Có thể bạn chưa biết: HĐH Android ban đầu được phát triển cho máy ảnh, chứ không phải điện thoại

Tram Ho

Ngày nay, Android đồng nghĩa với smartphone. Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới, với khoảng hơn 2,5 tỷ thiết bị hoạt động. Tuy nhiên nhiều người không biết rằng, Android ban đầu được phát triển cho máy ảnh kỹ thuật số chứ không phải cho điện thoại.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về kinh tế tại Tokyo năm 2013, nhà đồng sáng lập Android – ông Andy Rubin – tiết lộ rằng hệ điều hành này thực chất được phát triển cho những chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Mục đích là tạo ra một nền tảng cho máy ảnh, mà có thể tích hợp lưu trữ đám mây cho ảnh và video.

Có thể bạn chưa biết: HĐH Android ban đầu được phát triển cho máy ảnh, chứ không phải điện thoại - Ảnh 1.

Android thực chất được phát triển cho những chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Đó là một giải pháp hữu ích, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ ảnh và video với dung lượng không giới hạn, đồng thời có thể dễ dàng chia sẻ với nhiều thiết bị khác nhau. Andy Rubin còn chia sẻ bản slide mà ông dùng để thuyết trình trước các nhà đầu tư vào năm 2004. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã không được các nhà đầu tư đón nhận, vì vậy dự án đã bị chấm dứt ngay sau đó.

“Chúng tôi nhận ra rằng máy ảnh kỹ thuật số không phải là một thị trường đủ lớn”

Khoảng 5 tháng sau cuộc gặp mặt các nhà đầu tư vào năm 2004, Andy Rubin và các đồng nghiệp trong nhóm phát triển Android quyết định thay đổi chiến lược. Họ nhận ra rằng máy ảnh kỹ thuật số không phải là một thị trường đủ lớn, và nhìn thấy một cơ hội khác trong thị trường điện thoại thông minh.

Sau khi thực hiện một vài thay đổi, hệ điều hành Android mà chúng ta biết đã chính thức ra đời. Android có nhiều khác biệt so với các hệ điều hành thông minh trên điện thoại lúc bấy giờ, đặc biệt là về giá cả.

Có thể bạn chưa biết: HĐH Android ban đầu được phát triển cho máy ảnh, chứ không phải điện thoại - Ảnh 2.

Andy Rubin và các đồng nghiệp trong nhóm phát triển Android quyết định thay đổi chiến lược, sau khi bị các nhà đầu tư từ chối.

Nhóm phát triển biết rằng thị trường điện thoại rất nhạy cảm với giá, chính vì vậy mà Android được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Mục đích là biến Android trở thành một nền tảng phổ biến, nhằm bán các dịch vụ và phần mềm khác.

Tuy nhiên để biến ý tưởng đó trở thành hiện thực, nhóm phát triển Android cần có một đối tác với túi tiền đủ lớn. Và đó là lúc Google nhảy vào cuộc chơi. Gã khổng lồ tìm kiếm đã mua lại Android vào năm 2005, đồng thời thuê Andy Rubin làm Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng di động và nội dung kỹ thuật số.

Một mục tiêu được đặt ra là chiếm 9% thị phần Bắc Mỹ và Châu Âu trong vòng 5 năm. Kết quả là mục tiêu đó đã được hoàn thành một cách xuất sắc, thậm chí Android đã chiếm tới 24% thị phần Bắc Mỹ vào cuối năm 2020. Ngày nay, Android chiếm hơn 80% thị phần smartphone đang hoạt động trên toàn cầu.

Thất bại là một cánh cửa khác dẫn đến thành công

Chính việc bị các nhà đầu tư từ chối vào năm 2004, khiến nhóm phát triển Android quyết định thay đổi từ thị trường máy ảnh sang thị trường điện thoại thông minh, đã dẫn đến sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Android.

Nếu nhìn vào những con số, thị trường smartphone toàn cầu đạt doanh số 122 triệu thiết bị vào năm 2007, nhưng tăng lên tới 1,5 tỷ vào năm 2019. Trong khi đó, thị trường máy ảnh kỹ thuật số giảm từ 100 triệu thiết bị vào năm 2007, xuống 15 triệu vào năm 2019. Một sự khác biệt vô cùng rõ rệt.

Có thể bạn chưa biết: HĐH Android ban đầu được phát triển cho máy ảnh, chứ không phải điện thoại - Ảnh 3.

Và chúng ta có Android vô cùng thành công của ngày nay.

Nếu như năm đó, Andy Rubin và nhóm phát triển của mình kiên quyết với ý tưởng ban đầu là hệ điều hành Android dành cho máy ảnh, thực sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Rất có thể Android sẽ trở thành một cái tên bị quên lãng. Google có thể sẽ không bao giờ tham gia vào thị trường smartphone, còn Microsoft có thể đã rất thành công với nền tảng Windows Phone. Thậm chí, Nokia với Symbia vẫn có thể là một hệ điều hành phổ biến cho đến tận ngày nay.

Câu chuyện của Android cho chúng ta thấy rằng thất bại có thể là một cánh cửa khác dẫn đến thành công. Và chỉ một quyết định cũng có thể thay đổi cả thế giới.

Tham khảo: androidauthority

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk