10 PHP Framework tốt nhất dành cho lập trình viên

Ngoc Huynh

PHP được xem là ngôn ngữ kịch bản phía máy chủ phổ biến nhất trên thế giới, nó đã phát triển rất nhiều kể từ khi các đoạn code inline đầu tiên xuất hiện trong các tập tin HTML tĩnh.

Ngày nay khi các lập trình viên cần xây dựng các website và các ứng dụng web phức tạp, họ có thể sẽ mất quá nhiều thời gian và rắc rối nếu cứ xây dựng ứng dụng từ đầu, vì thế cần đến một cách tự nhiên hơn để xây dựng sản phẩm. Các PHP framework cung cấp cho các lập trình viên với một giải pháp thỏa đáng cho điều đó.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn 10 PHP framework nổi tiếng nhất để giúp hỗ trợ quá trình phát triển web.

Tại sao lại sử dụng một framework PHP 

Nhưng trước tiên, chúng ta hãy xem qua những lý do hàng đầu tại sao nhiều nhà phát triển phần mềm muốn sử dụng các framework PHP và làm thế nào những framework này có thể nâng cao hiệu suất quá trình phát triển web của bạn. Dưới đây là những gì các framework PHP hỗ trợ:

• Nâng cao tốc độ phát triển sản phẩm
• Cung cấp code được tổ chức tốt, có thể sử dụng lại và dễ dàng bảo trì
• Cho phép bạn phát triển theo thời gian khi các ứng dụng web chạy trên các framework này có khả năng mở rộng
• Giải phóng bạn khỏi những lo ngại về bảo mật ở mức thấp của một trang web
• Tuân theo mô hình MVC (Model-View-Controller) đảm bảo sự tách biệt phần trình diễn và phần logic nghiệp vụ
• Thúc đẩy phương thức phát triển web hiện đại như các công cụ lập trình hướng đối tượng

1. Laravel

Mặc dù Laravel là một framework PHP tương đối mới (nó được phát hành vào năm 2011), theo khảo sát trực tuyến gần đây của Sitepoint thì nó là framework phổ biến nhất mà các nhà phát triển hay sử dụng. Laravel có một hệ sinh thái rất lớn với một nền tảng giúp triển khai ứng dụng của bạn một cách nhanh chóng, và trang web chính thức của nó cung cấp nhiều hướng dẫn bằng video gọi là Laracasts.

Laravel có nhiều tính năng giúp cho việc phát triển ứng dụng nhanh chóng nhất có thể. Laravel sở hữu một light-weight templating engine có tên là “Blade”, cú pháp sáng sủa hỗ trợ cho các tác vụ thường xuyên cần phải làm trong ứng dụng của bạn, chẳng hạn như authentication, sessions, queueing, caching và RESTful routing. Laravel cũng bao gồm một môi trường phát triển cục bộ gọi là Homestead – đây thực chất là một Vagrant box được đóng gói.

2. Symfony

Các thành phần của framework Symfony 2 được sử dụng bởi nhiều dự án lớn như hệ quản trị nội dung Drupal, hoặc phần mềm diễn đàn phpBB, kể cả Laravel – framework được liệt kê ở trên – cũng dựa vào nó. Symfony có một cộng đồng phát triển rộng lớn và nhiều fan hâm mộ cuồng nhiệt.

Symfony Components là các thư viện PHP có thể sử dụng lại giúp bạn hoàn thành nhiều tác vụ khác nhau, chẳng hạn như việc tạo form, cấu hình đối tượng, routing, authentication, templating, và nhiều thứ khác. Bạn có thể cài đặt bất kỳ Components nào bằng trình quản lý dependency PHP Composer. Trang web của Symfony có một phần showcase rất đẹp mắt, nơi bạn có thể xem qua một số dự án đã hoàn thành với sự giúp đỡ của framework tiện dụng này.

3. CodeIgniter

CodeIgniter là một PHP framework rất nhẹ và có tuổi đời gần 10 năm (được phát hành lần đầu tiên vào năm 2006). CodeIgniter có một quá trình cài đặt rất đơn giản và chỉ đòi hỏi một cấu hình tối thiểu, do đó nó có thể giúp bạn loại bỏ được rất nhiều rắc rối. Đây cũng là một sự lựa chọn lý tưởng nếu bạn muốn tránh xung đột phiên bản PHP, vì nó hoạt động tốt trên hầu như tất cả các nền tảng shared và dedicated hosting (hiện nay nó chỉ yêu cầu phiên bản PHP 5.2.4).

CodeIgniter không hoàn toàn dựa trên mô hình phát triển MVC. Việc sử dụng các lớp Controller là bắt buộc, nhưng Models và Views là tùy chọn, và bạn có thể sử dụng các tiêu chuẩn đặt tên và viết code theo cách của riêng mình, đó là bằng chứng cho thấy CodeIgniter cung cấp tự do tuyệt vời cho các nhà phát triển. Nếu bạn tải mã nguồn về, bạn sẽ thấy nó chỉ có dung lượng khoảng 2MB, vì đây là một lean framework (framework tinh gọn), nhưng nó cho phép bạn bổ sung thêm các plugin của bên thứ ba nếu bạn cần các chức năng phức tạp hơn.

4. Yii 2

Nếu bạn chọn framework Yii thì trang web của bạn sẽ có tốc độ thực thi rất nhanh, nhanh hơn so với các framework PHP khác, bởi vì nó sử dụng kỹ thuật lazy loading một cách rộng rãi. Yii 2 hoàn toàn hướng đối tượng, và nó dựa trên khái niệm lập trình DRY (Don’t Repeat Yourself), do đó cung cấp cho bạn một code base sạch sẽ và hợp lý.

Yii 2 được tích hợp với jQuery đi kèm với một bộ tính năng AJAX-enabled, nó thực hiện một cơ chế để dễ dàng sử dụng skinning và theming, do đó đây có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho những người đến từ một nền tảng front end. Nó cũng có một bộ sinh code (class code generator) mạnh mẽ được gọi là Gii tạo điều kiện cho lập trình hướng đối tượng và tạo nguyên mẫu (prototyping) nhanh chóng, và cung cấp một giao diện dạng web cho phép bạn tương tác để sinh ra phần code mà bạn cần.

5. Phalcon

Framework Phalcon được phát hành vào năm 2012, và nó nhanh chóng trở nên phổ biến trong cộng đồng các nhà phát triển PHP. Phalcon được cho là nhanh như chim ưng, vì nó được viết bằng C và C++ để đạt được mức độ cao nhất của tối ưu hóa hiệu suất có thể. Tin tốt là bạn không cần phải học ngôn ngữ C, vì các chức năng được đưa ra là các class PHP sẵn sàng để sử dụng cho bất kỳ ứng dụng nào.

Phalcon được cung cấp như một phần mở rộng của ngôn ngữ C, kiến trúc của nó được tối ưu hóa ở mức độ thấp làm giảm đáng kể các chi phí điển hình của các ứng dụng dựa trên mô hình MVC. Phalcon không chỉ giúp tăng tốc độ thực thi, mà cũng làm giảm việc sử dụng tài nguyên. Phalcon cũng được đóng gói với nhiều tính năng thú vị như auto-loader, asset management, security, translation, caching, và nhiều thứ khác. Đây là một framework có tài liệu đầy đủ và rất dễ sử dụng, nó chắc chắn có giá trị để bạn dùng thử.

6. CakePHP

CakePHP đã có tuổi đời một thập kỷ (phiên bản đầu tiên được phát hành vào năm 2005), nhưng nó vẫn nằm trong số các framework PHP phổ biến nhất, và luôn được cập nhật theo thời gian. Phiên bản mới nhất, CakePHP 3.0 tăng cường việc quản lý session, cải tiến tính mô-đun hóa bằng cách tách ra một số thành phần, và tăng khả năng tạo thêm các thư viện độc lập.

CakePHP có một showcase thực sự đáng chú ý, nó tạo sức mạnh cho các trang web của các thương hiệu lớn nhưBMW, Hyundai, và Express. Đây là một công cụ tuyệt vời cho việc tạo ra các ứng dụng web cần cấp độ bảo mật cao, vì nó có nhiều tính năng bảo mật tích hợp như xác nhận đầu vào, phòng chống SQL injection, XSS (cross-site scripting), CSRF (cross-site request forgery: mượn quyền trái phép), và nhiều thứ khác.

7. Zend Framework

Zend là một framework PHP mạnh mẽ và ổn định được đóng gói với rất nhiều cấu hình tùy chọn vì thế nó được khuyến cáo không nên sử dụng cho các dự án nhỏ nhưng rất tuyệt vời cho những dự án phức tạp. Zend có các đối tác như IBM, Microsoft, Google và Adobe. Trong phiên bản lớn phát hành sắp tới, Zend Framework 3 sẽ được tối ưu hóa cho PHP 7, nhưng vẫn sẽ hỗ trợ PHP 5.5 trở đi.

Phiên bản hiện tại, Zend Framework 2 cũng có nhiều tính năng thú vị như các công cụ mã hóa code, một editor có thể kéo & thả dễ dàng sử dụng với sự hỗ trợ cho các công nghệ front-end (HTML, CSS, JavaScript), debugging trực tuyến nhanh, các công cụ PHP Unit testing, và một Database Wizard giúp kết nối cơ sở dữ liệu. Zend Framework được tạo ra với các phương pháp Agile tạo điều kiện để cung cấp các ứng dụng chất lượng cao cho khách hàng doanh nghiệp.

8. Slim

Slim là một framework PHP nhỏ cung cấp cho bạn mọi thứ bạn cần và không thừa thứ gì cả. Các micro framework thường tối giản trong thiết kế, chúng là tuyệt vời cho các ứng dụng nhỏ hơn, nơi mà một full-stack framework sẽ trở nên cồng kềnh và không cần thiết. Tác giả của Slim đã được lấy cảm hứng từ một framework Ruby có tên là Sinatra.

Slim được sử dụng bởi nhiều lập trình viên PHP để phát triển các RESTful API và các dịch vụ. Slim đi kèm với các tính năng như URL routing, client-side HTTP caching, mã hóa session và cookie, nó cũng hỗ trợ message trên các HTTP request rất tốt. Hướng dẫn sử dụng của Slim khá dễ hiểu, và nếu bạn quan tâm đến các tính năng mới của phiên bản chính sắp tới (đã có phiên bản beta), bạn có thể xem video này về Slim 3.

9. FuelPHP

FuelPHP là một full-stack PHP framework linh hoạt không chỉ hỗ trợ mô hình MVC thông thường mà còn phát triển phiên bản của riêng nó, HMVC (Hierarchical Model-View-Controller) ở cấp độ kiến trúc. FuelPHP bổ sung thêm một class tùy chọn gọi là Presenter (trước đây gọi là ViewModel) giữa các layer Controller và View để giữ logic cần thiết khi sinh ra Views.

FuelPHP có tính mô-đun và có khả năng mở rộng, nó rất chú ý đến vấn đề bảo mật bằng cách cung cấp các tính năng như lọc đầu vào, URI và mã hóa đầu ra, và FuelPHP đi kèm với một authentication framework của riêng nó, với nhiều tính năng phức tạp khác và một tài liệu hướng dẫn chi tiết.

10. PHPixie

PHPixie là một framework khá mới, nó xuất hiện vào năm 2012 với mục tiêu tạo ra một framework hiệu suất cao cho các trang web dạng read-only. PHPixie cũng áp dụng design pattern HMVC giống như FuelPHP, và được xây dựng bằng cách sử dụng các thành phần độc lập có thể được sử dụng rất tốt mà không cần chính bản thân framework đó. Các thành phần của PHPixie là 100% unit tested, và yêu cầu các dependencies ở mức tối thiểu.

Trang web chính thức của nó có một hướng dẫn tuyên bố rằng bạn có thể học framework này trong vòng chỉ 30 phút, và blog của họ cũng cung cấp chi tiết nhiều trường hợp sử dụng thực tế. Trong số các tính năng bạn có thể tìm thấy như standard ORM (object-relational mapping), caching, input validation, authentication và authorization. PHPixie cũng cho phép bạn sử dụng ngôn ngữ markup HAML, cho phép di chuyển lược đồ, và có một hệ thống định tuyến phức tạp.

 

Chia sẻ bài viết ngay

Nguồn bài viết : http://www.hongkiat.com/