Đã đến lúc nên ngừng “hoài cổ”, đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa

Tram Ho

Trong lịch sử ngành di động, đã có rất nhiều thương hiệu xuất hiện rồi biến mất. Ngành công nghệ nói chung và di động nói riêng dành tất cả nỗ lực để hướng tới tương lai, nhưng đã hết lần này đến lần khác cố gắng hồi sinh các thương hiệu đang chết dần hoặc đã qua những tháng ngày vinh quang. Thật không may, những nỗ lực này chưa bao giờ đạt được hiệu quả như mong đợi.

BlackBerry

Ví dụ gần đây nhất về thất bại khi hồi sinh một thương hiệu là câu chuyện của Onward Mobility và BlackBerry. Công ty đã công bố kế hoạch xây dựng lại thương hiệu BlackBerry vào năm 2020. Hai năm sau, không có điện thoại nào ra mắt và Onward Mobility đã đóng cửa. Công ty này cũng không phải là người đầu tiên thất bại trong công cuộc hồi sinh BlackBerry.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 1.

BlackBerry nổi tiếng vì những chiếc điện thoại dành cho doanh nhân. Nhà sản xuất Canada đã xây dựng hoạt động kinh doanh của mình xung quanh dịch vụ BlackBerry Messenger. Ứng dụng trò chuyện, ra mắt vào năm 2005, cho phép người dùng chia sẻ văn bản, ảnh, ghi chú thoại và thậm chí gọi điện, đó cũng là những gì sau này Apple áp dụng trên iMessage.

Giống như iMessage và iPhone, BBM chỉ dành riêng cho người dùng BlackBerry cho đến năm 2013. Dịch vụ này đã giúp BlackBerry thu hút và quan trọng hơn là giữ chân được hàng triệu người dùng. Lợi thế đó nhanh chóng bị mất đi khi công ty tốn quá nhiều thời gian để chuyển sang nền tảng BlackBerry 10. Trong thế giới của iPhone và các thiết bị Android, hệ điều hành BlackBerry cổ lỗ không có cơ hội, nỗ lực cuối cùng là mở rộng BBM sang Android và iOS cũng không giúp được cho BlackBerry.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 2.

Khi Research In Motion, công ty mẹ của BlackBerry, quyết định ngừng hoạt động, họ đã cấp phép tên thương hiệu BlackBerry cho TCL, Optiemus Infracom và những hãng khác. Các công ty này mang bàn phím vật lý trở lại, nhưng tất cả đã là quá muộn. Các điện thoại tiếp theo dựa trên Android không có linh hồn của BlackBerry và với việc công ty tắt hoàn toàn các dịch vụ trò chuyện, những điện thoại này chỉ đơn giản là mang cái tên BlackBerry.

Palm

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Palm. Di sản của Palm nằm ở nhiều loại thiết bị PDA mà hãng đã phát triển. Được thành lập vào năm 1992, công ty tạo ra những thiết bị di động thông minh trước khi thời kỳ smartphone mà chúng ta biết bắt đầu và đặt nền móng cho các giao diện hiện đại khi ra mắt WebOS vào năm 2009. Palm Pre ra mắt vào năm đó và giới thiệu smartphone có khả năng đa nhiệm đầu tiên trên thế giới. Di sản của nó tồn tại trong giao diện dựa trên thao tác vuốt mà chúng ta đã quá quen thuộc trên iPhone và các thiết bị Android ngày nay.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 3.

Giống như BlackBerry, Palm cũng đã qua tay một vài công ty. HP nhận thương hiệu vào năm 2010 nhưng nhanh chóng bán nó cho TCL sau thất bại của máy tính bảng TouchPad dựa trên WebOS. Và một lần nữa, TCL lại không nhận ra điều gì đã khiến Palm trở nên đặc biệt.

Nỗ lực hồi sinh Palm gần đây nhất là một chiếc smartphone cỡ nhỏ được huy động vốn từ cộng đồng, nhưng cũng không dựa trên những đặc điểm mang nét riêng của Palm, mà chỉ gây chú ý bởi cái tên thương hiệu. Chiếc điện thoại có kích thước bằng lòng bàn tay (tiếng Anh: palm) được thiết kế như một thiết bị đồng hành với những chiếc điện thoại lớn hơn.

Trên thực tế, khi ra mắt, nó chỉ có thể sử dụng khi được ghép nối với thiết bị thứ hai. Ai cũng nhận ra nhu cầu thị trường cho một sản phẩm như vậy là rất nhỏ và tất nhiên không thể đạt được thành công, nó đã biến mất kể từ năm 2019.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 4.

Hết lần này đến lần khác, sự thất bại của những công ty trên đã chứng minh rằng gần như không thể phục hồi một thương hiệu chỉ dựa vào tên tuổi của nó. Các chiếc BlackBerry và Palm mới không liên quan nhiều đến thiết bị gốc và những điều đã khiến chúng trở nên tuyệt vời.

Các ứng dụng và dịch vụ đi kèm, vốn là chìa khóa bán hàng của BlackBerry và Palm đã không còn chỗ đứng nữa. Vào năm 2016, BlackBerry Messenger không còn đủ sức để trở thành điểm hút khách hàng cho những người dùng BlackBerry. Trong khi đó, điện thoại Palm mới chỉ là chiếc điện thoại nhỏ gọn được thiết kế cho một thị trường không tồn tại.

Nokia

Nhưng không phải tất cả đều thất bại hoàn toàn. HMD Global tiếp quản Nokia được 5 năm trên thị trường và đã tồn tại nhờ một số đặc tính cốt lõi làm nên sự tuyệt vời của Nokia – độ tin cậy, chất lượng sản xuất tốt.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 5.

HMD có thể không thành công trên thị trường flagship, nhưng những chiếc điện thoại giá rẻ và cơ bản là một chiếc lược kinh doanh hữu hiệu. Với việc rời khỏi thị trường smartphone cao cấp, Nokia ngày nay có thể không phải là một Nokia mà mọi người mong muốn và không phải một Nokia mà chúng ta đã được hứa hẹn, nhưng công ty vẫn đang sản xuất những sản phẩm khá tốt. Điều này có thể giúp Nokia tiếp tục tồn tại.

Tuy nhiên, đây không phải là một chiến lược cần thương hiệu Nokia. Những chiếc smartphone tầm trung và giá rẻ gần như không có nét gì gợi nhớ đến Nokia cả, chỉ còn những điện thoại cơ bản mang tính “hoài cổ” dựa trên thiết kế trong quá khứ. HMD đã hoàn toàn thất bại trong việc sử dụng các vật liệu thú vị, thiết kế sáng tạo, tính năng đột phá và camera hàng đầu, những đặt tính còn lại giúp làm nên thành công của thương hiệu Nokia.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 6.

Trên thực tế, bỏ qua điện thoại cơ bản, Nokia của HMD chỉ là một tập hợp các sản phẩm Android chung chung, không có nét riêng. Có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút, nhưng HMD nhiều khả năng sẽ đạt được những gì họ có trên thị trường tầm trung ngày nay mà không cần đến thương hiệu Nokia.

Chế tạo một chiếc smartphone là không đơn giản và sự hoài cổ không thể đưa một công ty đi xa được. Việc xây dựng công ty gắn liền với di sản lâu đời của một thương hiệu khổng lồ trong quá khứ chỉ có thể hữu ích khi công ty nhận ra điều gì đã làm nên thành công của những thương hiệu đó.

Đã đến lúc nên ngừng "hoài cổ", đừng hồi sinh Nokia, BlackBerry, Palm nữa - Ảnh 7.

Đưa một thương hiệu phổ biến lên chiếc smartphone Android bình thường không những mang lại hiệu quả thấp, mà còn có thể tiêu diệt di sản của một thương hiệu. Một thương hiệu chỉ có thể hồi sinh nếu nó lấp đầy được khoảng trống trên thị trường. Bản thân các thương hiệu ngừng tồn tại cũng chính vì họ không còn phục vụ được các mục đích mà khách hàng yêu cầu, điều này càng khiến cho việc trở lại còn khó khăn hơn.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên để những thương hiệu này thật sự yên nghỉ, thay vì phá hủy di sản chỉ để kiếm tiền dễ dàng hơn.

Tham khảo: AA

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk