Bằng cách nào Huawei có thể vượt lệnh cấm của Mỹ để tiếp cận được công nghệ CPU trọng yếu

Tram Ho

Trong suốt lịch sử của mình, MIPS đã sang tên đổi chủ và thực hiện nhiều đợt IPO. Nhưng trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, hãng hiện đã nằm dưới quyền kiểm soát của một công ty Trung Quốc.

Kết quả là, các công ty Trung Quốc nay có thể được cấp phép sử dụng các tài sản trí tuệ liên quan kiến trúc vi xử lý trọng yếu từ MIPS và phát triển các SoC của riêng họ nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau mà không lo ngại bất kỳ lệnh cấm nào từ phía Mỹ.

Các lệnh cấm của Mỹ

Từ năm 2018, chính phủ Mỹ đã thắt chặt những giới hạn đối với hoạt động đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào các startup Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc kiểm soát các công nghệ mới.

Bên cạnh đó, nhiều công ty Trung Quốc – mà đáng chú ý nhất là Huawei Technologies và các công ty con – đã bị đưa vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó yêu cầu họ phải có được một giấy phép đặc biệt mới được tiếp cận các công nghệ được phát triển tại Mỹ nói chung.

Điều này đã ngăn Huawei và một số công ty khác không thể tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác tại Mỹ. Nhưng một sự thật rõ ràng là, nhờ vào một loạt các thương vụ thâu tóm và thoả thuận cấp phép, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc vẫn có thể tiế cận các công nghệ phát triển bởi MIPS – một trong những nhà phát triển CPU lâu đời nhất đến từ California.

MIPS sang tên đổi chủ

MIPS Computer Systems được thành lập vào đầu những năm 1980 bởi một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Stanford, những người đang làm việc trong một dự án gọi là “Microprocessor without Interlocked Pipeline Stages” (MIPS).

Các nhà nghiên cứu tại đây đã phát triển thành công kiến trúc MIPS và nhiều nhân dựa trên nó, và sau đó cấp phép công nghệ của họ cho các công ty khác để họ thiết kế nên những CPU thực thụ trên nền MIPS.

Công ty này đã khá thành công từ những năm 1980 đến 1992, sau đó được mua lại bởi Silicon Graphics Inc (SGI) để phát triển các CPU “nhà làm” với hiệu năng cao hơn nhờ vào các thành phần được cung cấp bởi các đối thủ.

SGI tách MIPS ra riêng vào năm 1998, và MIPS trở thành công ty đại chúng, tiếp tục mô hình cấp phép. Dù không thành công như Arm, MIPS đã cấp giấy phép sử dụng các nhân CPU của mình cho một loạt các công ty, chế tạo ra những con chip cho hàng loạt các ứng dụng khác nhau.

Vào năm 2013, Imagination Technologies nhận thấy để cạnh tranh với Arm, họ cần tài sản trí tuệ về CPU bên cạnh tài sản trí tuệ GPU sẵn có, do đó IT ra tay mua MIPS, và đó cũng là lúc sóng gió bắt đầu với công ty vi xử lý này. Vào đầu năm 2017, Apple công bố kế hoạch ngừng sử dụng GPU của Imagination trong 2 năm, và dù không có nhiều thông tin được tiết lộ, cổ phiếu của Imagination vẫn tụt dốc không phanh, dẫn đến việc Ban quản trị quyết định bán công ty cho một nhà đầu tư tư nhân.

Công ty Canyon Bridge, thuộc sở hữu của Trung Quốc, đã thâu tóm ImgTec vào cuối năm 2017, nhưng nhằm tránh sự dòm ngó của Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một tổ chức chuyên đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài, MIPS đã được tách ra khỏi ImgTec trước khi thoả thuận hoàn tất.

Vào tháng 9/2017, MIPS được mua lại bởi Tallwood Venture Capital dưới quyền điều hành của Diosdado P. Banatao, đồng sáng lập của Mostron, Chips and Technologies, và S3 Graphics.

Banatao sau đó chuyển quyền sở hữu MIPS cho Wave Computing vào giữa năm 2018, vốn là công ty của Banatao và Alibaba. Sau đó, Wave Computing chuyển quyền cấp giấy phép của MIPS cho một công ty đăng ký tại Samoa tên Prestige Century Investment theo một thoả thuận thanh toán nợ. Prestige Century Investments hoá ra là chủ sở hữu của CIP United, một công ty đăng ký tại Trung Quốc.

CIP United hiện kiểm soát toàn bộ quyền cấp giấy phép của MIPS cho mọi khách hàng tại Trung Quốc, Hong Kong và Macau, và có khả năng thiết kế những công nghệ mới dựa trên kiến trúc của MIPS. Đến đây hẳn bạn đã đoán ra rồi: Huawei Technologies là một trong những công ty mua giấy phép của CIP và MIPS.

Bằng cách nào Huawei có thể vượt lệnh cấm của Mỹ để tiếp cận được công nghệ CPU trọng yếu - Ảnh 1.

Nhưng còn phần mềm và sản xuất thì sao?

Bởi CIP United hiện kiểm soát tài sản trí tuệ do MIPS phát triển (chỉ những tài sản trí tuệ tại Trung Quốc), các khách hàng của họ có thể tiếp cận các tài sản trí tuệ này và phát triển SoC cho nhiều ứng dụng khác nhau, bắt đầu từ các cảm biến và controller cho SSD, đến xe hơi tự lái và CPU dùng trong siêu máy tính. Tuy nhiên có hai thách thức cho những công ty sử dụng kiến trúc của MIPS: hỗ trợ phần mềm và sản xuất.

Kiến trúc của MIPS không được hỗ trợ bởi hệ điều hành Android của Google giống như kiến trúc của Arm. Các công ty mua giấy phép MIPS hoặc phải dựa vào các hệ điều hành khác, hoặc phải chỉnh sửa Android mã nguồn mở theo nhu cầu của mình. Với nhiều công ty mua giấy phép MIPS, thiếu hỗ trợ Android không phải là vấn đề to tát, bởi họ phát triển cho cho các ứng dụng sử dụng nhiều hệ điều hành khác nhau. Trên thực tế, nhiều thiết bị trên nền MIPS rốt cuộc cũng sử dụng phần mềm chuyên dụng.

Trong khi đó, một gã khổng lồ công nghệ như Huawei có tài nguyên để chỉnh sửa Android mã nguồn mở theo nhu cầu của mình.

Nhưng Huawei lại có một vấn đề khác. Họ không thể hợp tác với bất kỳ nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng nào sử dụng công nghệ phát triển tại Mỹ, có nghĩa là mọi nhà sản xuất, bao gồm TSMC tại Đài Loan cũng như SMIC tại Trung Quốc.

Việc không thể tiếp cận các nhà sản xuất như trên khiến năng lực thiết kế chip của Huawei cũng trở nên vô dụng. Liệu công ty có tìm ra “đường vòng” nào để giải quyết nghịch cảnh này không?

Made in China 2025

Huawei là một trong những công ty công nghệ lớnnhaats Trung Quốc, nhưng đối với chính phủ nước này, kế hoạch “Made in China 2025” được xem là quan trọng hơn nhiều so với một công ty đơn lẻ, bởi mục tiêu của kế hoạch này là mở ra một ngành công nghiệp nhiều tỷ đô mới không lệ thuộc vào đầu tư hay công nghệ nước ngoài.

Số lượng các nhà thiết kế chip Trung Quốc đã tăng từ 736 năm 2015 lên 1.780 năm 2017. Nhiều trong số các công ty này cần tài sản trí tuệ CPU và một số không nhất thiết phải sử dụng Arm. Với họ, các kiến trúc MIPS và RISC-V là hai lựa chọn tốt và MIPS có ưu thế hơn so với RISC-V xét đến thời điểm này.

MIPS có những nhân CPU hiệu năng cao sẵn sàng được bán ra, có thể sánh ngang được với series Cortex-A70 hoặc Neoverse của Arm, nhưng các công ty có thể sử dụng kiến trúc MIPS để phát triển những thứ đủ mạnh để dùng cho máy chủ. Ví dụ, Loongson Technology của Trung Quốc đã phát triển CPU MIPS64 cho các thiết bị khách và máy chủ, và còn có siêu máy tính Green500 dựa trên CPU MIPS nữa.

Việc có thể tiếp cận một cách không hạn chế đến CPU và các tài sản trí tuệ khác của MIPS có lẽ có tầm quan trọng sống còn không chỉ cho một số công ty nhất định, mà còn cho toàn bộ kế hoạch “Made in China 2025”.

Tham khảo: TechRadar

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk