Bất chấp căng thẳng thương mại, Apple vẫn tiếp tục chọn nhiều đối tác Trung Quốc để cung ứng linh kiện cho iPhone

Tram Ho

Trước đây đã từng có lo ngại về việc Apple sẽ tìm kiếm các đối tác cung ứng linh kiện khác ngoài các đối tác Trung Quốc để tránh tác động của thương chiến Mỹ-Trung. Nhưng thật bất ngờ khi Apple không chọn cách né tránh mà vẫn tiếp tục chọn thêm các đối tác sản xuất Trung Quốc.

Bất chấp căng thẳng thương mại, Apple vẫn tiếp tục chọn nhiều đối tác Trung Quốc để cung ứng linh kiện cho iPhone - Ảnh 1.

Điều này là dấu hiệu cho thấy khả năng cạnh tranh công nghệ của nước này đang tiếp tục tăng bất chấp những nỗ lực kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh.

Nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc Luxshare Precision Industry dự kiến sẽ sản xuất 3% lượng iPhone 13 sắp tới, qua đó giành được được đơn đặt hàng từ các đối thủ Đài Loan như Foxconn và Pegatron. Apple dự kiến ​​sẽ sản xuất từ ​​90 triệu đến 95 triệu chiếc iPhone mới tính đến hết tháng 1/2022.

Theo giới thạo tin, Luxshare sẽ bắt đầu sản xuất iPhone 13 Pro trong tháng này. Đây là một bước tiến lớn với Luxshare vì trước đây công ty này chưa bao giờ tự sản xuất iPhone mà thường chỉ gia công sản xuất phụ kiện cho Apple.

Bất chấp căng thẳng thương mại, Apple vẫn tiếp tục chọn nhiều đối tác Trung Quốc để cung ứng linh kiện cho iPhone - Ảnh 2.

Đó là chưa kể với hầu hết các đối tác mới tham gia vào chuỗi cung ứng không lâu, họ hiếm khi được Apple giao cho các đơn hàng sản xuất iPhone mới mà thường chỉ là các model iPhone cũ hơn.

Tuy nhiên năng lực của Luxshare đã tăng lên đáng kể sau khi công ty mua lại nhà sản xuất mô-đun camera Cowell của Hàn Quốc và nhà sản xuất khung kim loại Casetek của Đài Loan. Đây sẽ là hai công ty con hỗ trợ Luxshare cung cấp các linh kiện quan trọng cho Apple.

Một giám đốc điều hành cấp cao đến từ một nhà cung cấp linh kiện iPhone giấu tên chia sẻ: “Mặc dù Luxshare chỉ sản xuất một lượng nhỏ iPhone trong năm nay nhưng chúng tôi không thể lơ là. Nếu chúng tôi không tăng cường khả năng cạnh tranh thì sớm muộn họ cũng sẽ trở thành nguồn cung cấp linh kiện chính”.

Các đối thủ Trung Quốc đang “phả hơi nóng” lên các đối tác lâu năm của Apple

Apple hiện sở hữu chuỗi cung ứng lớn, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu sản xuất khoảng 200 triệu chiếc iPhone, 20 triệu chiếc MacBook và hàng chục triệu chiếc AirPods mỗi năm. Ưu điểm của chuỗi cung ứng cho Apple là luôn đề cao chất lượng.

Nếu như trước đây vài năm, đa số các nhà cung ứng chính đều đến từ Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc thì nay các đối thủ đến từ Trung Quốc đang nổi lên. Ngày càng có nhiều đơn hàng được chuyển giao sang cho các đối tác cung ứng tại Trung Quốc đại lục.

Bất chấp căng thẳng thương mại, Apple vẫn tiếp tục chọn nhiều đối tác Trung Quốc để cung ứng linh kiện cho iPhone - Ảnh 3.

Ví dụ như công ty Lens Technology có trụ sở tại Hồ Nam trước đây chỉ chuyên cung cấp mặt lưng kính và vỏ kính cho iPhone. Tuy nhiên năm nay công ty này đã lần đầu tiên cung cấp vỏ kim loại cho iPhone. Sở dĩ họ được giao đơn hàng này vì công ty đã sớm mua lại nhà máy khung và vỏ kim loại của đối thủ vào năm ngoái tại Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà sản xuất ống kính camera cho smartphone lớn nhất Trung Quốc, Sunny Optical Technology cũng đã lần đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng iPhone trong năm 2021. Sunny Optical Technology dự kiến sẽ cung cấp ống kính camera sau cho iPhone, mặc dù thị phần trong chuỗi cung ứng của công ty còn tương đối nhỏ.

Sunny Optical hiện đang là nhà cung cấp ống kính camera cho Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo và là đối thủ cạnh tranh chính với Largan Precision của Đài Loan. Đây là nhà sản xuất ống kính camera smartphone cao cấp hàng đầu và là nhà cung cấp linh kiện cho iPhone lâu năm.

Trong khi đó, nhà sản xuất tấm nền màn hình BOE Technology sẽ bắt đầu cung cấp màn OLED cho dòng iPhone 13 ngay trong quý tới nếu công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn của Apple. Trước đó vào năm ngoái, BOE đã bắt đầu cung cấp màn hình OLED cho một số dòng iPhone cũ của Apple.

Sự phát triển mạnh mẽ của BOE trong thời gian qua đã gây sức ép rất lớn lên các đối thủ trên thị trường màn hình như Samsung Display và LG Display. Điều này cũng khá dễ hiểu khi Apple luôn muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không phụ thuộc vào một đối tác và chịu sức ép tăng giá linh kiện.

Bất chấp căng thẳng thương mại, Apple vẫn tiếp tục chọn nhiều đối tác Trung Quốc để cung ứng linh kiện cho iPhone - Ảnh 4.

Ngoài các công ty có tiếng kể trên, còn một số đối tác cung ứng linh kiện khác cũng góp mặt trong danh sách chuỗi cung ứng của Apple gồm: nhà sản xuất màn hình Tianma Micro-Electronics, nhà sản xuất chip nhớ GigaDevice Semiconductor và Nexperia thuộc sở hữu của Wingtech Technology, nhà lắp ráp smartphone lớn nhất Trung Quốc. Wingtech cũng đang trong quá trình mua lại nhà máy sản xuất chip lớn nhất của Vương quốc Anh có tên Newport Wafer Fab đặt tại xứ Wales, thông qua công ty con Nexperia.

Eric Tseng, nhà phân tích tại Isaiah Research cho biết, các công ty như Luxshare, Goertek, Wingtech và Lens đều đã có trong tay những đơn hàng đầu tiên từ Apple. Tseng tin rằng, sự nổi lên của một đối thủ trước đây còn non trẻ như Luxshare chắc chắn sẽ khiến các đối tác lâu năm như Foxconn lo sốt vó. Đặc biệt, Apple có thể lợi dụng quân bài Luxshare để “mặc cả” với Foxconn trong nhiều thương vụ.

Tseng nhận định, Apple cần phải đa dạng hóa nguồn cung và quản lý chi phí, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn địa chính trị vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tất nhiên điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà cung ứng Trung Quốc và tăng thêm áp lực cho các đối tác hiện tại.

Tham khảo Nikkei

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk