Hệ thống thị giác nhân tạo với chip gắn thẳng vào não này sẽ giúp người khiếm thị “nhìn” lại được, chuẩn bị được thử trên người

Tram Ho

Hệ thống thị giác nhân tạo với chip gắn thẳng vào não này sẽ giúp người khiếm thị nhìn lại được, chuẩn bị được thử trên người - Ảnh 1.

Thiết bị điện tử được cấy ghép sinh học không còn là khoa học viễn tưởng, chỉ có điều chúng chưa đủ tiên tiến để cho chúng ta siêu sức mạnh. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, Úc đang rục rịch thử nghiệm hệ thống thị lực nhân tạo trên người; họ mong muốn đem lại ánh sáng cho người khiếm thị bằng một cách rất khác.

Hệ thống Gennaris hoạt động thông qua việc vượt qua rào cản dựng lên bởi những dây thần kinh thị giác đã bị hư hại, vốn chặn tín hiệu đi từ võng mạc lên phần xử lý hình ảnh của não bộ. Gennaris làm được vậy nhờ sử dụng một bộ thiết bị đeo đầu có camera, bộ phận truyền tín hiệu không dây, một “bộ xử lý hình ảnh” và một bộ chip có các điện cực được gắn trực tiếp lên não.

Hệ thống thị giác nhân tạo với chip gắn thẳng vào não này sẽ giúp người khiếm thị nhìn lại được, chuẩn bị được thử trên người - Ảnh 2.

Camera sẽ thu thập hình ảnh và đưa về bộ xử lý hình ảnh, sau đó tín hiệu được truyền tới những con chip được gắn trên não. Chip có nhiệm vụ chuyển dữ liệu thành các xung điện kích thích được não bộ. Hệ thống này đã được thử nghiệm trên cừu suốt nhiều ngàn giờ mà không xảy ra biến cố, hiện nhóm nghiên cứu tại Đại học Monash đã có được giấy phép thử nghiệm Gennaris trên người.

Dù vẻ ngoài không mấy bát mắt, nhưng ta không thể đánh giá thấp khả năng của bộ thiết bị đeo đầu. Nó cho phép người khiếm thị di chuyển trong môi trường trong nhà và ngoài trời, biết được đâu có đồ vật cản bước đi. Đây sẽ là một “bản nâng cấp” hữu hiệu cho phép người khiếm thị có thể sống tự lập một cách an toàn.

Dự án Gennaris đã kéo dài 10 năm nay với sự hậu thuẫn tài chính của chính phủ Úc, và đội ngũ nghiên cứu mong muốn mình sẽ sớm nhận thêm những khoản vốn mới trong những tháng cuối năm 2020. 

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk