Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số

Tram Ho

Cuba, đất nước Mỹ Latinh bị Mỹ cấm vận trong hơn nửa thế kỷ, đang bước vào làn sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch. Số ca nhiễm mới trên ngày được báo cáo ở mức kỷ lục, trên 2.000 ca. Nhưng có vẻ, họ đang phản công lại một cách tích cực bằng chiến dịch tiêm chủng mở rộng với những loại vắc-xin do chính các nhà khoa học Cuba nghiên cứu và sản xuất.

Với việc từ chối tham gia sáng kiến vắc-xin toàn cầu COVAX, trong đó Liên Hợp Quốc sẽ tài trợ miễn phí vắc-xin COVID-19 cho một số quốc gia, Cuba sẽ không nhận được các loại vắc-xin của Phương Tây sản xuất. Họ cũng từ chối nhập khẩu vắc-xin của Nga và Trung Quốc để quyết định đặt cược vào 5 loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển nội địa.

Có vẻ như canh bạc của họ đã thành công“, tờ New York Times nhận định, trích dẫn báo cáo của Cơ quan y tế Cuba cho biết một loại vắc-xin COVID-19 của nước này đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với hiệu quả được chứng minh lên tới hơn 92%.

Điều đó sẽ đưa vắc-xin của Cuba vào nhóm các loại vắc-xin COVID-19 hiệu quả nhất thế giới, vượt qua Sputnik V của Nga có hiệu quả 91,6% chỉ kém vắc-xin của Moderna và Pfizer-BioNTech với hiệu quả lần lượt là 94,1% và 95%.

Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số - Ảnh 1.

Ngôi sao khoa học đang lên của Cuba

Vắc-xin COVID-19 mới nhất của Cuba được nghiên cứu và phát triển tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) ở Havana. Nó được đặt tên là Abdala, theo tên một nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của anh hùng dân tộc, biểu tượng quốc gia Cuba: Jose Marti.

Đó là bài thơ ái quốc của Jose Marti kể về một anh hùng trẻ tuổi tên là Abdala đã xông pha trận mạc để bảo vệ tổ quốc. Abdala là biểu tượng cho người anh hùng Cuba tràn đầy nhiệt huyết yêu nước, bất chấp kẻ thù có mạnh đến đâu.

Theo quan điểm của nhiều người Cuba, đó là cái tên hoàn hảo để đặt cho loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Mỹ Latinh. Và đó cũng là hình ảnh hoàn hảo cho câu chuyện về một quốc đảo nhỏ với 11 triệu dân không thể bị đánh bại bởi bất kỳ kẻ thù nào, kể cả một chủng virus chết người dù vẫn đang trong cuộc phong tỏa kinh tế kéo dài 60 năm của Hoa Kỳ.

Vắc-xin Abdala cũng là biểu tượng của một đất nước Cuba tự hào có nhiều nhà khoa học lỗi lạc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Một trong số đó là Gerardo Enrique Guillen Nieto, giám đốc nghiên cứu y sinh tại CIGB, nơi vắc-xin Abdala được phát triển.

Chủ Nhật tuần trước vào Ngày của Cha, truyền hình Cuba đã chiếu một đoạn phim tuyên truyền có sự góp mặt của Guillen Nieto, 58 tuổi. Cùng với âm nhạc du dương, nó mở đầu bằng hình ảnh nhà khoa học đang ở trong phòng thí nghiệm. Con trai của Guillen Nieto xuất hiện trước máy quay để nói về những ngày làm việc không biết mệt mỏi của cha mình cho dự án vắc-xin COVID-19.

Chúng tôi đã làm việc toàn thời gian kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, không một giây phút ngơi nghỉ“, nhà khoa học đáng kính cho biết trong clip.

Và chúng tôi rất phấn khởi khi kết quả đạt được đã vượt quá sự mong đợi. Chúng tôi biết loại vắc-xin này sẽ rất tốt, nhưng ngay cả tôi cũng không mong đợi kết quả tốt đến như vậy”.

Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số - Ảnh 2.

Gerardo Enrique Guillen Nieto, giám đốc nghiên cứu y sinh tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB).

Theo tập đoàn công nghệ sinh học nhà nước, BioCubaFarma, Abdala đã chứng minh được 92,28% hiệu quả chống lại COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng, điều này sẽ xếp nó ngang hàng với các loại vắc-xin hiệu quả nhất BioNTech-Pfizer và Moderna. Những tràng pháo tay lớn đã nổ ra trong khán phòng của CIGB tuần này khi kết quả ấn tượng được công bố.

Kể từ đó, Guillen Nieto ngập trong các yêu cầu phỏng vấn. Cả thế giới muốn biết công thức thành công của Abdala.

Vắc-xin COVID-19 của Cuba không phải là vắc-xin vectơ cũng như không hoạt động với công nghệ mRNA. Thay vào đó, nó là một loại vắc-xin protein tái tổ hợp. Điều đó có nghĩa là nó mang một phần gai protein mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để liên kết với các tế bào của con người.

Các gai protein này bám vào thụ thể trên tế bào người sau đó kích hoạt phản ứng miễn dịch giúp cơ thể nhận diện được virus SARS-CoV-2 và tiêu diệt chúng. Các nhà khoa học Cuba đã sử dụng nấm men để sản xuất các protein gai này và dùng chúng làm vắc-xin.

Vắc-xin Abdala đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I/II từ tháng 7 năm 2020. Các nhà nghiên cứu đăng ký thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin này từ tháng 3 năm 2021. Theo đó, vắc-xin sẽ được tiêm cho 48.000 người, mỗi người nhận 3 liều tất cả, mỗi liều cách nhau 2 tuần.

Nhưng tới tháng 5, đứng trước sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng COVID-19 Nam Phi, các cơ quan y tế Cuba đã quyết định khởi động một chương trình tiêm chủng hàng loạt trước khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.

Hơn 2,2 triệu người Cuba, tương đương 20% dân số đã được tiêm vắc-xin Abdala cùng với Soberana 2 một vắc-xin COVID-19 khác cũng do Cuba sản xuất nhưng có hiệu quả thấp hơn, khoảng 62% sau 2/3 mũi tiêm.

Đây là những loại vắc-xin đầu tiên được phân phối trên quốc đảo này kể từ khi Cuba từ chối nhập khẩu bất kỳ mũi tiêm nào từ Nga hoặc Trung Quốc. Cuba cũng đã quyết định không tham gia sáng kiến ​​COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn.

Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số - Ảnh 3.

Một người đàn ông Cuba được tiêm vắc-xin COVID-19 tại thủ đô Havana.

“Chúng tôi biết rằng cuối cùng chúng tôi luôn phải dựa vào thực lực, vào sức mạnh và khả năng của chính mình“, Guillen Nieto nói.

Kết quả là chúng tôi đã có một hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ miễn phí mà còn được kiểm soát tập trung. Hệ thống y tế của chúng tôi đã hoàn thiện khả năng ứng phó nhanh với thảm họa, thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, với các chiến dịch tiêm chủng hoặc thậm chí là sản xuất vắc-xin”.

Chiến dịch tiêm phòng đẩy lùi làn sóng lây nhiễm COVID-19

Các quan chức y tế Cuba cho biết chiến dịch tiêm chủng như một nghiên cứu can thiệp (ntervention study) đã thành công. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở thủ đô Havana, nơi các liều vắc-xin Abdala được phân phối đang chậm lại.

Theo Guillen Nieto, 2,2 triệu người Cuba đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, 1,7 triệu người đã tiêm mũi thứ hai và 900.000 người được tiêm đầy đủ cả ba liều. Chính phủ Cuba dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm vắc-xin COVID-19 trước tháng 8.

Đó là một cuộc chạy đua với thời gian khi số ca nhiễm mới COVID-19 ở Cuba đang tăng đều đặn với hơn 2.000 ca nhiễm mỗi ngày. Gần 1.200 người ở quốc đảo này đã chết vì COVID-19. Nhưng Guillen Nieto tin tưởng vào chiến dịch tiêm chủng lần này, thứ sẽ đem lại cho Cuba lợi thế so với các quốc gia khác trên thế giới khi phản công trong cuộc chiến với virus corona.

“Ở đất nước chúng tôi, người dân luôn đặt niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống y tế nhà nước“, ông nói. “Ví dụ, chúng tôi không bao giờ gặp vấn đề trong việc tìm kiếm tình nguyện viên khi thử nghiệm vắc-xin lâm sàng. Ở Cuba, mọi người cực kỳ mong muốn được tiêm chủng. Không người dân nào nghĩ đến việc không tiêm chủng vì mọi người đều biết tiêm chủng quan trọng như thế nào”.

Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số - Ảnh 4.

Một hội đồng chuyên gia độc lập ở Havana hiện sẽ xem xét kỹ lưỡng vắc-xin Abdala và dự kiến ​​phê duyệt khẩn cấp chính thức loại vắc-xin này trong hai tuần tới. Sau đó, Cuba cũng có thể nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để chấp thuận cho Abdala sử dụng trên phạm vi quốc tế. Các quốc gia bao gồm Mexico, Argentina, Iran và Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến vắc-xin COVID-19 của Cuba.

Vào tháng 6, Bộ Y tế Việt Nam thông báo rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Cuba và Việt Nam để sản xuất vắc-xin Abdala. Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) được chọn làm đầu mối tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Đại diện WHO chia sẻ sự lạc quan và tin tưởng vào vắc-xin của Cuba

Nhưng liệu Abdala có thực sự là loại vắc-xin thần kỳ như những con số hứa hẹn? Trong khi các nhà khoa học Cuba chưa công bố dữ liệu chi tiết về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cũng như nghiên cứu can thiệp của họ, có lẽ Jose Moya là người thích hợp nhất để đánh giá điều này.

Vị bác sĩ, nhà dịch tễ người Peru bắt đầu sự nghiệp của ông 30 năm trước ở quê nhà Ayacucho, sau đó tiếp tục làm việc cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Guatemala, Mozambique và Nigeria.

Trong 2 năm qua, Moya là đại diện tại Cuba của PAHO (Tổ chức Y tế Liên Mỹ), một tổ chức khu vực của WHO có văn phòng ở 27 quốc gia. Và ông ấy tin tưởng những số liệu mà Cuba công bố.

“Viện Nghiên cứu CIGB có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu vắc-xin. Tôi tin tưởng vào kết quả đã được công bố. Đây là những nghiên cứu nghiêm túc, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các tổ chức cam kết về mặt khoa học”, Moya nói.

Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số - Ảnh 5.

Bác sĩ Jose Moya đại diện tại Cuba của PAHO (Tổ chức Y tế Liên Mỹ) thể hiện sự tin tưởng vào vắc-xin COVID-19 của Cuba.

Có thể nhìn vào thực tế rằng 80% tất cả các loại vắc-xin của Cuba được sản xuất trong nước, vì vậy Moya không ngạc nhiên nếu vắc-xin Abdala có thể cho hiệu quả bảo vệ cao. Ông nói đó chỉ đơn giản là kết quả khả dĩ của một hệ thống chăm sóc sức khỏe đã hoạt động tốt và ổn định trong suốt nhiều thập kỷ.

Trong những năm gần đây, Cuba đã rất chú trọng trong việc đầu tư cho ngành công nghiệp công nghệ sinh học quốc doanh của mình . Sau cuộc cách mạng năm 1959, các công ty dược phẩm thuộc sở hữu nước ngoài và trong nước đã được quốc hữu hóa.

Điều này tạo điều kiện cho chính phủ Cuba trực tiếp điều hành ngành công nghiệp công nghệ sinh học tập trung kể từ đó. Vì thuộc sở hữu của nhà nước và không được hỗ trợ bởi nguồn tài chính đầu cơ, ưu tiên của Cuba trong việc phát triển vắc-xin không phải là tiền hay lợi nhuận. Sức khỏe của người dân mới là thứ họ đặt lên hàng đầu.

Cuba báo cáo vắc-xin COVID-19 tự phát triển hiệu quả tới 92%, đã tiêm cho 20% dân số - Ảnh 7.

Tham khảo Nytimes, Dw

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk