Các nhà cung ứng của Apple tháo chạy khỏi Trung Quốc, Việt Nam sắp trở thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook

Tram Ho

Theo Bloomberg, các nhà cung cấp của Apple có thể sẽ chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Động lực một phần đến từ mong muốn tránh những hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị.

Nhà sản xuất AirPods GoerTek là một trong số nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các địa điểm nằm bên ngoài Trung Quốc. Phó Chủ tịch Kazuyoshi Yoshinaga cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng công ty này đang đầu tư 280 triệu USD vào một nhà máy mới tại Việt Nam, đồng thời xem xét mở rộng sang Ấn Độ. Giám đốc điều hành GoerTek tại Việt Nam cũng cho biết nhiều công ty công nghệ Mỹ đang khuyến khích các nhà sản xuất như GoerTek nhanh chóng chuyển dịch.

“Bắt đầu từ tháng trước, hầu như ngày nào cũng có rất nhiều khách hàng đến thăm chúng tôi,” Yoshinaga nói khi đang ngồi tại văn phòng, trong khu liên hợp công nghiệp rộng lớn tại phía bắc Hà Nội.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung, nhiều người bắt đầu thay đổi quan điểm về chuỗi cung ứng hàng chục năm tuổi của ngành công nghiệp điện tử. Sự phụ thuộc của thế giới vào một quốc gia châu Á đã trở nên quá rõ ràng trong những năm đại dịch, sau khi lệnh hạn chế của Bắc Kinh bóp nghẹt nguồn cung từ điện thoại đến ô tô.

Apple hiện vẫn giữ im lặng về kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc – nơi gã khổng lồ này đã xây dựng một hệ sinh thái rộng lớn tập trung vào các công ty như GoerTek hay Foxconn Technology Group với hàng triệu lao động.

Theo Bloomberg, 9/10 nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple được cho là đang chuẩn bị dịch chuyển quy mô lớn đến các quốc gia như Ấn Độ, qua đó tạo động lực thúc đẩy sáng kiến Make in India. Bloomberg Intelligence ước tính các công ty này có thể mất tới 8 năm để chuyển 10% công suất ra khỏi Trung Quốc, song theo Giám đốc điều hành GoerTek, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều.

Nhiều nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc đang phải chịu áp lực lớn. “Tôi có thể nói rằng hiện tại, 90% các công ty đang cân nhắc quyết định”, đại diện một nhà sản xuất cho biết.

Các nhà cung ứng của Apple tháo chạy khỏi Trung Quốc, Việt Nam sắp trở thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook - Ảnh 1.

Ông Kazuyoshi Yoshinaga

“Hầu như tháng nào chúng tôi cũng nhận được câu hỏi từ khách hàng, rằng công ty có kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ không?’” Yoshinaga nói. “Nếu xây dựng dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ, chúng tôi có thể sẽ phải suy xét rất nghiêm túc. Hiện tại, công ty đang tập trung phát triển các cơ sở sản xuất tại Việt Nam”.

Ông Yoshinaga chia sẻ với Bloomberg rằng khu phức hợp mới rộng 62 ha ở Bắc Ninh chuyên sản xuất phục vụ các thương hiệu lớn của Mỹ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng một năm. Trước đó, GoerTek cũng cam kết đầu tư 1,06 tỷ USD vào nhà máy tại Bắc Ninh và tỉnh Nghệ An.

Được biết GoerTek có kế hoạch sản xuất tai nghe thực tế ảo tại Việt Nam từ năm 2024, với hy vọng quốc gia Đông Nam Á này sẽ tạo ra hơn một nửa doanh thu toàn cầu trong vòng 3 năm, tăng từ mức 30% hiện nay. Yoshinaga cho biết công ty cũng đang yêu cầu một số nhà cung ứng tìm kiếm nhà máy mới tại miền Bắc Việt Nam.

GoerTek bắt đầu hoạt động tại Việt Nam cách đây một thập kỷ để sản xuất theo yêu cầu các đơn đặt hàng của Samsung. Nhà cung cấp hiện đang vận hành 8 nhà máy trong nước và dự kiến sẽ tăng gấp đôi lực lượng lao động địa phương lên 40.000 người ngay sau tháng 5 để đáp ứng các đơn hàng dịp Giáng sinh năm nay.

Nhờ thế mạnh trong mạng lưới cảng ven biển cùng lực lượng lao động trẻ có học thức, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến lý tưởng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Apple có thể sẽ lên kế hoạch biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook.

Các nhà cung ứng của Apple tháo chạy khỏi Trung Quốc, Việt Nam sắp trở thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook - Ảnh 2.

Các nhà cung ứng của Apple tháo chạy khỏi Trung Quốc, Việt Nam sắp trở thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook

Theo ông Yoshinaga, nhiều công ty Mỹ đang lên kế hoạch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, bất chấp chi phí. Ấn Độ cũng là một “cửa sáng” trong bối cảnh dòng chảy liên tục hướng ra bên ngoài Trung Quốc.

Trước đó, CNBC cũng trích dẫn kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy số lượng các công ty Mỹ cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021.

Cụ thể, 19% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc. Con số này trong năm 2021 là 10%. Một trong những lý do lớn nhất đến từ các chính sách hạn chế đi lại làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo ông Todd Simms, phó Chủ tịch nền tảng thông minh chuỗi cung ứng FourKites, đã qua rồi cái thời hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc và vận chuyển đi khắp nơi. Jose Calamonte, Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang trực tuyến Asos (Anh), cũng cho biết các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc không còn tính cạnh tranh khi tính đến chi phí vận chuyển.

“Thông điệp lớn là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bạn không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, Giám đốc điều hành của Dr Martens, Kenny Wilson, cho biết.

Theo: Bloomberg, CNBC 

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk