Gần 620.000 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma

Tram Ho

Gần 620.000 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma - Ảnh 1.

Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet vào tháng 8 là 619.610

Thông tin được chia sẻ trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 29/8. Theo đó, trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet trong tháng 8 là 619.610 địa chỉ, giảm 5% so với tháng 7 và giảm 43,1% so với cùng kỳ 2021.

Botnet được gọi là mạng máy tính ma gồm các thiết bị máy tính bị chiếm quyền điều khiển được sử dụng để thực hiện những cuộc tấn công mạng.

Thống kê của Cục An toàn thông tin chỉ ra rằng 7 tháng đầu năm 2022, trong 7.624 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào hệ thống thông tin tại Việt Nam, các sự cố cài mã độc có số lượng nhiều nhất, với 4.703 sự cố, chiếm hơn 61,6% và gấp tới 4,3 lần số cuộc tấn công thay đổi giao diện.

Trước đó, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 cho thấy trong 6 tháng đầu năm, số địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet là 704.939 và mục tiêu đến cuối năm 2022 chỉ còn 500.000 địa chỉ.

Gần 620.000 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma - Ảnh 2.

Hacker nhắm đến nhiều website trong nước

Năm 2021, Việt Nam có hơn 3.300 website trong nước bị xâm nhập và thay đổi giao diện, trung bình hàng tháng hơn 700.000 IP Việt Nam nằm trong mạng botnet.

Trong tháng 8, số lượng website lừa đảo bị chặn là 163, tăng 83,1% so với tháng 7, tăng 89,5% so với cùng kỳ tháng 8/2021. Số thuê bao đăng ký sử dụng ký số từ xa đến tháng 8 là 30.550 người, tăng 153% so với tháng 7, tương đương 18.491 thuê bao.

Lĩnh vực thông tin truyền thông tăng tốc

Trong tháng 8, về lĩnh vực bưu chính, kinh tế vĩ mô ổn định tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bưu chính tăng trưởng về sản lượng, doanh thu. Doanh thu bưu chính tháng 8 ước đạt 5.000 tỷ đồng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng bưu chính ước đạt trên 186 triệu bưu gửi, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số loại sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử trong tháng 8 là 185.513 sản phẩm.

Về lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 8 Việt Nam có hơn 170 thành viên triển khai công nghệ ký số tài nguyên Internet. Tỷ lệ ký số tài nguyên Internet trên dữ liệu xác thực định tuyến Việt Nam đạt 61% (tăng 44% so với 2021, cao gấp 2 lần mức trung bình toàn cầu, cao gấp 1,6 lần khu vực ASEAN).

Số lượng thuê bao băng rộng cố định đạt 20,73 triệu thuê bao, tăng 0,34% so với tháng trước. Tốc độ tăng trưởng ổn, ước đến cuối năm 2022 đạt 21,7 triệu thuê bao. Thuê bao băng rộng di động đạt 81,8 triệu tăng 0,4% so với tháng 7.

Về lĩnh vực chuyển đổi số, tính đến ngày 20/8, tổng số dịch vụ hành chính công trực tuyến do các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cung cấp đạt 119.464. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 84.286.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 51,49%, tăng 4,6% so với tháng 7. Việc triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng tính đến ngày 23/8 đạt 49/63 tỉnh thành, với 42.469 Tổ công nghệ số cộng đồng và 208.308 người tham gia.

Về lĩnh vực kinh tế số, tính đến ngày 19/8, chương trình SMEdx (hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) có khoảng 379.865 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc. Trong số này, 56.267 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng của chương trình.

Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu trong tháng 8 ước đạt 334.866 tỷ đồng tăng trưởng 19% so với cùng kỳ 2021 (281.172 tỷ đồng) và tăng trưởng 36,56% so với tháng 7 (245.220 tỷ đồng). Doanh thu tăng đột biến do chính sách mở cửa nền kinh tế của Chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu và sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng.

Trong năm 2021, có 27 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số. Đến năm 2022 có 43/63 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Mục tiêu đến hết 2022, 63 tỉnh, thành phố sẽ có kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, trong tháng 8, số đầu xuất bản phẩm in là 3.000 xuất bản phẩm. Số đầu xuất bản phẩm điện tử là 326 xuất bản phẩm, tăng 24% so với tháng 7, tương đương 63 xuất bản phẩm. Tháng 8/2021, các nhà xuất bản không đăng ký xuất bản phẩm điện tử. Ngoài ra, tính đến tháng 8, có 9/13 nhà xuất bản có đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử sử dụng nền tảng phát hành điện tử dùng chung.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – truyền thông sớm hoàn thiện Luật Viễn thông, Luật Công nghiệp công nghệ số. Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện, Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện công tác đấu giá tần số, tài nguyên mạng.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk