JavaScript muốn đặt chân lên desktop sau khi thống trị nền web

Ngoc Huynh

JavaScript ra đời từ năm 1995 để giúp trang web của bạn có thể trở nên thú vị và màu mè hơn. Kể từ thời điểm đó, ngôn ngữ lập trình này đã được sử dụng vào các tác vụ phức tạp hơn rất nhiều. Các công ty lớn như Google và Facebook dùng JavaScript để xây dựng các trang web hoạt động không kém gì ứng dụng desktop thông thường. Kể từ khi Node.js ra đời vào năm 2009, JavaScript cũng được sử dụng để xây dựng các phần mềm mạnh mẽ trên máy chủ. Nhưng ngay cả thế giới web rộng lớn cũng không đủ để JavaScript tung hoành.

Electron – một nền tảng phát triển phần mềm được tạo ra bởi Github, cho phép các nhà phát triển sử dụng JavaScript cùng với các công nghệ web khác như HTML và CSS để tạo ra các ứng dụng desktop mà có thể chạy trên Windows, Macintosh OS X và Linux. Hãng đã phát hành phiên bản đầy đủ đầu tiên của Electron vào hôm qua. Và hiện tại đã có nhiều gã khổng lồ sử dụng Electron. Chẳng hạn như: vào năm ngoái Microsoft đã phát hành code editor có tên gọi là Visual Studio Code được xây dựng bằng cách sử dụng Electron. Slack – dịch vụ chat cũng dùng Electron để phát triển ứng dụng nền desktop của mình. Nylas (tên gọi cũ là Inbox) đã sử dụng Electron để tạo ra trình duyệt mail. Và Brave, một công ty được tạo ra bởi Brendan Eich – cha đẻ của JavaScript, đã sử dụng Electron để xây dựng trình duyệt web mới.

Tại sao tất cả các công ty đều sử dụng JavaScript trong khi chúng ta đang có vô số cách để xây dựng các ứng dụng desktop? Có lẽ là do vị thế vững chắc của nó trên nền tảng web. Các nhà phát triển có rất nhiều cách để xây dựng các ứng dụng web phía máy chủ khi Node.js xuất hiện. Sự tồn tại của một ngôn ngữ đồng nhất cho cả client lẫn server rõ ràng đã đem lại lợi ích rất lớn cho các lập trình viên – điểm đến tiếp theo hiển nhiên sẽ là desktop.

Mã nguồn mở cho tất cả mọi người

Nhiều công ty đã và đang sử dụng Electron khi nó trở thành mã nguồn mở và mọi người có thể kiểm tra và chỉnh sửa code. Và càng có nhiều người hiểu rõ mã nguồn mở của bạn, thì càng có nhiều người có thể đóng góp việc fix các bug và các tính năng mới cho dự án ban đầu. Với việc sử dụng JavaScript, những công ty này đang mở ra các cánh cổng mới dành cho các lập trình viên đã biết rõ về ngôn ngữ nhưng lại không quen thuộc với các ngôn ngữ lập trình của desktop như C++…

Electron không chỉ cho phép các lập trình viên có thể phát triển ứng dụng desktop bằng ngôn ngữ “tiêu chuẩn” của nền web mà còn cho phép họ lựa chọn từ một kho thư viện và framework khổng lồ mà JavaScript đã sở hữu từ trước, giúp giảm thiểu công sức cần bỏ ra để thực hiện các tác vụ căn bản. Ví dụ, thay vì phải code lại từ đầu tính năng đăng nhập cho ứng dụng desktop, các nhà phát triển sử dụng Electron có thể tìm ra vô số các thư viện thực hiện tính năng này viết bằng JavaScript có sẵn trên mạng.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều công ty cũng đã có ý tưởng dùng các công nghệ phổ biến của nền web nhằm xây dựng ứng dụng desktop.

Jessica Lord, một trong các thành viên của đội ngũ Electron, khẳng định rằng công cụ của GitHub hiệu quả hơn đáng kể so với các giải pháp ra đời từ trước. Electron được tích hợp sẵn một bản tối giản của Chromium (phiên bản mã nguồn mở của Google Chrome). Điều này cho phép đội ngũ Electron có thể dễ dàng tích hợp các tính năng mới do Google cung cấp để tránh phải kiểm tra liệu từng phiên bản Chromium mới có làm hỏng các tính năng của Electron hay không.

Nỗ lực của GitHub đang được đền đáp xứng đáng. Số lượng các công ty tham gia đóng góp cho dự án Electron đã tăng lên mức trên 300 kể từ ngày dự án này bắt đầu vào 2 năm trước. Số lượt tải của Electron đã đạt mức 1 triệu lượt. Song, nền tảng của GitHub cũng sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ NW.js và React Native, bộ framework JavaScript được Facebook phát triển cho phép các lập trình viên xây dựng ứng dụng cho tất cả các hệ điều hành, bao gồm Windows, Xbox, iOS và Android.

Dù cho cuộc đua đưa JavaScript lên desktop kết thúc với phần thắng thuộc về ai, sự thật là ngôn ngữ web này đã tìm được một chỗ đứng mới trên nền desktop.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://www.wired.com/