Là cường quốc công nghệ, tại sao Nhật Bản lại “lép vế” trong cuộc đua điện thoại thông minh?

Tram Ho

Ngành công nghiệp điện thoại thông minh của Nhật Bản hiện tại chiếm một phần rất khiêm tốn trong thị phần smartphone toàn cầu. Trên thực tế, có rất nhiều công ty sản xuất điện thoại di động ở Nhật Bản như Sony và Sharp. Tuy nhiên, sản xuất điện thoại vẫn không phải là mảng nổi trội của 2 thương hiệu đình đám này.

Thậm chí, ngay cả ở thị trường nội địa, thương hiệu điện thoại di động phổ biến nhất lại là Apple. Huawei cũng là thương hiệu đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Vậy tại sao một cường quốc công nghệ như Nhật Bản lại để mình “lép vế” trong cuộc đua điện thoại thông minh như thế?

Trang Sina đã dựa trên phân tích của một số chuyên gia công nghệ và đưa ra 4 lý do chính lý giải cho câu hỏi đặt ra ở trên như sau:

1. Văn hóa làm việc 

Là cường quốc công nghệ, tại sao Nhật Bản lại  "lép vế" trong cuộc đua điện thoại thông minh? - Ảnh 1.

Văn hóa làm việc ở Nhật được cho là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp smartphone. Các chuyên gia cho rằng việc các công ty Nhật Bản ít khi sa thải nhân viên và cơ chế thăng chức theo năm làm việc khiến cho cấp quản lý, lãnh đạo hầu hết là những người có tư duy kinh doanh kiểu cũ, nên chưa đủ nhạy bén để có thể chạy theo xu hướng.

2. Điện thoại thiếu sự đổi mới và sáng tạo

Tính thẩm mỹ cũng là một yếu tố quan trọng góp phần giúp cho các thương hiệu smartphone tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Tuy nhiên, điện thoại của Nhật Bản chưa đáp ứng được yêu cầu này. Theo Baidu, các thiết kế của điện thoại “made in Nhật Bản” không bắt kịp xu hướng thị trường và lạc hậu với thời đại.

Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc Nhật Bản là một quốc gia có dân số già. Theo số liệu năm 2021, Nhật là đất nước có dân số già nhất thế giới, với 29% số người trên 65 tuổi. Người già ở Nhật Bản chiếm đa số và nhu cầu về điện thoại di động đối với họ theo thời gian ít có sự khác biệt.

Là cường quốc công nghệ, tại sao Nhật Bản lại  "lép vế" trong cuộc đua điện thoại thông minh? - Ảnh 2.

Đối với đối tượng này, điện thoại di động có thể thực hiện cuộc gọi, nhắn tin và một số chức năng thông dụng. Nếu càng quá phức tạp thì càng khó sử dụng và ít thực tế đối với họ. Hơn nữa, thế hệ này cũng không quan tâm nhiều đến hình thức bên ngoài hay kết cấu bên trong của điện thoại. Trong khi sự đổi mới và phát triển của ngành công nghiệp smartphone vẫn phụ thuộc rất lớn vào ý kiến và trải nghiệm của giới trẻ.

Do đó, đây cũng là nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp smartphone ở Nhật Bản thiếu tính sáng tạo và đổi mới. Không thu hút được đối tượng khách hàng trẻ ở những thị trường quốc tế. Lấy ví dụ, Sony không chỉ sản xuất mà còn cung cấp các linh kiện điện tử cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Iphone. Camera của Iphone có sử dụng cảm biến Sony nhưng chất lượng hình ảnh lại được đánh giá tốt hơn vì họ biết cách tối ưu tốt phần mềm để chụp ảnh trên smartphone.

Trong thời đại smartphone tiến dần lên màn hình tràn viền, màn hình vô cực và trở thành xu hướng thì các nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản vẫn trung thành với những chiếc điện thoại với những thiết kế cũ kỹ.

3. Không giỏi tích hợp các nguồn lực

Ví dụ, Sony có bộ phận âm thanh và bộ phận máy ảnh, nhưng họ chưa mạnh ở việc truyền thông và tạo sức ảnh hưởng trên thị trường sản xuất và phân phối điện thoại di động.

4. “Tự nguyện” từ bỏ thị trường điện thoại di động

Một lý do khác khiến Nhật Bản “lép vế” trong cuộc đua điện thoại thông minh được đưa ra là vì các nhà sản xuất của Nhật Bản đã tự nguyện từ bỏ thị trường sản xuất điện thoại di động. Nguyên nhân vì họ cho rằng rất khó để kiếm được lợi nhuận từ việc sản xuất điện thoại. Trên thực tế, các thành phần linh kiện điện thoại của Nhật Bản vẫn mang lại lợi nhuận cao như máy ảnh và các loại cảm biến.

Trên đây là 4 lý do phổ biến nhất được đưa ra. Tuy nhiên, những lý do này vẫn vấp phải những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng lý do văn hóa làm việc cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp smartphone ở Nhật Bản là không đúng. Bởi cũng chung nền văn hóa đó, các lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, đồ gia dụng và các sản phẩm khác của Nhật Bản vẫn được ưa chuộng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế.

Còn lập luận về việc yếu kém trong việc tích hợp tài nguyên lại càng không hợp lý. PSP- máy chơi trò chơi điện tử cầm tay được phát triển và tiếp thị bởi Sony Computer Entertainment cũng là công trình tích hợp tài nguyên nhưng vẫn thu về thành công rõ ràng.

Lý do Nhật Bản tự nguyện từ bỏ thị trường điện thoại thông minh cũng chưa thực sự chuẩn xác. Bởi Nhật Bản không thực sự tự nguyện từ bỏ thị trường sản xuất điện thoại di động mà là buộc phải rút lui vì những đối thủ quá mạnh mẽ . Bên cạnh đó, việc kiếm lợi nhuận tạm thời từ việc cung cấp linh kiện này cũng không bền vững về lâu dài khi mà theo thời gian, các quốc gia khác cũng sẽ bắt đầu nghiên cứu và phát triển linh kiện thay thế.

Là cường quốc công nghệ, tại sao Nhật Bản lại  "lép vế" trong cuộc đua điện thoại thông minh? - Ảnh 3.

Trở lại với câu hỏi ban đầu: Tại sao Nhật Bản lại “lép vế” trong cuộc đua điện thoại thông minh? Trang Sina cho rằng điều này là do các công ty Nhật Bản chưa thực sự quen với sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp smartphone này.

Theo lý giải, chu kỳ đổi mới sản phẩm của ngành ô tô khá chậm, do đó các nhà sản xuất của Nhật vẫn có lợi thế nhất định. Còn các ngành điện gia dụng, đặc biệt là TV, tủ lạnh, máy giặt thì các doanh nghiệp Nhật đang dần mất tiếng nói do sự cạnh tranh của các nhà sản xuất đang lớn mạnh như Trung Quốc. Các hãng điện thoại Nhật Bản không thích ứng tốt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu nước ngoài nên họ chuyển hướng phát triển ở thị trường nội địa.

(Tổng hợp Sina, Baidu)

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk