Châu Âu chi hàng tỷ euro cho các quỹ công nghệ để cạnh tranh với Mỹ và Châu Á

Tram Ho

Bộ trưởng Tài chính Pháp, Le Maire cho biết Châu Âu đang lên kế hoạch mở một số quỹ đầu tư mới, sử dụng nguồn tài trợ công khai trị giá hàng tỷ euro nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Châu Âu.

Châu Âu chi hàng tỷ euro cho các quỹ công nghệ để cạnh tranh với Mỹ và Châu Á - Ảnh 1.

Quỹ đầu tư này sẽ cho phép Châu Âu sớm bật dậy và đủ khả năng cạnh tranh với Mỹ và các đối thủ Châu Á. Hiện các start-up ở Châu Âu đang rất cần hỗ trợ tài chính để có thể phát triển.

Nếu châu Âu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài, các công ty công nghệ ở châu Âu cần nhận nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính hơn. Theo Le Maire, ông sẽ sớm cung cấp thông tin chi tiết về quỹ mới với người đồng cấp Đức, Christian Lindner. Ông cũng tuyên bố sẽ có 10 đến 20 quỹ với tổng giá trị ít nhất 1 tỷ euro dùng để tài trợ cho các nhà lãnh đạo công nghệ.

Bộ tài chính Đức cho biết Berlin sẽ bổ sung 1 tỷ euro vào quỹ. Theo thống kê, các quỹ đầu tư mạo hiểm châu Âu thường quá nhỏ để tài trợ cho sự phát triển của các start-up công nghệ châu Âu. Do đó, nhiều start-up không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quỹ lớn hơn của Mỹ. Nhiều công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc đã và đang được hưởng lợi từ nguồn vốn công. Trong khi đó ở châu Âu, các start-up không có quyền tiếp cận quỹ công do các quy định nghiêm ngặt về viện trợ của EU.

Châu Âu chi hàng tỷ euro cho các quỹ công nghệ để cạnh tranh với Mỹ và Châu Á - Ảnh 2.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Le Maire

Liên minh châu Âu có kế hoạch giảm đáng kể sự phụ thuộc vào chip của Mỹ. Tuy nhiên nếu không có kinh phí thì kế hoạch này sẽ khó có thể đạt được.

Hiện tại, không có nhà sản xuất chip nào trong số 5 nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đến từ Châu Âu. EU tin rằng việc giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài trong các lĩnh vực quan trọng sẽ giúp EU độc lập hơn trong công nghệ kỹ thuật số và giúp đem lại lợi ích cho EU. Về khả năng tự sản xuất, Liên minh châu Âu cho biết sẽ tìm kiếm mọi hình thức hỗ trợ khác nhau.

Dự án “Digital Compass Project” là một dự án lớn của EU nhằm nâng cao tiến bộ công nghệ của khu vực này. Châu Âu có kế hoạch triển khai 10.000 trung tâm dữ liệu trung tính carbon để đảm bảo các công ty có được dịch vụ dữ liệu nhanh chóng. Đến năm 2025, EU có kế hoạch phát triển máy tính lượng tử. Mặc dù máy tính lượng tử đầu tiên ra đời chính thức ở Đức nhưng hiện không có một công ty Châu Âu nào sở hữu thiết bị này.

Ngoài ra, EU sẽ khởi động một cơ chế giám sát hiệu quả. Theo thời gian, EU sẽ đánh giá kết quả hoạt động đối với kế hoạch này thông qua các báo cáo thường xuyên của Ủy ban Châu Âu.

Tham khảo Gizchina

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk