Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đến đỉnh điểm?

Tram Ho

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về việc Trung Quốc hạn chế bán chip Micron cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin trong nước. Động thái này dường như không phù hợp với tuyên bố mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ một khung pháp lý minh bạch của Trung Quốc”.

Ông Miller nói rằng Bộ Thương mại đang giải quyết các mối quan ngại của Mỹ với Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ khẳng định sẽ hợp tác với các đồng minh để giải quyết “những biến dạng của thị trường chip bởi các hành động của Trung Quốc”.

Hành động của phía Mỹ được đưa ra ít lâu sau khi cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc công bố, các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron (Mỹ) đã không vượt qua cuộc đánh giá an ninh mạng.

Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đến đỉnh điểm? - Ảnh 1.

Chip nhớ của gã khổng lồ Macron (Mỹ) xuất hiện tại một triển lãm công nghệ ở Đức năm 2015. Ảnh: Reuters

Trong ngày 22-5, Công ty chip Micron thông tin họ đang cân nhắc các bước hành động tiếp theo. Micron thông báo: “Chúng tôi muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc”.

Theo nhà phân tích Mark Li của hãng Sanford C. Bernstein, trong tình huống xấu nhất, Micron sẽ mất khoảng 11% doanh thu do lệnh cấm. Trang Nikkei dẫn lời nhà phân tích Brady Wang thuộc hãng nghiên cứu Counterpoint dự đoán nếu lệnh cấm sản phẩm Micron tại Trung Quốc diễn ra lâu dài (2,3 năm hoặc lâu hơn), những công ty cạnh tranh từ Hàn Quốc sẽ được lợi.

Quyết định của Bắc Kinh được đưa ra trước thềm chuyến thăm Washington của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Mới đây, phát biểu tại một hội thảo ở Thượng Hải với sự góp mặt của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, các Tập đoàn Johnson & Johnson và Honeywell International (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục chào đón các công ty Mỹ tới phát triển tại nước này.

Ông Vương nêu rõ: “Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và cải thiện. Tiềm năng thị trường tiếp tục được giải phóng. Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm công ty Mỹ”.

Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đến đỉnh điểm? - Ảnh 3.

Công tố viên Đức buộc tội 4 cựu giám đốc điều hành của một công ty đã bán phần mềm bất hợp pháp cho các cơ quan mật vụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DPA

Trong một diễn biến khác, kênh truyền hình Deutsche Welle (DW) ngày 22-5 đưa tin các công tố viên Đức buộc tội 4 cựu giám đốc điều hành của Công ty FinFisher. Công ty này bán phần mềm bất hợp pháp cho các cơ quan mật vụ của Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi phe đối lập của nước này.

Theo các công tố viên ở miền Nam nước Đức, Công ty FinFisher ký một thỏa thuận trị giá hơn 5,4 triệu USD vào năm 2015 để bán phần mềm giám sát cho tình báo Ankara, cùng với việc đào tạo và hỗ trợ. Phần mềm gián điệp cho phép những người dùng giành quyền kiểm soát máy tính và điện thoại thông minh, cũng như theo dõi thông tin liên lạc.

Các công tố viên cho biết phần mềm Finspy được cung cấp cho một phong trào đối lập Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017, tải xuống từ một trang web “với mục đích giả mạo, nhằm theo dõi họ”.

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk