Chiêm ngưỡng rừng cây cơ học sắp đi vào hoạt động, có thể hấp thụ CO2 thay cây thật

Tram Ho

Những khu rừng nhiệt đới, lá phổi xanh của Trái Đất, đang ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nạn phá rừng. Thậm chí, theo báo cáo được đăng tải trên Nature Climate Change: trong thập kỷ vừa rồi, lượng CO2 mà rừng Amazon tỏa ra nhiều hơn 20% lượng nó hấp thụ.

Do đó, con người đang dần tìm cách để đối phó với lượng CO2 khủng khiếp mà chúng ta đã thải vào môi trường. Một trong số đó là những khu rừng cây nhân tạo, có khả năng hút CO2.

Các nhà khoa học khẳng định: Rừng cây cơ học với nhiều lớp đĩa được thiết kế để ‘hấp thụ carbon dioxide’, có thể được xây dựng để ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Được phát triển bởi Klaus Lackner, Giáo sư Kỹ thuật tại Đại học Bang Arizona, các nhà khoa học cho biết những “cây” này hiệu quả hơn hàng nghìn lần so với cây cối tự nhiên. Chúng là những cột đĩa cao thẳng đứng, đường kính mỗi đĩa khoảng 1,5 m, được phủ một lớp hợp chất hóa học và các đĩa được đặt chồng lên, cách nhau 5 cm.

Con người phá hủy rừng, giờ lại tạo ra cây cơ học để hấp thụ hàng nghìn tấn CO2 mỗi ngày - Ảnh 1.

Hợp chất này thu giữ CO2 từ không khí thổi qua bề mặt, và sau khi đầy, chúng được đưa vào thùng chứa, nơi CO2 được đưa vào một môi trường kín. Hiện tại, lượng CO2 này chỉ được lưu trữ, chưa làm được gì khác, không giống như cây thật khi chúng chuyển khí trở lại thành oxy.

“Khi không khí thổi qua, bề mặt của đĩa hấp thụ CO2. Sau 20 phút hoặc lâu hơn, các đĩa đầy và chúng chìm xuống thùng chứa bên dưới. Chúng tôi đưa nước và hơi nước vào để giải phóng CO2 vào một môi trường kín, và bây giờ chúng tôi có một hỗn hợp áp suất thấp của hơi nước và CO2”, Lackner giải thích.

Như vậy, CO2 được giữ ngoài môi trường nhưng không được sử dụng vào mục đích nào khác, tuy nhiên, đã có các dự án khác nhau khám phá mục đích tái sử dụng carbon dioxide được lưu trữ.

Điều này có thể bao gồm việc sử dụng chúng để sản xuất nhiên liệu tổng hợp, sau đó có thể được sử dụng trong máy bay, làm giảm nhu cầu về dầu và khí đốt.

Con người phá hủy rừng, giờ lại tạo ra cây cơ học để hấp thụ hàng nghìn tấn CO2 mỗi ngày - Ảnh 2.

Ông nói thêm: “Chúng ta có thể chuyển đổi CO2 thành nhiên liệu tổng hợp – xăng, dầu diesel hoặc dầu hỏa – bằng cách trộn CO2 thu được với hydro xanh được tạo ra từ năng lượng tái tạo. Nhiên liệu đó có thể dễ dàng vận chuyển qua các đường ống hiện có và được lưu trữ trong nhiều năm.”

Lackner đã lên kế hoạch xây dựng ba trang trại cây cơ khí lớn, trang trại đầu tiên sẽ mở ở Arizona vào cuối năm nay, với khoản trợ cấp 2,5 triệu USD của Bộ Năng lượng Mỹ.

Chúng đang được thiết kế và chế tạo bởi Trung tâm nghiên cứu phát thải carbon tiêu cực của Đại học bang Arizonavà được thương mại hóa bởi công ty Carbon Collect có trụ sở tại Dublin.

Khi cả ba trang trại hoạt động, chúng sẽ có khả năng hấp thụ 1.000 tấn CO2 mỗi ngày, và lên đến 2,7 triệu tấn nếu có hơn 250 trang trại siêu lớn trên toàn thế giới. Lackner mô tả đây sẽ là một bước quan trọng trong việc cân bằng lượng carbon của thế giới.

Con người phá hủy rừng, giờ lại tạo ra cây cơ học để hấp thụ hàng nghìn tấn CO2 mỗi ngày - Ảnh 3.

Hơn 200 năm qua, kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, con người đã đốt nhiên liệu hóa thạch với số lượng lớn hơn bao giờ hết, đưa lượng carbon dioxide khổng lồ vào bầu khí quyển. Đây là một loại khí nhà kính cực mạnh, và nó đang được thải vào bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn và lớn hơn các nguồn tự nhiên – chẳng hạn như cây cối – có thể loại bỏ.

Các nhà khoa học cho rằng lượng khí CO2 trong khí quyển đã nhiều đến mức mà ngay cả khi loài người ngừng đốt tất cả nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt phát thải CO2, thì vẫn chưa đủ để ổn định khí hậu. Chúng ta phải nỗ lực để loại bỏ CO2 khỏi không khí, góp phần giúp đỡ thế giới tự nhiên – và cân bằng “ngân sách carbon” toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng để giữ nhiệt độ Trái Đất tăng tối đa không quá 2 độ C so với mốc thời tiền công nghiệp, thế giới cần tuân thủ một “ngân sách carbon” cho phép phát thải trong phạm vi 1.000 gigatonne tính từ thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp tới khi thế giới ngừng hẳn phát thải CO2. Tuy nhiên, 80% ngân sách này đã bị “tiêu tốn” do các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng của các quốc gia.

Con người phá hủy rừng, giờ lại tạo ra cây cơ học để hấp thụ hàng nghìn tấn CO2 mỗi ngày - Ảnh 4.

Đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết và hầu hết các giải pháp đều có hạn chế, chẳng hạn như giải pháp cây cơ học này chỉ có thể lưu trữ CO2, thay vì đưa ra cách sử dụng lại hoặc thay đổi chúng.

Giáo sư Lackner cho biết: “Nhân loại không thể để ngày càng có nhiều carbon dư thừa trôi nổi trong môi trường, vì vậy chúng ta phải loại nó ra.”

Ông nói thêm: “Khuyến nghị của chúng tôi là với mỗi lượng carbon tạo ra, cần loại bỏ một lượng tương ứng. Nếu sản xuất 1 tấn carbon từ than, dầu hoặc khí đốt, ta cần phải bỏ đi 1 tấn. Điều quan trọng khác là nếu bạn cất CO2 đi, nó phải được giữ ở dạng tồn tại ít nhất 100 năm, để nó ở ngoài bầu khí quyển càng lâu càng tốt.”

Tham khảo: Mail

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk