô hình do công việc mang lại? Hay đơn giản hơn là vì mình ngại thay đổi? Con người chả phải vẫn luôn mắc kẹt ở một công việc, một vấn đề hay thậm chí là một mối quan hệ chỉ vì cái tâm lý ngại thay đổi đó sao? Trong khi chỉ cần bước ra, mạnh dạn thay đổi thì họ sẽ có một hành trình khác thú vị hơn? Và câu trả lời của tôi luôn luôn là mình vẫn rất yêu thích và muốn làm công việc này. Suy nghĩ xong rồi thì cứ làm tiếp thôi.
15 năm ở VNG với biết bao nhiêu sóng gió, khó khăn. Điều gì giữ cho anh luôn bước tới trên hành trình của mình?
Ở vị trí CEO của VNG tất nhiên là phải có rất nhiều những thứ đau đầu rồi. Nhưng cảm giác hạnh phúc khi đạt được một thành quả nào đó đủ mạnh để khỏa lấp tất cả những cảm xúc khó chịu khác. Thành quả ấy, cũng như ở bất kỳ công ty công nghệ nào khác, chính là tầm ảnh hưởng với xã hội thông qua những sản phẩm mà mình tung ra thị trường. Ai mà không vui khi thành quả của mình được hàng triệu người hay tuyệt vời hơn là hàng tỷ người đón nhận, sử dụng?
Yếu tố thứ hai: thông qua việc bước tới, tôi luôn có cơ hội được làm những thứ mới và từ đó, học những thứ mới. Với nhiều người, thử thách có thể tạo ra sự mệt mỏi. Nhưng với tôi là những người làm công việc liên quan đến công nghệ, thử thách là một chất gây nghiện.
Thứ ba: trong những cái mới, mình thấy mình có thể thay đổi, cải tiến môi trường xung quanh mình, và đập bỏ đi những thứ không còn phù hợp.
Thứ tư: cảm giác thoải mái khi được làm việc với những con người mà mình yêu mến, tin cậy. Tôi luôn tìm thấy niềm vui khi được giúp những người trẻ phát triển. Vì chính tôi cũng từng là một người trẻ, từng vui vẻ, hồ hởi khi được học những điều mới hay khi chinh phục được những cột mốc đầu tiên. Khi một tập thể gồm nhiều người cùng nhìn về một hướng, thứ cảm xúc và sức mạnh cộng hưởng ấy là một điều rất tuyệt vời.

Cảm giác hạnh phúc khi đạt được một thành quả nào đó đủ mạnh để khỏa lấp những cảm xúc khó chịu khác. Thành quả ấy chính là tầm ảnh hưởng với xã hội thông qua những sản phẩm mà mình tung ra thị trường.

Trong bốn điều anh vừa nói ra, hết ba điều liên quan mật thiếu đến cộng đồng. Dù lớn dù nhỏ, dường như anh luôn muốn truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh?
Đúng vậy. Lấy một ví dụ về chạy bộ. Tôi không phải là người phát động phong trào đầu tiên. Nhưng thông qua ảnh hưởng của mình, một số bạn bè và người trong VNG cũng đã cùng nhau tham gia chạy. Rồi những CLB chạy dần được thành lập. Hay như 3 năm trước, Uprace 2017 ra đời, với chút xíu áp dụng về công nghệ để xem cá nhân hay nhóm nào chạy tốt nhất của VNG. Đến 2018, ngồi lại với nhau, chúng tôi đã nói đến chuyện mở rộng quy mô ra để nhiều người hơn cùng chạy. Nghĩa là trong bất kỳ vấn đề gì, tôi đều quy về vần đề tác động tích cực đến mọi người xung quanh, và tạo ra những giá trị càng lớn càng tốt. Vì bản thân là người chạy, mình biết rõ những thành quả mà mình nhận được thông qua chạy từ thể chất cho đến tinh thần.
Và để tạo được hiệu ứng tốt, cũng cần phải có những cột mốc và mục tiêu rõ ràng. Năm 2017, có tầm 400 người chạy, tổng số quãng đường sau khi kết thúc Uprace là 30.000 cây số. Vậy thì năm 2018, mình phải đặt mục tiêu bao nhiêu người chạy không biết, nhưng phải về được một triệu cây số. Cuối cùng là mọi người cùng làm, từ sản phẩm đến việc viral ra cộng đồng. Kết quả là có 15.000 người tham gia, và chạy được 991.000 cây số (mém đạt được mục tiêu). Năm 2019, mình lại đặt ra mục tiêu là nâng số người chạy lên 50.000 và nâng tổng số cây số lên thành 5 triệu. Cứ thế, mình không ngừng đặt ra những thử thách và phải làm mọi cách để chinh phục nó.
Đấy là một ví dụ nhỏ thôi để thấy từ một ý tưởng, mong muốn tạo ra ảnh hưởng đến cộng đồng có thể dẫn ta đi xa đến đâu.
Là một người quyết liệt trong công việc, có bao giờ anh sợ mình ra một quyết định sai?
Tôi vẫn luôn giữ khẩu hiệu của mình: Làm gì cũng được đừng bị tai nạn. Lỡ xui tai nạn thì không chết là được. Một số người hay dùng những từ đao to búa lớn như quyết định sinh tử, khoảnh khắc định mệnh… Nhưng tôi biết rõ hơn ai hết là trong tình huống xấu nhất mình cũng không chết được. Mà không chết thì… không có gì để sợ nữa cả. Tôi nghĩ rất nhiều người sẽ đồng tình: nỗi sợ lớn nhất là sợ đối diện với chính bản thân mình, chứ không sợ bản thân bên ngoài.
Trong 15 năm qua, anh đã từng đối diện với nỗi sợ lớn nhất ấy chứ?
Có, và rất nhiều là khác. Lúc nào mình cũng phải chịu cái áp lực mà mình đã gây ra cho… chính mình mà.
Vậy anh đã vượt qua nó cách nào?
Thì mình… giấu nó đi chớ sao. Hahaha. Phải tự dày vò rồi đau khổ mình mình, chứ đâu thể bộc lộ ra bên ngoài khiến mọi người… sợ chung với mình được.
Tôi nghĩ cách tốt nhất, mà cũng có thể là duy nhất, để giúp mình vượt qua những nỗi sợ là dựa vào cộng sự gần gũi nhất của mình. Những bằng hữu, những cộng sự tin cậy sẽ luôn bơm dũng khí khi mình cần họ nhất.
Họ là những ai?

Ở trong hay ngoài VNG thì tôi cũng đều có một số người như vậy. Mỗi người sẽ tiếp cận được một khía cạnh của câu chuyện và cho mình lời khuyên. Rồi mình sẽ phải tổng hợp lại hết, nhận hết rồi tự nhìn nhận lại bản thân mình. Chứ không có một ai có thể chia sẻ trọn vẹn các vấn đề của mình.

Live to be a Survivor
Anh có thể kể thử một ví dụ về việc đã vượt qua đau khổ một mình?
Ví dụ như năm 2004, khi chưa thành lập Vinagame, tôi có đi một giải đua thuyền buồm từ Hong Kong về Việt Nam. Ngày ấy tôi còn làm cho Vina Capital và là người chịu trách nhiệm tổ chức giải này. Mấy tuần trước khi giải diễn ra, tôi tự hỏi: ủa sao mình không leo lên một chiếc thuyền rồi đi thử xem sao, đấy cũng là một trải nghiệm thú vị mà. Nghĩ là làm, tôi book ngay vé máy bay sang Hong Kong để dự ké cuộc đua ấy. Trước khi chính thức đua thì tôi được dự một buổi thử thuyền. Chiếc thuyền chạy một vòng Hong Kong trong khoảng 4 tiếng thì tôi… ói đủ 4 tiếng. Con say sóng khiến tôi bẹp dí không còn một chút hơi sức nào. Bước xuống bờ, tôi than trời: 4 tiếng mà đã có cảm giác như 4 ngày, 3 ngày tới lênh đênh trên biển chắc banh xác quá. Nguyên tắc để trị cơn say sóng là… lên bờ, chứ có uống thuốc gì đi nữa cũng chả ăn thua. Mà khi đã bước vào cuộc đua, mình đâu có cách nào bảo người ta… tấp vô bờ cho mình bước xuống. Nên đã xác định bước lên thì cũng phải xác định là chết đứ đừ trên đó suốt 3 ngày mới được xuống. Lúc ấy sợ chứ sao không sợ. Có khác gì thấy chết mà vẫn đâm đầu vào đâu. Tư tưởng bỏ cuộc đã le lói trong đầu rồi ấy chứ. Nhưng rồi một luồng tư tưởng phản biện xuất hiện ngay: mình đâu thể thấy khó mà bỏ cuộc được. Ngay từ đầu chính mình đã chọn trải nghiệm này mà. Mình cũng hô hào là mình sẽ làm được: bây giờ đi book vé máy bay ngược về thì… quê chết. Thế là tôi quyết định chơi luôn. Trước ngày lên thuyền mình kiếm thuốc say sóng uống vô, người ta dán một lỗ tai cho đỡ mệt thì mình… dán luôn hai lỗ, xác định đã bước lên thuyền ở Hong Kong thì chừng nào tới Nha Trang mình mới bước xuống. Cuối cùng thì chuyến hải hành 3 ngày cũng kết thúc, và mình cũng không bị sao cả. Đấy là ví dụ cho tính cách của tôi. Tôi không để những khó khăn làm mình nản lòng.
Nói như thế không có nghĩa là mình… thí mạng cùi, ra sao thì ra. Cũng phải có tính toán xem trường hợp xấu nhất là gì, nó có đáng để mình dấn thân không? Tôi nghĩ tinh thần ấy đã được áp dụng phần nào vào VNG. Những người trong Ban giám đốc đều thích thách thức và sẵn sàng mạo hiểm. Thường thì chỉ cần 60-70% khả năng thành công thì mọi người sẽ làm. Riêng cá nhân tôi, chỉ cần 30% là đã có thể… chơi luôn rồi.
Như vậy, có thể nói VNG có một cá tính rất rõ ràng, và cá tính ấy là bị ảnh hưởng lớn từ anh?
Với những vấn đề thuộc về business, có thể nói VNG mang rõ cá tính này. Vì tôi phải là người quyết định sau cùng, hoặc tôi phải thuyết phục mọi người tin vào quyết định của mình. Với những thành viên của VNG, cụ thể ở đây là những thành viên chủ chốt, tôi nghĩ mình cũng có ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Bởi tuy là một người quyết liệt, nhưng tôi chỉ quyết liệt nhất với chính bản thân mình. Tôi không hề áp đặt suy nghĩ của mình lên bất kỳ ai. Tôi tôn trọng cá tính của tất cả.

Tuy là một người quyết liệt, nhưng tôi chỉ quyết liệt nhất với chính bản thân mình. Tôi không hề áp đặt suy nghĩ của mình lên bất kỳ ai. Tôi tôn trọng cá tính của tất cả.

Việc tôn trọng cá tính ấy sẽ có những cái lợi rõ ràng, nhưng nó có những cái hại nữa, đúng không?
Cái lợi là mọi người được tự do thể hiện quan điểm của mình. Họ được làm và tất nhiên là chịu trách nhiệm với hành động của mình. Ở VNG không có văn hóa độc tài hay sếp luôn đúng. Mười mấy năm làm việc ở VNG, tôi đã bị đồng nghiệp chửi cho tan nát, cãi nhau kịch liệt cho đến khi tìm được quyết định sau cùng thì thôi. Còn về mặt trái thì tất nhiên cũng có, đôi khi vì tôi quá tôn trọng tự do cá nhân của mọi người mà bỏ đi cái quyền phủ quyết của mình. Kết quả là có những cái tôi tin là đúng, nhưng vẫn phải để những người trái ý kiến làm điều mà họ tin là đúng. Nhưng cái hại này không đáng kể, và tương lai tôi vẫn sẽ tiếp tục tôn trọng cái độc nhất vô nhị của mỗi cá nhân.
15 năm làm VNG, làm sao anh có thể khước từ chủ nghĩa kinh nghiệm, để luôn đặt niềm tin vào người khác, đặc biệt là những người trẻ?
Cái này, có lẽ anh phải đi tìm anh Vương Quang Khải sẽ nói tốt hơn là tôi. Vì anh ấy đặc biệt tin vào những người trẻ. Kinh nghiệm thì cũng tốt, nhưng nó phần nào hạn chế cái sự “liều” của mình. Người trẻ thì luôn “liều” và có những cách làm táo bạo. Ví dụ như với 10 vấn đề, người trẻ sẽ bó tay hết 8. Nhưng 2 vấn đề khác, chính sức trẻ và sự “liều” sẽ giúp họ đưa ra những phương án tốt hơn nhiều so với người dựa vào kinh nghiệm. Nên tốt nhất là mình vẫn phải vừa có kinh nghiệm mà vừa giữ được máu “liều” của tuổi trẻ.
Thông qua game, anh đã rút tỉa được những bài học gì cho công việc và cuộc sống?
Có lẽ ai chơi game cũng biết được một câu kinh điển: “Everything is a game. Don’t take it serious”. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được như thế. Tôi nghĩ thông qua game, một người có thể bộc lộ được cá tính của mình. Có những người chơi game rất cảm xúc, ăn thì hạnh phúc tột cùng, thua thì nỏng nảy tức giận. Có người chơi game để giải trí, có người thì chơi cực kỳ nghiêm túc, mua sách vở báo chí về đọc chừng nào ăn thì thôi. Có người chơi game rất tự kỷ, chơi một mình ở nhà, có người phải ra tiệm, có cộng đồng chơi mới vui…
Tôi thuộc loại chơi game cho vui, và cả trong business mình cũng có cái tư tưởng thua thì chơi lại. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: cái tính ấy có tốt hay không. Cạnh tranh thị trường thì ngày một khốc liệt, mình có nên chuyển sang máu ăn thua một chút chăng? Nhưng bù lại, chính việc xem mọi thứ như một trò chơi (người ta vẫn nói Life is a big game mà) mà tôi không xem ai như kẻ thù cả. Có thể trên thương trường đấu nhau sát ván, nhưng ra ngoài, bỏ công việc sang một bên vẫn có thể bắt tay, cùng uống nhau ly bia, ăn bữa cơm, chứ đâu có gì mà phải căng thẳng. Vì sau tất cả, chúng ta luôn cần đối thủ mà. Không có đối thủ, làm sao chúng ta duy trì được sự tập trung và tinh thần tiến lên?
Anh từng nói: làm gì cũng được, không chết là được, và mỗi năm chỉ mong VNG sống thêm được một năm nữa. Đến bây giờ, anh còn giữ tinh thần “sống theo từng năm” ấy không?
Tất nhiên là mình phải suy nghĩ dài hơn chứ. Có những dự án dài hơi mà mình phải tốn nhiều năm mới có thể thành công được. Chẳng hạn như việc xây dựng những con người kế cận, những người sẽ ngồi vào những chiếc ghế chủ chốt của VNG. Quá trình này đâu thể tính từng năm được. Có những team mà để tìm người quản lý tôi ước tính phải mất cả chục năm.
Và có khi đến năm thứ 9 thì… người ta bỏ đi mất?
Thì chịu thôi chứ sao giờ. Xem đấy là một thất bại của mình. Phải thừa nhận một cách thành thực là bài toán nhân sự VNG vẫn chưa làm được tốt lắm.
Muốn giữ người, nên chăng mình đưa ra được những điểm mạnh cốt lõi mà VNG có (và nơi khác có thể không có)?
Một trong những điểm mà mọi người ở VNG có thể tự hào đó là “integrity” (sự minh bạch, chính trực, rõ ràng). VNG không chấp nhận những sự lấp liếm, gian dối, không thực. Nghe thì có vẻ buồn cười, bởi vì lẽ ra “integrity” là điều bắt buộc phải có ở mọi môi trường làm việc. Nhưng ở Việt Nam không có nhiều môi trường, kể cả môi trường “international”, có thể duy trì được việc này. Nên những ai coi trọng “integrity” thì tôi tin họ sẽ làm việc được lâu dài với VNG.
VNG cũng cho mọi người không gian để phát triển và tự ra những quyết định. Chúng tôi khuyến khích mọi cuộc tự do tranh luận trong khuôn khổ công việc.

Một trong những điểm mà mọi người ở VNG có thể tự hào đó là “integrity” (sự minh bạch, chính trực, rõ ràng).

Nhưng người Việt tính cách lại thụ động, có khi họ lại thích có một người sếp chỉ việc, thay vì phải tự mình động não. Biết đâu cái mà anh nghĩ là mạnh của VNG lại… không mạnh?
Tôi không phải là một nhà xã hội học hay nhân chủng học để khẳng định người Việt Nam thế này hay thế kia. Nhưng tôi thì có một niềm tin là thực ra con người ở đâu cũng như nhau, khác chăng ta đặt họ vào một môi trường như thế nào. Chính môi trường khác biệt tạo ra những con người khác biệt. Người ta bảo người Việt Nam không xếp hàng. Nhưng thực ra người Việt Nam ra nước ngoài xếp hàng như bình thường. Nên nếu bạn tạo ra một môi trường kích thích sự phát triển của cá nhân, thì bạn sẽ nhìn thấy cá tính rõ ràng hơn. Một chuyện đơn giản: khi chúng tôi dời về tòa nhà này (Flemington Tower, 182 Lê Đại Hành), có một chuyện rất kinh khủng là thang máy. Vì đây là căn hộ, không phải văn phòng. Nhưng VNG cố gò mọi người phải tuân thủ việc sử dụng thang máy. Đa phần mọi người sẽ quen với việc muốn đi lên, nhưng cứ nhảy vào lúc thang đi xuống để xí chỗ rồi chờ cho đến khi nó đi lên. Tôi mới nói: chúng ta không làm việc đó, chúng ta sẽ phải xếp hàng, và không “ăn gian” thang máy. Không hề thưởng phạt gì cả, chúng tôi chỉ nhắc đi nhắc lại thông điệp ấy, và bản thân những người lãnh đạo cũng làm như thế. Nên rồi mọi thứ đâu vào đó. Dù hàng dài cách mấy, ai cũng phải tuân thủ và chờ đến lượt mình.
Trở lại với câu chuyện “integrity”, dường như anh luôn nỗ lực để làm đúng. Ngay cả khi toàn Việt Nam chơi game lậu không có bản quyền, anh đã lặn lội đi tìm mua bản quyền để được phát hành game…
Những phạm trù về luật pháp hay đạo đức thì không bàn tới, chúng ta phải cố tuân thủ rồi. Nhưng ở đây, tôi muốn thẳng thắn nói về những cái lợi của việc làm đúng. Đôi khi duy trì việc làm đúng sẽ không cho ra kết quả tức thì, nhưng sẽ mang lại những nguồn lợi dài hạn. Hãy quay trở về 15 năm trước đi. Lúc ấy nếu làm lậu thì cũng kiếm được tiền đó. Nhưng tôi tin là nếu mua bản quyền thì về lâu dài, tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền so với những bạn làm lậu. Thế là VNG bắt đầu hành trình ấy, vất vả làm những điều chưa ai từng làm, khổ cực vì việc thì một đống mà tiền thì chưa thấy đâu. Nhưng rồi thành quả đến thì ai cũng thấy là rất mỹ mãn. Nên làm điều đúng ở đây cũng có lý do thực dụng ở trong đó, chúng tôi tin đó là một con đường tốt, chứ không dám nhận vì chúng tôi là những người tốt đẹp, đạo đức gì đâu.
Hay như về thuế, VNG luôn khai thuế đầy đủ, thậm chí… khai dư. Bởi vì chúng tôi muốn đi một con đường dài, nên không muốn gặp bất kỳ một rắc rối nào. Chung quy lại, tiền đâu có mua được sự an lành của mình đâu, gian dối để rồi lo ngay ngáy làm gì?
Dù cố làm đúng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có “scandal”?
Vì cái mình tin là đúng với người khác họ nghĩ khi sai thì sao? Thuyền to sóng lớn, mình phải có “anti-fan” chứ. Những đối tượng ấy làm sao nói tốt cho mình được? Nếu bị những chuyện ấy mà bức xúc thì… bức xúc cả đời mất. Người ta đã không tin mình thì đâu thể giải thích được. Mình vẫn phải đi trên hành trình của mình và hy vọng họ sẽ hiểu mình thông qua hành động và kết quả của mình thôi.
Anh hay nói về hành trình, vậy cái hành trình ấy… dẫn đến đâu, và ước mơ lớn nhất của cá nhân Lê Hồng Minh là gì?
Nhiều người định nghĩa ước mơ là cần đạt được một cái gì đấy cụ thể. Tôi luôn coi ước mơ là một hành trình. Ví dụ: nếu ta ước mơ có một ngôi nhà có vườn trên Đà Lạt đi. Rồi khi đạt được cái đó rồi thì mình… không mơ nữa hay sao? Tôi không hề đặt ra hạn kỳ cho mình, làm tới thời điểm nào đó rồi về hưu, tiêu tiền, hay nhàn hạ. Với tôi, việc đi làm, đi chơi, thưởng thức cuộc sống là những việc song hành trong hành trình cuộc sống của mình.
Năm 20 tuổi tôi có một ước mơ: tạo ra ảnh hưởng đến càng nghiều người càng tốt. Lúc ấy tôi vẫn còn chơi game và học đại học, và chưa biết mình sẽ tạo ảnh hưởng theo con đường nào đây. Chỉ biết nó là mong muốn của mình. Và bây giờ tôi cảm thấy mình rất là may mắn khi vẫn đang sống trong ước mơ ấy.

Năm 20 tuổi tôi có một ước mơ: tạo ra ảnh hưởng tích cực đến càng nhiều người càng tốt. Và bây giờ tôi cảm thấy mình rất là may mắn khi vẫn đang sống trong ước mơ ấy.

Vậy trong 5 năm, 10 năm tới, mục tiêu của anh và VNG là gì?
5 hay 10 năm tới tôi muốn xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới, thay thế cho những người đã ở VNG từ những ngày đầu như tôi, anh Khải hay chị Diệp. Tôi muốn tiếp tục xây dựng VNG để những người trẻ có thể trưởng thành và tiếp tục viết những giấc mơ riêng của họ ở nơi đây. Tôi muốn những sản phẩm công nghệ hiện tại và tương lai của VNG sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng sâu rộng với hàng chục triệu người Việt, và hàng trăm triệu người khác trên thế giới.
Xin cảm ơn anh.
TechTalk via BINH BONG BOT
Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Techtalk