‘Chúa tể hắc ám’ Apple: Đối tác sợ tới mức không dám nhắc tên, tự tạo ra ‘luật rừng’ bất di, bất dịch trong giới công nghệ

Tram Ho

Hãng điện thoại thông minh thống trị thị trường Mỹ – đây cái tên quen thuộc trị giá hàng tỷ USD mà các nhà sản xuất linh kiện công nghệ cao luôn coi là khách hàng tiềm năng và quan trọng. Tuy nhiên, vị khách “sộp’’ này là ai thì các công ty không nói, hay đúng hơn, là không dám nói.

Không trực tiếp gọi tên, song ai cũng hiểu ngầm với nhau rằng “chúng ta đang ám chỉ Apple’’. Tại châu Á, gã khổng lồ này thường được gọi là “công ty trái cây” hoặc “Fuji” – loại táo quý đắt tiền được trồng tại đất Nhật Bản. Đôi khi, nó còn được gọi với cái tên “công ty 3.000 tỷ USD”, dù con số này giờ đây không còn đúng nữa, xét theo vốn hóa thị trường. Ngoài ra, Apple cũng được gắn mác “đối tác đáng kính đến từ Bắc Mỹ” hoặc chỉ đơn giản, là “công ty A vĩ đại”.

Tài liệu được đưa ra bởi O-Film, tập đoàn chuyên sản xuất mô-đun camera cho smartphone cho biết hãng này đã lỗ 426 triệu USD trong năm 2021. Một trong những nguyên nhân chính được cho là do “ngừng hợp tác với vị khách nước ngoài”. Danh tính bí ẩn không được đại diện O-Film tiết lộ.

'Chúa tể hắc ám' Apple: Đối tác sợ tới mức không dám nhắc tên, tự tạo ra 'luật rừng' bất di, bất dịch trong giới công nghệ - Ảnh 1.

Trái ngược với nhân vật “chúa tể hắc ám” Voldemort trong loạt truyện Harry Potter, hãng A giấu tên  không xuất hiện bên cạnh con rắn lớn đầy rẫy những lời nguyền, song sức ảnh hưởng được cho là không hề kém cạnh. Nguyên do là bởi Apple có thể mang đến, thì cũng có thể mang đi những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.

Các đối tác luôn tránh nhắc đến Apple khi phát biểu trước báo giới. Họ sợ làm lộ thông tin mật và bị cắt hợp đồng giống GT Advanced Technologies. Hãng chuyên cung cấp tấm bảo vệ màn hình bằng sapphire cho smartphone này hồi năm 2014 đã vô tình nhắc tên Apple, sau đó bị kiện vì để lộ thỏa thuận bảo mật. GT Advanced Technologies đã phải bồi thường tới 50 triệu USD cho mỗi lần vi phạm.

Trong một báo cáo tài chính hồi tháng 6/2020 của hãng sản xuất chip Broadcom, một nhà phân tích giấu tên cho rằng “đà tăng trưởng của một hãng công nghệ lớn sẽ chững lại’’. CEO Hock E. Tan của Broadcom ngay lập tức hiểu ra vấn đề. Ông biết tập đoàn lớn kia là ai, vì Broadcom đang cung cấp chip cho “hãng sản xuất smartphone hàng đầu Bắc Mỹ”.

Samsung, đối thủ đáng gờm của “hãng công nghệ trái cây” cũng không dám trực tiếp nhắc tên Apple. Hầu hết nhân viên Samsung chỉ gọi Apple là LO (Lovely Opponent, tức đối thủ đáng yêu), trong khi ngược lại, nhân viên Apple có thể đơn giản gọi Samsung là… Samsung.

'Chúa tể hắc ám' Apple: Đối tác sợ tới mức không dám nhắc tên, tự tạo ra 'luật rừng' bất di, bất dịch trong giới công nghệ - Ảnh 2.

Apple bị coi là ‘chúa tể hắc ám’ của Thung lũng Silicon, đến việc nhắc tên cũng trở thành điều tối kỵ

Đến Foxconn, nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Apple cũng phải tránh phạm phải lỗi tối kỵ. Trong báo cáo hàng năm dài tới 860 trang, tập đoàn này chỉ dám 1 lần duy nhất nhắc tên đối tác. “Hãng A” nằm ở vị trí đầu tiên trong list các khách hàng quan trọng, đơn giản vì danh sách này được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

TSMC, công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) trước đây cũng chỉ nhắc đến Apple 2 lần trong báo cáo hàng năm, với vai trò là người phát hành trái phiếu cho TSMC chứ không phải khách hàng. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện của TSMC tránh nhắc đến tên thương hiệu: “Một trong những yếu tố quan trọng giúp xây dựng lòng tin khách hàng là bảo vệ thông tin mật của họ”.

Apple không phải là công ty duy nhất coi việc nhắc tên là tối kỵ. Theo một số nguồn tin từ chuỗi cung ứng, có khoảng 200 công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ cũng giống Apple.

Chẳng hạn, trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, O-Film cho biết họ đã không còn trong một mối quan hệ đối tác với công ty “H” của Trung Quốc vì hãng này đang gặp một vài khó khăn. Không khó để nhận ra đây chính là Huawei – hãng thiết bị viễn thông bị Mỹ cấm vận.

Được biết hồi năm 2017, một vị khách VIP tên “Tim’’ của O-Film đã ghé thăm dây chuyền sản xuất của công ty tại Trung Quốc, sau đó hết lòng khen ngợi camera selfie. Tuy nhiên, ngày chính phủ Mỹ cho O-Film vào danh sách đen cũng chính là lúc mối quan hệ hữu hảo này biến mất. O-Film sau đó chỉ dám nhắc đến Apple một cách rất ngắn gọn trong tài liệu gửi lên tòa án.

Tuy nhiên, vẫn có người không ngại để lộ danh tính của công ty A giấu mặt. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) trước đây đã dành 1 phút để nói về các vấn đề của O-Film, đồng thời nhắc khéo tới 6 lần tên công ty đã ngừng hợp tác với O-Film.

'Chúa tể hắc ám' Apple: Đối tác sợ tới mức không dám nhắc tên, tự tạo ra 'luật rừng' bất di, bất dịch trong giới công nghệ - Ảnh 3.

Tại châu Á, gã khổng lồ Apple thường được gọi là “công ty trái cây” hoặc “Fuji”

Trước đó, hồi năm 2021, Hyundai “dũng cảm” tuyên bố đang đàm phán bước đầu với Apple về kế hoạch sản xuất xe hơi tự lái. “Apple và Hyundai đang thảo luận nhưng vẫn còn trong giai đoạn đầu, chưa có kế hoạch nào được quyết định”. Thông tin này ngay sau đó bị xóa và chuyển thành: “Chúng tôi được đề nghị hợp tác từ các công ty khác nhau liên quan đến phát triển xe điện tự lái. Chưa có quyết định nào được đưa ra vì đàm phán đang trong giai đoạn đầu”.

Động thái của Hyundai được cho là đến từ chính sách giữ bí mật của Apple đối với nhà cung ứng và đối tác tiềm năng. Các công ty giao dịch với Apple đều phải tuân thủ quy định bảo mật thông tin nghiêm ngặt, bất luận thế nào đi chăng nữa.

Giữ kín thông tin được cho là quy tắc bất di bất dịch của Apple. Năm 2011, hãng này còn bán một chiếc áo tại cửa hàng lưu niệm với dòng chữ “I visited the Apple campus. But that’s all I’m allowed to say” (tạm dịch: Tôi đã ghé trụ sở Apple. Nhưng đó là tất cả những gì được phép nói). Quy định giữ bí mật tại Apple có thể gắn với đồng sáng lập Steve Jobs. Ông được xem là bậc thầy marketing và luôn tạo ra bất ngờ trong các lễ ra mắt sản phẩm.

Ngay cả trong công ty, mọi nhân viên đều phải ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin”, Matt MacInnis, nhân viên cũ của Apple chia sẻ trên Recode năm 2017.

Dù phải chấp thuận quy tắc bảo mật thông tin nghiêm ngặt, các công ty cung ứng vẫn muốn giành cơ hội bán hàng cho Apple, trong đó có Cirrus Logic.

Nhà sản xuất chip âm thanh này trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2020 cho biết Apple chiếm 81% tổng doanh số bán hàng trong năm tài khóa trước đó. Các lãnh đạo Cirrus dĩ nhiên hiếm khi nhắc đến tên Apple, thậm chí hoàn toàn tránh làm điều này trong nhiều năm.

Theo: WSJ

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk