2 biểu đồ từ WHO cho thấy đại dịch COVID-19 đang đạt đỉnh kỷ lục mới
- Tram Ho
Bất chấp các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại một số quốc gia, số lượng ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày trên toàn thế giới vẫn đang ở mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuần trước cả thế giới ghi nhận hơn 5,6 triệu ca nhiễm mới COVID-19, con số cao nhất kể từ tháng 12 năm 2019 đã đẩy tổng số ca nhiễm tích lũy lên ngưỡng 146 triệu. Hơn 3,1 triệu người trong số đó đã tử vong.

Trong khi một số quốc gia giàu có như Mỹ và các nước thuộc khối Liên Minh Châu Âu ghi nhận ít ca COVID-19 mắc mới hơn nhờ vào các đợt tiêm chủng vắc-xin diện rộng, các quốc gia ở Đông Nam Á lại chứng kiến một làn sóng gia tăng mạnh mẽ của dịch bệnh.
Biểu đồ dưới đây lấy từ Dashboard theo dõi COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng tuần được ghi nhận trên toàn cầu tính đến hết tuần trước. Lưu ý: Khu vực Đông Nam Á mà WHO tính bao gồm 11 nước thuộc khối ASEAN và cả Ấn Độ.

Trong 5 ngày liên tiếp, Ấn Độ đã phải đối mặt với sự gia tăng chóng mặt của làn sóng COVID-19 thứ hai ở nước này. Mỗi ngày, họ ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới, điều đó có nghĩa là đã có hơn 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Ấn Độ tính riêng trong tuần trước.
Các bệnh viện đã liên tục báo cáo tình trạng thiếu máy thở và oxy. Hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ tử vong mỗi ngày khiến nhà hỏa táng và nghĩa trang của họ cũng trở nên quá tải.

Các quốc gia Châu Âu và Mỹ là điểm sáng khi ghi nhận ít ca mắc mới hàng ngày hơn khi các đợt triển khai tiêm chủng của họ tiếp tục. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 140 triệu người Mỹ – tương đương hơn 40% dân số – đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin COVID-19.
Ở Anh, tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin COVID-19 đã vượt qua 50% dân số. Một số quốc gia nhỏ như Israel, Bahrain và Bhutan cũng đã trên đường hoàn thành sớm mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhờ vắc-xin.
Điều đáng nói là đại đa số các quốc gia khác trên thế giới vẫn chưa thể tiêm chủng COVID-19 cho phần lớn dân số. Trong khi, Ấn Độ là nhà sản xuất vắc-xin cho AstraZeneca đóng góp chính cho sáng kiến COVAX – cung cấp vắc-xin COVID-19 miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang rơi vào khủng hoảng.
Đất nước từng được coi là “thần dược” của thế giới cung cấp 20% thuốc generic và 60% tổng lượng vắc-xin toàn cầu bây giờ đang bị ép hạn chế xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước. Các chuyên gia ước tính Ấn Độ có thể sản xuất 70 triệu liều vắc-xin COVID-19 mỗi tháng, nhưng ngay cả vậy cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn của họ hiện tại.
Mỗi ngày, Ấn Độ đang tiêm chủng 3 triệu liều vắc-xin, nhưng trong cuộc khủng hoảng, họ sẽ cần tăng gấp 3 lần con số đó mới có thể bảo vệ được dân số 1,4 tỷ người của mình.
Để hỗ trợ, một số nước như Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nguyên liệu thô để sản xuất vắc-xin cho Ấn Độ, đồng nghĩa với việc cung cấp cho đất nước này hạn ngạch lớn hơn cũng như các thiết bị bảo hộ cá nhân, kit xét nghiệm COVID-19 và máy thở. Vương quốc Anh cũng tuyên bố sẽ gửi máy thở và thiết bị oxy đến Ấn Độ để giúp nước này kiểm soát cuộc khủng hoảng.
Tham khảo Businessinsider, Atlantic
Nguồn bài viết : Genk