Các ngân hàng tính toán gì khi cho Elon Musk vay tiền mua Twitter và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỷ phú này tuyên bố phá sản?

Tram Ho

Theo tờ The Atlantic, tỷ phú Elon Musk không gặp phải nhiều khó khăn khi vay tiền từ ngân hàng cho thương vụ 44 tỷ USD mua Twitter. Ngân hàng Morgan Stanley đứng đầu cùng hàng loạt các tổ chức tài chính khác như Bank of America, Barclays…đã đồng ý cho nhà sáng lập Tesla vay đến 13 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 1 tuần xét duyệt.

Kể cả khi Elon Musk ngập ngừng vì mua giá quá cao, dẫn đến những vụ kiện tụng không đáng có, cuối cùng vị tỷ phú này vẫn hoàn thành thương vụ vào tháng 10/2022. Tất nhiên, các ngân hàng vẫn cho Elon Musk vay, góp thêm vào khoản nợ chung mà Twitter phải trả.

Các ngân hàng tính toán gì khi cho Elon Musk vay tiền mua Twitter và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỷ phú này tuyên bố phá sản? - Ảnh 1.

Thông thường, các ngân hàng sẽ nhanh chóng dọn sạch khoản vay rủi ro cao này cho các nhà đầu tư tổ chức hoặc quỹ phòng hộ, vốn có nhu cầu cao hơn với kiểu tín dụng này. Thế nhưng ngay khi lên nắm quyền, Elon Musk đã bỏ qua giai đoạn “trăng mật” để đuổi việc một nửa nhân viên cũ của Twitter, khôi phục hàng loạt tài khoản bị cấm cũng như siết chặt văn hóa làm việc. Sự xáo trộn này đã khiến nhiều doanh nghiệp tạm hoãn quảng cáo trên Twitter khiến mạng xã hội mất doanh thu.

Hãng tin Bloomberg cho biết biến động này khiến nhiều nhà đầu tư không còn hứng thú với khoản vay của Elon Musk nữa. Khi các ngân hàng thăm dò nhu cầu của thị trường với các khoản vay này, mức giá họ nhận được chỉ là 60 cent cho mỗi 1 USD giá trị, một trong những mức thấp nhất suốt 10 năm qua trên thị trường.

Vậy là các chủ nợ chỉ còn cách giữ lại khoản tín dụng này của Elon Musk và kỳ vọng canh bạc vào Twitter sẽ thành công.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các ngân hàng lại cho Elon Musk vay trong một thương vụ đầy rủi ro và không chắc chắn này?

Tư duy tài chính

Theo The Atlantic, dù kế hoạch mua lại Twitter của Elon Musk không thực sự hợp lý về tính kinh tế nhưng môi trường đầu tư tại thời điểm tháng 4/2022 rất khác so với hiện nay. Mức lãi suất quỹ liên bang tại thời điểm đó vẫn ở mức thấp, dưới 1%. Lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro cao (High Yield) cũng thấp hơn so với hiện nay.

Lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate) là mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho nhau vay trong khoảng thời gian một ngày (các khoản vay qua đêm) để có được số tiền bằng đúng yêu cầu dự trữ bắt buộc của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Cổ phiếu ngành công nghệ tại thời điểm đó vẫn chưa bị bán tháo và một khoản vay được đảm bảo bằng tài sản đảm bảo là Twitter với mức lãi bình quân 6,5% trông có vẻ khá hợp lý với các ngân hàng, nhất là khi họ có thể bán lại khoản vay này ngay sau khi thương vụ hoàn tất.

Lý do thứ 2 khiến các ngân hàng chấp thuận khoản vay nhanh chóng là lệ phí. Theo ước tính của Refinitiv, các ngân hàng cho vay trong thương vụ này sẽ thu được khoản phí vay vốn khoảng 150-200 triệu USD, đặc biệt là Morgan Stanley khi họ đóng vai trò chủ chốt cho khoản vay của Elon Musk.

Một lý do nữa vô cùng quan trọng là các ngân hàng không chỉ đầu tư vào Twitter mà là chính bản thân Elon Musk. Nhà sáng lập Tesla là tỷ phú giàu nhất thế giới với hàng loạt hãng công nghệ nổi tiếng dưới quyền vào tháng 4/2022. Đây là đối tác vay vốn mà bất cứ ngân hàng nào cũng muốn làm việc cùng.

Thêm nữa, các ngân hàng cũng khá quan tâm đến các công ty khác dưới quyền Elon Musk như SpaceX hay Tesla bên cạnh Twitter. Đặc biệt là SpaceX, dù đây là những công ty tư nhân nhưng nếu được phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thì giá trị của hãng sẽ tăng lên rất nhiều lần, tương tự như Tesla.

Phá sản

Theo phân tích của hãng tư vấn tín dụng tài chính 9Fin, các chủ nợ đã mất khoảng nửa tỷ USD giá trị thị trường với khoản vay của Elon Musk, thế nhưng với các ngân hàng thì họ vẫn có phương án dự phòng nhằm hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Tờ The Atlantic, dù không bán lại được khoản vay nhưng các ngân hàng vẫn có thể hưởng lợi từ lãi suất. Khoản vay của Elon Musk có lãi suất thả nổi (Floating Rate Loan) nên Twitter sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất. Bởi vậy các ngân hàng có thể thu về 1 tỷ USD lãi vay hàng năm từ Twitter nếu vẫn giữ khoản vay của Elon Musk.

Các ngân hàng tính toán gì khi cho Elon Musk vay tiền mua Twitter và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỷ phú này tuyên bố phá sản? - Ảnh 2.

Tất nhiên, tờ The Atlantic cho rằng mọi chuyện sẽ đổ bể nếu Elon Musk tuyên bố phá sản với Twitter.

Thế nhưng khả năng xảy ra trường hợp này là khá nhỏ khi nhà sáng lập Tesla đã đổ hơn 30 tỷ USD cổ phiếu của hãng xe điện vào thương vụ Twitter, bên cạnh khoản vay 13 tỷ USD của ngân hàng. Nếu Twitter vỡ nợ thì Elon Musk sẽ mất trắng số tiền bán cổ phiếu trên.

Do đó, trường hợp tệ nhất là khi Twitter không thể thanh toán thì Elon Musk sẽ dùng tiền túi của mình bù vào, hoặc dùng tiếp cổ phiếu Tesla để mua lại khoản nợ ngân hàng.

Tờ The Atlantic nhận định tình hình tài chính của Twitter trên thực tế không phải nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng hiện nay. Thách thức lớn nhất bây giờ là việc liệu Elon Musk sẽ tiếp tục nhẫn nại với Twitter đến bao giờ. Nếu nhà sáng lập Tesla từ bỏ hy vọng cải thiện Twitter và để lại đống hỗn độn này cho ngân hàng thì đây sẽ là thảm họa với các chủ nợ.

Cho dù mất Twitter, Elon Musk vẫn còn con gà đẻ trứng vàng Tesla, rồi SpaceX cùng nhiều công ty tiềm năng khác. Tuy nhiên với bản tính không chịu từ bỏ và chăm chỉ làm việc, nhà sáng lập này sẽ không dễ dàng nhận thua hay mất danh tiếng với Twitter.

The Atlantic, rõ ràng việc đổ cả núi tiền cho vay vào thương vụ của người giàu nhất thế giới cũng có mặt bất lợi của nó, đó là các ngân hàng sẽ phải sợ hãi vị tỷ phú đi vay thay đổi tâm trạng với dự án mới của mình.

*Nguồn: The Atlantic

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk