Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu những “hố xanh” nằm dưới đáy đại dương, phát hiện ra được nhiều điều thú vị

Tram Ho

Các nhà khoa học Hoa Kỳ đang chuẩn bị đồ nghề để lặn xuống “hố xanh” – một hố sụt nằm dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Florida. Cái hố bí ẩn có tên “Chuối Xanh – Green Banana”, và hứa hẹn sẽ là lối dẫn tới kho tàng kiến thức đang nằm lẩn khuất trong các khe nứt bên dưới đáy biển, đơn cử như sinh vật sống nơi đây cũng như những mối liên hệ giữa chúng với tầng ngậm nước. Dự án này là nỗ lực khám phá “hố sâu đại dương” thứ hai, sau đợt thám hiểm hố Amberjack hồi năm 2019.

Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu những hố xanh nằm dưới đáy đại dương, phát hiện ra được nhiều điều thú vị - Ảnh 1.

Hố Amberjack nhìn từ dưới sâu lên.

Đây sẽ là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành mô tả hố Green Banana, và nóng lòng so sánh nó, về cả mặt sinh học và hóa học, với hố Amberjack”, thành viên đội thám hiểm Emily Hall cho hay.

[Green Banana] có hình dáng khác và sâu hơn, nên không chắc chúng tôi sẽ tìm thấy gì. Đây là một trong những cảm giác tuyệt vời mà hành động khám phá mang lại … thứ gì cũng mới và khiến chúng tôi hào hứng lắm!”.

Hố xanh xuất hiện rất nhiều nơi trên thế giới, và có thể đạt độ sâu 300 mét, tương đương với Hố Rồng ngoài Biển Đông – một trong những hố xanh sâu nhất thế giới mà các nhà nghiên cứu từng phát hiện ra. Chẳng cần phải bàn, việc lặn xuống độ sâu như thế cực kỳ nguy hiểm; trên thực tế, Hố xanh Biển Đỏ ở Ai Cập là một trong những khu vực lặn đáng sợ nhất thế giới.

Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu những hố xanh nằm dưới đáy đại dương, phát hiện ra được nhiều điều thú vị - Ảnh 2.

Hố xanh ở Biển Đỏ.

Dù vậy, hố xanh cũng chứa đựng những bí mật kỳ thú của riêng mình. Nơi đây có thể là nơi trú ngụ của san hô, động vật thân mềm, rùa biển hay thậm chí là cá mập. Chúng là nguồn sống nuôi dưỡng những hệ sinh thái sinh sống quanh đó, và được các nhà khoa học đặt tên là “ốc đảo” giữa lòng biển rộng lớn.

Chúng tôi tin rằng chúng là những hố nước nóng và những hố sụt hình thành từ 8.000 năm trước, thời mà Florida rộng lớn hơn ngày nay nhiều. Các hố chúng tôi nghiên cứu đều có nhiều điểm khác biệt, về cả mặt hóa học lẫn mặt sinh học”, cô Hall nhận định, và rằng vẫn còn nhiều điều ta chưa biết về nguồn gốc cũng như lịch sử phát triển của những hố xanh sâu hoắm và hệ thống hang động ngầm bên dưới.

Hố Amberjack trong khám phá lần trước nằm ngoài khơi Vịnh Mexico, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát trong khoảng thời gian tháng Năm và tháng Chín năm ngoái. Họ lặn xuống sâu 30 mét mới tới được miệng cái hố sâu tới 72 mét.

Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu những hố xanh nằm dưới đáy đại dương, phát hiện ra được nhiều điều thú vị - Ảnh 3.

Quá trình thám hiểm hố Amberjack.

Jim Culter, một thành viên của đội thám hiểm và nhà khoa học lão thành tại Phòng thí nghiệm Hải dương Mote mô tả chuyến đi vào trong lòng Amberjack là “sự tương phản tới cực đoan”. “Nước bề mặt rất ấm, khoảng 29,5 độ c và đặc biệt trong so với một ngày hè. Khi bạn xuống sâu, nước bắt đầu lạnh dần và xuất hiện hiện tượng thermocline – nhiệt độ nước thay đổi đột ngột ở độ sâu 20-27m và tầm nhìn xa bắt đầu giảm”.

Ông Culter nói tiếp: “Miệng hố mới là nơi diễn ra nhiều hoạt động của cá, rùa, giáp xác, san hô và bọt biển. Đi quá rìa hố một chút và đi xuống làn nước lạnh, ánh sáng bắt đầu yếu dần. Khi đạt độ sâu 40-45 mét, một lần thermocline nữa diễn ra và nhiệt độ xuống mức 15 độ C”.

Ở độ sâu này, những loài sinh vật biển lớn như san hô và cá không còn xuất hiện, thay vào đó là các đám vi khuẩn và những cụm “trứng thối” có mùi hydro sunfua. “Đáy hố mềm, nhiều bùn, rất dễ bị khuấy động bởi tác động bên ngoài. Mọi thứ tối thui cho tới khi bạn ngước lên và nhìn thấy miệng hố tròn, bao lấy biển xanh cách nơi bạn đứng 45 mét”.

Đáy hố Amberjack là một lớp bùn dày.

Cô Hall bơi quanh miệng hố bởi quy tắc đưa ra từ lúc huấn luyện chỉ cho phép cô chạm độ sâu 60 mét. Dù vậy, Hall vẫn được tận mắt chứng kiến sự đa dạng sinh học nơi miệng hố. “Một loạt câu hỏi chạy ngang đầu tôi … Thứ gì dưới kia? Nó dẫn tới đâu? Mình có thể lặn sâu hơn nữa không? Đa số lúc tôi phải làm việc, như thu thập mẫu nước và trầm tính, đếm số loài hiện có, nhưng đôi khi cũng được thảnh thơi nhìn ngắm đáy biển màu nhiệm!”.

Bên cạnh những loài sống nơi “ốc đảo”, đội thám hiểm còn thấy hai cái xác còn nguyên của loài cá đao răng nhọn hiếm có. Họ đã mang về xác con cá đực dài 3,6 mét về phòng thí nghiệm để nghiên cứu.

Cá đao răng nhọn ở dưới đáy hố xanh Amberjack.

Những nghĩa địa sinh vật biển này thường xuyên được nhận về “vật tế” trôi xuống từ làn nước bên trên, nhưng nơi đây không chỉ có cái chết: các nhà khoa học phát hiện thấy chất dinh dưỡng trôi ngược từ Hố Amberjack ra, cho thấy hố xanh này cung cấp chất hữu cơ nuôi dưỡng những hệ sinh thái quanh đó.

Chúng tôi nhận thấy những hố này có độ tập trung dinh dưỡng cao hơn hẳn những vùng nước xung quanh”, cô Hall nói. “Nguồn chính xác của lượng dinh dưỡng kia vẫn chưa rõ, nhưng có thể chúng tới từ các hoạt động trong lớp trầm tích bên dưới, hoặc là ảnh hưởng từ các dòng biển chảy trong hang động ngầm”.

Nhóm nghiên cứu mong muốn ứng dụng những kiến thức tìm được vào cuộc thám hiểm hố xanh Green Banana nằm ở độ sâu 45 mét, với đáy sâu tới tận 129,5 mét tính từ miệng hố. Chẳng ai biết ai đặt cho hố sâu này cái tên “chuối xanh”, ông Culter nói rằng người dân địa phương gọi nó như vậy khi phát hiện ra những nải chuối xanh lơ lửng gần khu vực hố.

Dự kiến, dự án khám phá hố xanh sẽ diễn ra vào tháng Tám năm nay và tháng Năm năm tới, mong muốn tìm ra thêm nhiều loài sinh vật mới nữa. 

Chúng ta mới đang tìm hiểu những hố xanh gần bờ, chỉ cách bãi biển khoảng 30km mà thôi. Tổng cộng mới có khoảng 20 hố được khám phá cẩn thận, là những khu vực chúng tôi đã đến tận nơi hoặc nhận được về những báo cáo từ những nguồn đáng tin”. 

Đại dương ngoài kia còn rộng lớn và nhiều bí ẩn, đây mới chỉ là một trong nhiều điểm ta có thể đặt chân tới. Ước mơ khám phá lòng biển vẫn còn đó, chờ công nghệ đủ hiện đại để thực hiện.

Tham khảo Vice

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk