Chính thức: WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế với virus corona mới lây lan từ Trung Quốc

Tram Ho

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa chính thức tuyên bố: Virus corona mới gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc, bây giờ đã lan ra 18 quốc gia và tạo ra Tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng (PHEIC).

Tuyên bố vừa được đưa ra sau phiên họp thứ ba của Ủy ban Khẩn cấp tại WHO sáng 31/1 theo giờ Việt Nam. Trong 2 phiên họp vào tuần trước đó, WHO từng từ chối tuyên bố dịch bệnh mới do virus corona gây ra là một PHEIC, với lý do họ tin tưởng Trung Quốc có thể kiểm soát tốt dịch bệnh bên trong đường biên giới của mình.

Nhưng tới thời điểm này, “dịch bệnh đã lây lan tới 18 nước khác, nhiễm bệnh cho 98 người bên ngoài biên giới Trung Quốc, trong đó có 8 trường hợp lây từ người sang người ở Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO cho biết.

Mặc dù chưa có ca tử vong bên ngoài Trung Quốc nào được ghi nhận, và số lượng bệnh nhân ở các quốc gia khác vẫn còn thấp, nhưng Tiến sĩ Tedros cho biết các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có hệ thống y tế yếu kém nên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự lây lan này.

Chúng ta không biết chủng virus này có thể gây ra những thiệt hại như thế nào nếu nó lây lan sang một quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn”, ông nói. “Vì tất cả những lý do đó, tôi tuyên bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng đối với đợt bùng phát virus corona mới này”.

Chính thức: WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế với virus corona mới lây lan từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính thức: WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế đối với virus corona mới lây lan từ Trung Quốc

Theo các quy định của WHO, Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng (PHEIC) được tuyên bố khi có tình huống “bất thường“, “có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh”, “đòi hỏi một phản ứng đồng bộ của quốc tế” trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Việc chỉ định PHEIC sẽ cho phép tiến sĩ Tedros, dưới cương vị tổng giám đốc WHO, kêu gọi các nước không đóng cửa biên giới hoặc hạn chế thương mại. Lý do vì cắt đứt du lịch và thương mại với một quốc gia đang đối phó với dịch bệnh được cho là không có khả năng ngăn chặn sự lây lan. 

Ngược lại, nó có thể khiến các quốc gia giấu giếm thông tin và không minh bạch về tình hình dịch.

Giáo sư Didier Houssin, Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp của WHO trong buổi họp báo đã đặt câu hỏi về tính khoa học đằng sau quyết định của một số quốc gia đang hạn chế thương mại và đi lại với Trung Quốc.

Ông nói rằng những hạn chế này “không phải là một ví dụ về việc tuân theo [tuyên bố của WHO] mà là một quyết định nên xem xét lại“.

Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh tới hai lần rằng tuyên bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng (PHEIC) đối với virus corona mới, chủ yếu là để bảo vệ các quốc gia khác ngoài biên giới Trung Quốc. 

Đó không phải là vì số ca bệnh gia tăng ở Trung Quốc khiến WHO mất niềm tin với các nỗ lực mà chính phủ nước này đang thực hiện.”Tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa rằng WHO tiếp tục tin tưởng Trung Quốc có khả năng kìm chế dịch bệnh”, Tiến sĩ Tedros nói.

Tính tới sáng nay 31/1 theo giờ Việt Nam, Trung Quốc đã ghi nhận 213 ca tử vong do virus corona mới và 9.692 người nhiễm bệnh. Các ca tử vong được dự đoán là sẽ chững lại trong những ngày tới, khi virus đã giết chết những người có hệ miễn dịch yếu nhất.

Chính thức: WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế với virus corona mới lây lan từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Các quy định về PHEIC được xây dựng sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003 và thông qua bởi 194 quốc gia vào năm 2005. Từ đó tới nay, mới chỉ có 5 lần WHO tuyên bố PHEIC cho các đại dịch: cúm lợn H1N1 năm 2009, bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2015 và một đợt tái bùng phát Ebola năm 2019.

Năm 2013, WHO cũng từng thành lập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá liệu virus MERS có nên được tuyên bố là PHEIC hay không. Nhưng rốt cuộc sau nhiều phiên họp, họ kết luận rằng căn bệnh này không phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc tế.

Với tuyên bố PHEIC mới hiện tại, trên thế giới có tổng cộng ba dịch bệnh được coi là Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng là dịch Ebola tái bùng phát ở Tây Phi, dịch bại liệt tái bùng phát ở Trung Đông và dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra ở 19 quốc gia trên thế giới.

“Bây giờ, tất cả phải hành động cùng nhau để hạn chế lan rộng hơn nữa“, Giáo sư Houssin nói. Cộng đồng quốc tế nên giúp các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn chuẩn bị kỹ cho tình huống dịch bệnh bùng phát.

Các quốc gia nên có các biện pháp chống lại sự lan truyền tin giả và tin đồn sai lệch, cùng với đó là việc chia sẻ công khai và minh bạch các kiến ​​thức về virus cũng như dữ liệu dịch bệnh. WHO cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ mọi quốc gia bằng mọi cách có thể.

Tham khảo WHO

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk