Không có khả năng chống trầy xước, vậy lớp nhựa bảo vệ màn hình Galaxy Z Flip có tác dụng gì?

Tram Ho

Nghi vấn về màn hình Galaxy Z Flip cuối cùng đã có lời giải khi kênh YouTube nổi tiếng JerryRigEverything mổ xẻ hoàn toàn thiết bị này. Hóa ra màn hình Galaxy Z Flip thật sự có một lớp kính bảo vệ, dù nó rất mỏng. Và bên trên lớp kính siêu mỏng này quả thật có một lớp nhựa dẻo, nhưng tác dụng của nó để làm gì khi nó không có khả năng chống trầy xước?

Cuộc phỏng vấn của trang tin Hàn Quốc The Elec với các chuyên gia đến từ công ty Sekyung Hi-Tech, nhà cung cấp các tấm phim nhựa mỏng (tấm colorless polyimide: CPI) bảo vệ cho màn hình gập của cả Galaxy Fold và Galaxy Z Flip, đã mang lại lời giải thích cho bí ẩn này.

Tại sao Galaxy Z Flip lại cần tấm nhựa bảo vệ dù không chống được trầy xước?

Không có khả năng chống trầy xước, vậy lớp nhựa bảo vệ màn hình Galaxy Z Flip có tác dụng gì? - Ảnh 1.

Theo trả lời của cuộc phỏng vấn, dù có thể bẻ cong, nhưng lớp kính siêu mỏng UTG vẫn dễ gãy hơn so với nhựa và có xu hướng bị nứt vỡ khi bị làm rơi xuống sàn cứng hoặc bẻ cong quá mức.

Điều đó được chứng minh chính trong clip của JerryRigEverything khi góc màn hình được uốn cong lên và dù đang được bảo vệ bằng tấm nhựa mỏng CPI, các vết nứt vỡ mỏng như sợi tóc vẫn xuất hiện trên màn hình. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp bạn làm rơi chiếc smartphone này mà không có tấm nhựa dẻo để bảo vệ màn hình vào lúc đó.

Đó là lý do vì sao Samsung phải đặt thêm tấm bảo vệ này lên trên lớp kính siêu mỏng của Galaxy Z Flip, cho dù tấm phim trong suốt này vẫn khá mềm và có xu hướng dễ bị trầy xước hơn lớp kính siêu mỏng được nó bảo vệ bên dưới. Dù sao đi nữa, đây cũng là cái giá phải trả để thiết bị của bạn có thể sống sót được sau những tai nạn bất ngờ, hơn là những cú rạch dao cố tình trong clip.

Tác dụng của lớp kính siêu mỏng UTG trên Galaxy Z Flip

Tuy vậy, khi phát hiện ra lớp kính siêu mỏng trên Galaxy Z Flip, JerryRigEverything cũng phát hiện ra rằng, khả năng chống trầy xước của nó cũng chỉ khá hơn một chút so với tấm nhựa dẻo bảo vệ ở trên và vẫn kém xa so với lớp kính cường lực trên các điện thoại thông thường. Vậy tại sao lớp kính này vẫn được trang bị cho Galaxy Z Flip?

Trên thực tế, ban đầu tấm nhựa CPI từng được sử dụng phổ biến trên các điện thoại màn hình gập như Galaxy Fold, Huawei Mate X hay gần đây là cả Motorola Razr mới ra mắt, vì khả năng uốn cong và gập lại của mình. Tuy nhiên, tấm phim CPI này thường để lại vết nhăn ở vết gập giữa màn hình và khả năng hiển thị của nó cũng không đẹp bằng kính.

Không có khả năng chống trầy xước, vậy lớp nhựa bảo vệ màn hình Galaxy Z Flip có tác dụng gì? - Ảnh 2.

Hình ảnh động của Samsung cho thấy lớp kính và nhựa dẻo để bảo vệ màn hình Galaxy Z Flip bên dưới.

Chính vì vậy, Samsung đã phải bổ sung thêm lớp kính siêu mỏng UTG trên màn hình Galaxy Z Flip. Không chỉ cải thiện đáng kể khả năng hiển thị so với Galaxy Fold, nó cũng giúp hạn chế vết nhăn do nếp gấp chính giữa màn hình gây ra, ngay cả khi khe gập của Z Flip còn sát hơn nhiều Galaxy Fold.

Theo cuộc phỏng vấn của The Elec, nhiều khả năng chiếc Galaxy Z Fold 2 ra mắt trong tương lai sẽ tiếp tục sử dụng lớp kính bảo vệ UTG, cũng như cả tấm nhựa dẻo CPI bảo vệ bên trên, như với Z Flip. Nếu các nhà cung cấp kính UTG có thể mở rộng năng lực sản xuất của mình sang các tấm kích thước lớn hơn, nhiều khả năng chiếc điện thoại màn hình gập thứ 3 của Samsung sẽ có màn hình 8 inch khi mở ra.

Như bạn đã thấy, dù có hay không lớp kính bảo vệ, tấm nhựa dẻo phủ bên trên cùng vẫn rất cần thiết với các thiết bị màn hình gập trong tương lai. Có thể nó chưa thật sự bền bỉ và chống xước tốt như những gì người dùng kỳ vọng, nhưng với cách thức sử dụng thông thường, có lẽ nó chưa phải là vấn đề lớn.

Tham khảo PhoneArena


Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk