Google khiến các nhà đầu tư tự tin thái quá và đưa ra nhiều quyết định sai lầm?

Tram Ho

Mỗi ngày, chúng ta đều cần phải đọc và hỏi hỏi để nâng cao kiến thức về tài chính. Nhưng tháng 10 này là một tháng đặc biệt mà người Mỹ tập trung nhiều hơn vào vấn đề này. Tháng 10 là Tháng An ninh Hưu trí Quốc gia với mục tiêu trong tháng là giúp “tăng hiểu biết về tài chính cá nhân cho tất cả người dân Mỹ”.

Trong nhiều năm, mức độ hiểu biết về tài chính không cao, vì thế nhu cầu trên không hề mới. Tuy nhiên, kiến thức về tài chính của nhiều người dường như đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới của xã hội hiện đại. Đó chính là internet.

Theo nghiên cứu của Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN) được đăng tải mùa hè qua, internet đã khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng họ biết nhiều hơn những gì họ thực sự có trong đầu. Kết quả của sự tự tin thái quá là danh mục đầu tư của họ hoạt động kém hiệu quả hơn.

Google khiến các nhà đầu tư tự tin thái quá và đưa ra nhiều quyết định sai lầm? - Ảnh 1.

Nghiên cứu của SSRN có tựa đề “Tự tin mà không có năng lực: Nghiên cứu Tài chính Trực tuyến và Ra quyết định Tài chính của Người tiêu dùng”. Nghiên cứu được hoàn thiện bởi giáo sư về marketing Adrian Ward tại đại học Texas ở Austin; giáo sư chuyên về marketing, kinh doanh và luật Tito Grillo tại Đại học Alberta và giáo sư Philip Fernbach tại Đại học Colorado.

Nghiên cứu đã đi đến một số kết luận khá thú vị. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng internet để trả lời cho các câu hỏi thắc mắc trong đầu khiến mọi người ngộ nhận rằng bản thân họ đã tiếp nhận được hết những kiến thức trên internet. Bởi vì sau khi dùng internet để tra cứu thông tin, phần lớn mọi người sẽ quên đi hành động đó.

Hiện tượng này đôi lúc được gọi là “hiệu ứng Google”. Đây là sự xóa nhòa về ranh giới giữa kiến thức có trong đầu và khiến thức trên internet, khiến mọi người nghĩ rằng họ biết nhiều hơn về những gì họ đang làm.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng hiệu ứng Google khiến các nhà đầu tư tự tin quá mức. Họ đã chứng minh cho kết luận này bằng việc chia nhà đầu tư thành hai nhóm giống nhau. Một nhóm sẽ truy cập internet để làm bài kiểm tra về kiến thức đầu tư. Sau đó, các nhà nghiên cứu đưa ra cho họ một thử thách về lĩnh vực đầu tư giống hệt nhau. Sau khi các nhà đầu tư xây dựng danh mục đầu tư của mình, họ được hỏi sẽ đặt cược bao nhiêu tiền vào kết quả hoạt động từ danh mục đầu tư của họ.

Không có gì ngạc nhiên khi nhóm được quyền truy cập internet đạt điểm cao hơn so với nhóm không được sử dụng internet. Nhóm có điểm số cao hơn cũng đặt cược nhiều tiền hơn vào tính hiệu quả từ các lựa chọn đầu tư của họ. Điều này cho thấy sự tự tin cao hơn vào khả năng đầu tư của bản thân.

Tuy nhiên, sự tự tin thái quá của nhóm nhà đầu tư có điểm số cao này đã đặt nhầm chỗ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trung bình các nhà đầu tư trong nhóm này lại thu được lợi nhuận thấp hơn nhiều so với nhóm còn lại.

Hiện tượng này được gọi là “tự tin mà không có năng lực” mà các nhà nghiên cứu đã đề cập trên tiêu đề của nghiên cứu. Lợi nhuận thấp của nhóm nhà đầu tư có điểm cao hơn dường như là do họ sẵn sàng chịu nhiều rủi ro hơn.

Nghiên cứu mới này nhắc nhở các nhà đầu tư về sự nguy hiểm của việc tự tin thái quá và đức tính khiêm tốn cần thiết. Nhưng điều giá trị mà nghiên cứu mang đến, cũng là điều đáng lo ngại nhất, đó là cách mà các nhà đầu tư sử dụng internet để tăng cường sự tự tin của bản thân mà không hề ý thức được điều đó.

Hệ quả của internet không phải là tình cờ. Sergey Brin, người đồng sáng lập của Google, đã nói tại một sự kiện vào năm 2010: “Chúng tôi muốn Google trở thành nửa thứ ba trong bộ não của bạn”. Các tác giả của nghiên cứu gần đây giải thích tuyên bố đó có nghĩa là Google xóa mờ “ranh giới giữa kiến thức có trong đầu một người và kiến thức có trên internet”. Vì vậy, các nhà nghiên cứu nhắn nhủ các nhà đầu tư cần luôn thận trọng.

Theo MarketWatch

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk