Bạn chọn tiền hay sức khỏe? WHO cảnh báo làm việc trên 8 tiếng/ngày khiến nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 35%

Tram Ho

Tăng ca (hay OT-overtime) từ lâu đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc đối với người lao động, không chỉ trong các nhà máy, xưởng chế xuất mà cả nhân viên khối văn phòng. Mức lương hấp dẫn, thường là gấp 1,5 đến 3 lần, đã thu hút người lao động cố gắng làm thêm giờ mỗi ngày, thậm chí cả ngày nghỉ để gia tăng thu nhập.

Trong khi quy định của Luật Lao động giới hạn số giờ tăng ca ở ngưỡng 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm, thực tế cho thấy có những công nhân đang tăng ca tới hơn 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tương đương 100 giờ/tháng và 1.000 giờ/năm tùy theo khối lượng công việc.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo mức độ làm việc này có thể gây ra nguy cơ tử vong sớm do đột quỵ hoặc thiếu máu cơ tim. Thực tế, mỗi năm trên thế giới đang có khoảng 745.000 người chết vì làm việc quá sức.

Bạn chọn tiền hay sức khỏe? WHO cảnh báo làm việc trên 8 tiếng/ngày khiến nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 35% - Ảnh 1.

Nghiên cứu của WHO cho biết chỉ cần làm việc trên 55 tiếng mỗi tuần, tương đương với 8 tiếng làm việc mỗi ngày và làm việc cả hai ngày nghỉ trong tuần, nguy cơ tử vong do đột quỵ và thiếu máu cơ tim của người lao động đã tăng lần lượt 35% và 17% so với chế độ làm việc 35-40 tiếng/tuần.

Maria Neira, Giám đốc Bộ phận Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO cho biết: “Làm việc trên 55 tiếng đồng hồ mỗi tuần là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đã đến lúc tất cả chúng ta, các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải thức tỉnh trước một thực tế rằng thời gian làm việc kéo dài có thể dẫn đến tử vong sớm“.

Thế giới đang làm việc nhiều hơn bao giờ hết

Để đưa ra khuyến cáo mới, WHO đã cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tiến hành hàng chục nghiên cứu điều tra bệnh thiếu máu cơ tim và đột quỵ. Trong đó, họ xem xét dữ liệu được thu thập từ 194 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Mặc dù các số liệu thống kê không cho thấy mối liên hệ nhân quả rõ ràng, nhưng chúng cung cấp “bằng chứng đầy đủ cho tính có hại” của chế độ làm việc 55 giờ/tuần, dựa trên các tiêu chí của WHO.

Số liệu cho thấy gánh nặng bệnh tật và tử vong do lao động đặc biệt ảnh hưởng tới những người sống ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Nam giới thì bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới.

Trong năm 2016, có khoảng 8,9% dân số toàn cầu đã làm việc trung bình 55 giờ một tuần hoặc nhiều hơn. Con số tương đương khoảng 488 triệu người.

Bạn chọn tiền hay sức khỏe? WHO cảnh báo làm việc trên 8 tiếng/ngày khiến nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 35% - Ảnh 2.

Điều đáng chú ý là dữ liệu mới được thu thập tới năm 2016. Các nhà khoa học lo ngại kể từ đó tới giờ, tình hình thậm chí còn có thể tồi tệ hơn. Trước đại dịch, tăng trưởng kinh tế và xu hướng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đã thúc đẩy nhiều khu vực, đặc biệt là các quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới, làm việc nhiều hơn.

Trong xu hướng làm việc tại nhà do sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhiều người trong số chúng ta cũng phải “làm việc” nhiều giờ hơn, mặc dù chúng ta ở nhà. Đó là hậu quả của việc xóa nhòa ranh giới giữa “làm việc” và việc nhà.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết:

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể cách làm việc của nhiều người. Làm việc từ xa đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiều ngành công nghiệp. Nhưng nó thường làm mờ ranh giới giữa nhà là nơi để ở và nơi làm việc.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa hoạt động để tiết kiệm chi phí. Điều này khiến cho những người vẫn đang trong biên chế cuối cùng phải làm việc nhiều giờ hơn để bù đắp khối lượng công việc cho những nhân viên đã bị cho thôi việc”.

Đã đến lúc chúng ta phải thức tỉnh

Làm việc và tăng ca quá sức dẫn đến việc suy giảm sức khỏe không phải là một phát hiện mới và quá đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, nghiên cứu của WHO và ILO lần này đã được thực hiện trên một quy mô lớn chưa từng có.

Dữ liệu được thu thập trên toàn thế giới đã đưa những kết luận lên một cấp độ hoàn toàn khác. Tổng cộng đã có 398.000 ca tử vong do đột quỵ và 347.000 người tử vong do bệnh tim đã được thống kê trong nhóm người lao động làm việc trên 55 tiếng một tuần.

Con số đã tăng lần lượt 19% và 42% so với năm 2000. “Làm việc nhiều giờ hiện nay được coi là nguyên nhân của khoảng một phần ba tổng gánh nặng bệnh tật liên quan đến lao động. Nó được coi là yếu tố nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh nghề nghiệp lớn nhất“, WHO cho biết.

Bạn chọn tiền hay sức khỏe? WHO cảnh báo làm việc trên 8 tiếng/ngày khiến nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 35% - Ảnh 3.

Nguyên nhân có thể đến từ các phản ứng căng thẳng sinh lý và những thay đổi trong hành vi sau giờ làm việc kéo dài. Chẳng hạn, nó có thể khiến bạn có chế độ ăn uống không lành mạnh, ngủ không đủ giấc và có chất lượng giấc ngủ kém, giảm vận động, không có thời gian tập thể dục và hoạt động thể chất nói chung.

Nghiên cứu của WHO cho biết chỉ cần làm việc trên 55 tiếng mỗi tuần, nguy cơ tử vong do đột quỵ và thiếu máu cơ tim của người lao động đã tăng lần lượt 35% và 17% so với chế độ làm việc 35-40 tiếng/tuần – tương đương với làm việc dưới 8 tiếng/ngày và mỗi tuần có 2 ngày nghỉ.

Vì vậy, cách khắc phục rõ ràng nhất bây giờ là nếu bạn thấy mình đang làm việc quá nhiều, hãy giảm giờ làm nếu muốn bảo vệ sức khỏe. Bạn có thể dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn nếu làm việc chân tay, nhiều thời gian vận động hơn nếu bạn làm việc văn phòng. Đừng quên dành thời gian cho gia đình, cho sở thích của bạn và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Với suy nghĩ đó, WHO đang khuyến khích các chính phủ và người sử dụng lao động lưu ý đến các cảnh báo trong nghiên cứu này. Họ nên thiết lập các quy tắc về giới hạn thời gian và giờ làm việc linh hoạt, đồng thời cho phép chia sẻ việc làm giữa những người lao động.

Không có công việc nào đáng để đánh đổi với nguy cơ bị đột quỵ hoặc mắc bệnh tim. Các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần làm việc cùng nhau để thống nhất các giới hạn giờ làm để bảo vệ sức khỏe“, Tổng giảm đốc WHO Tedros cho biết.

Nghiên cứu mới của WHO đã được công bố trên tạp chí Environment International.

Tham khảo Sciencealert, WHO

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : Genk